Ngày 10/8, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, trong 24 giờ qua, quân đội Nga đã tiến hành nhiều cuộc không kích và pháo kích nhằm trấn áp các nỗ lực đột kích của các đơn vị đối phương vào sâu lãnh thổ Nga theo hướng Kursk.
Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo điều thêm quân tiếp viện, xe tăng, pháo binh và hệ thống tên lửa đến Kursk.
Trong khi đó, ông Alexander Bortnikov, giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), đã chỉ đạo kích hoạt cơ chế chống khủng bố đối với Vùng Kursk, Bryansk và Belgorod, với tổng diện tích gần 92.000 km2.
"Kiev đã thực hiện một nỗ lực chưa từng có nhằm làm mất ổn định tình hình ở một số khu vực của đất nước chúng ta", Ủy ban Chống khủng bố quốc gia cho biết.
Việc kích hoạt cơ chế an ninh toàn diện sẽ trao thêm quyền cho các cơ quan an ninh để phong tỏa một khu vực, bao gồm kiểm soát thông tin liên lạc và hạn chế một số quyền tự do thông thường.
Việc di chuyển bị hạn chế, xe cộ có thể bị tịch thu, các cuộc gọi điện thoại có thể bị giám sát, các khu vực được tuyên bố là vùng cấm, các trạm kiểm soát được thiết lập và an ninh được tăng cường tại các địa điểm cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trước đó, hàng nghìn thường dân đã được sơ tán khỏi Vùng Kursk.
Các nhà phân tích cho rằng việc Ukraine "mở mặt trận Kursk" có thể nhằm buộc Nga điều động lực lượng dự bị tới ứng phó, từ đó "giúp tình hình ở phía Đông Ukraine đỡ áp lực hơn".
Một số báo cáo nói rằng lực lượng Ukraine đang tiến về phía nhà máy điện hạt nhân Kursk, nơi cung cấp phần lớn điện cho miền Nam nước Nga. Nhà máy này có 6 lò phản ứng, trong đó 2 lò đã ngừng hoạt động, 2 lò đang xây dựng và 2 lò đang hoạt động.
Những mảnh vỡ máy bay không người lái đã được tìm thấy gần một nhà máy điện hạt nhân của Nga tại khu vực này. Dù Nga đã tăng cường an ninh cho nhà máy này, song các cuộc tấn công có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lập tức kêu gọi các bên đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân trong giao tranh.