Kịch bản Mỹ cắt giảm viện trợ cho Ukraine khi Trung Đông leo thang căng thẳng

Theo ông Mick Ryan – Thiếu tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu, ngay cả khi ứng viên đảng Dân chủ thắng cử, sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine vẫn có thể giảm đi.

Theo thông tin trên TASS, ông Mick Ryan – Thiếu tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu nêu ý kiến rằng, Mỹ có thể cắt giảm viện trợ cho Ukraine nếu xung đột nổ ra giữa Israel và Hezbollah bởi Tel Aviv sẽ cần cùng loại vũ khí như Kiev.

Viết trong một chuyên mục cho tờ Foreign Affairs, ông Mick Ryan cho hay chiến thắng của một ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2024 cũng không giúp ích gì.

“Ngay cả khi đảng Dân chủ chiến thắng, sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine vẫn có thể giảm đi. Nếu xung đột ở Trung Đông mở rộng thì sẽ chỉ làm cạn kiệt thêm nguồn lực và sự chú ý dành cho Ukraine, đặc biệt là trong trường hợp cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah trở nên căng thẳng hơn”, ông Mick Ryan giải thích.

Nhà phân tích này chia sẻ thêm: “Một cuộc xung đột toàn diện giữa Israel và Hezbollah sẽ tiêu tốn gần như chính xác cùng loại vũ khí pháo binh và phòng không mà Ukraine cần, ví dụ như đạn dược 155mm, đạn xe tăng, thậm chí là bom chính xác thả từ máy bay. Việc mở rộng giao tranh với Iran hoặc Houthis có thể tiêu tốn các nguồn lực tương tự”.

Ông Mick Ryan – Thiếu tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu cho rằng, Mỹ có thể cắt giảm viện trợ cho Ukraine nếu xung đột nổ ra giữa Israel và Hezbollah. Ảnh minh họa: Reuters

Ông Mick Ryan – Thiếu tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu cho rằng, Mỹ có thể cắt giảm viện trợ cho Ukraine nếu xung đột nổ ra giữa Israel và Hezbollah. Ảnh minh họa: Reuters

Cũng theo ông Mick Ryan, cuộc xung đột ở Gaza có nghĩa Mỹ đang dành ít nguồn lực hơn cho Ukraine, đồng thời “thúc đẩy sự chuyển hướng chú ý lớn của giới truyền thông khỏi nước này”. Nhà phân tích đồng thời tiết lộ, Kiev đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các hệ thống phòng không.

Tình hình ở Trung Đông leo thang căng thẳng sau cuộc tấn công của Hamas từ Dải Gaza vào Israel hồi tháng 10/2023, khiến cư dân ở các khu định cư của Israel gần biên giới thiệt mạng và bắt giữ nhiều con tin. Israel tuyên bố bao vây hoàn toàn Dải Gaza, bắt đầu một chiến dịch trên bộ ở dải đất này cho đến nay.

Một đợt leo thang khác ở Gaza xảy ra sau vụ Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Tehram (Iran) hôm 31/7, cùng vụ chỉ huy Fuad Shukr của Hezbollah thiệt mạng tại Beirut. Iran, Hamas và Hezbollah quy trách nhiệm cho Israel về các vụ việc này và tuyên bố sẽ “không để yên”.