Ngày 12/1 (giờ địa phương), liên minh quân sự NATO và Nga đã có cuộc đối thoại kéo dài 4 giờ đồng hồ tại Brussels (Bỉ). Chia sẻ sau cuộc đàm phán, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết Moscow sẵn sàng thực hiện các hành động quân sự nếu các biện pháp chính trị không đủ "vô hiệu hoá các mối đe doạ" mà nước này phải đối mặt.
Nhận xét của ông Grushko được đưa ra chỉ vài ngày sau khi đồng nghiệp của ông, ông Sergei Ryabkov khẳng định Nga không có ý định tấn công Ukraine.
Thứ trưởng Grushko cho biết ông đã nói với các đại diện NATO rằng "tình hình sẽ càng tệ hơn nữa, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường nhất và nghiêm trọng nhất đối với an ninh châu Âu".
Trong khi đó, truyền thông dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Alexander Fomin, nói rằng quan hệ giữa Moscow với NATO đang ở "mức cực kỳ thấp" và một quan chức bộ Ngoại giao nước này nói với phóng viên rằng "không có chương trình nghị sự tích cực nào được đưa ra".
Trưởng phái đoàn Mỹ - Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman - cho biết tại cuộc họp ở Brussels, bà không nghe được gì khác với những lập trường Điện Kremlin đã được đưa ra trong cuộc đàm phán song phương ở Geneva (Thuỵ Sĩ) về việc yêu cầu NATO giảm bớt sự ảnh hưởng ở Đông Âu.
Bà Sherman nhận định những đề xuất đó với Mỹ và tất cả các đồng minh của NATO là không thể chấp nhận được. Đồng thời, bà chỉ ra vẫn có hơn 100.000 binh sĩ Nga được triển khai sát biên giới Ukraine, một số đã tiến hành các cuộc tập trận với đạn thật trong những ngày gần đây.
Bà chia sẻ: "Về cơ bản, chúng tôi đang nói với người Nga rằng: Một số thứ bạn đặt lên bàn đàm phán là những thứ không thể bắt đầu đối với chúng tôi. Chúng tôi sẽ không đồng ý yêu cầu hạn chế sự mở rộng của NATO. Chúng tôi sẽ không đồng ý quay trở lại năm 1997. Cùng với nhau, Mỹ và các đồng minh NATO đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ không đóng chặt cửa đối với chính sách mở vốn là trọng tâm của liên minh".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gọi cuộc gặp với NATO là "thời điểm xác định an ninh châu Âu", nói thêm rằng "những khác biệt đáng kể" vẫn còn. Ông Stoltenberg bình luận: "Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi rất nghiêm túc và trực tiếp về tình hình trong và xung quanh Ukraine cũng như những tác động đối với an ninh châu Âu. Sự khác biệt của chúng ta sẽ không dễ dàng thu hẹp nhưng một dấu hiệu tích cực được ghi nhận là tất cả các đồng minh của NATO và Nga có thể cùng ngồi lại một bàn và tham gia vào các chủ đề quan trọng".
Dù vậy, theo ông Stoltenberg, nguy cơ thực sự cho một cuộc xung đột vũ trang mới ở châu Âu là có thể xảy ra, đồng thời cảnh báo Nga sẽ nhận "hậu quả nghiêm trọng" nếu sử dụng vũ lực.
Cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga sẽ được tiếp nối vào ngày 13/1 tại Vienna (Áo) bằng vòng đàm phán thứ ba với Moscow, trong Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), hiện do Ba Lan chủ trì.