Nghệ An bàn về giải pháp thúc đẩy sản phẩm OCOP ra thị trường

Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tại đây, sở Công thương chỉ ra nhiều giải pháp thúc đẩy sản phẩm OCOP ra thị trường.

Chiều 6/7, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Vấn đề thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong điều kiện thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và biến động của thị trường là một trong những nội dung được đưa ra chất vấn.

Theo đó, Nghệ An hiện có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên; trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao; 43 sản phẩm đạt 4 sao và 359 sản phẩm đạt hạng 3 sao; trong đó, có 11 sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận (sau Hà Nội). Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 4 - 4,4 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm OCOP ở Nghệ An hiện đang đặt ra nhiều vấn đề; đặc biệt, dù có nhiều sản phẩm OCOP, song theo ý kiến của nhiều đại biểu HĐND tỉnh thì hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.

Liên quan đến nội dung phản án, đại biểu Hồ Thị Thu Trang (đơn vị TX. Hoàng Mai) nêu câu hỏi: Việc đăng ký bảo hộ cho thương hiệu nông sản của thị xã Hoàng Mai nói riêng, Nghệ An nói chung chưa được đăng ký, trong khi nhận thức, kiến thức của bà con về vấn đề này còn hạn chế nhất định, do đó, nguy cơ mất thương hiệu rất lớn; hướng xử lý trong thời gian tới như thế nào?

Tiêu dùng & Dư luận - Nghệ An bàn về giải pháp thúc đẩy sản phẩm OCOP ra thị trường

Quang cảnh phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII. 

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Khánh Linh (Tp.Vinh) cho biết, theo báo cáo, hiện nay, một số sản phẩm OCOP đã được thực hiện nguyên tắc đưa sản phẩm vào một số hệ thống phân phối hàng hóa lớn, trong đó có Lotte Vinh. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế vẫn chưa thấy sản phẩm OCOP của tỉnh trong các kệ hàng của Lotte Vinh. Hơn thế nữa, du khách tới Nghệ An muốn mua các sản phẩm của địa phương về làm quà cũng rất khó khăn, ngay cả người địa phương cũng gặp khó khăn về vấn đề này (trong báo cáo cũng nêu vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm OCOP). Trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới?

Đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc - Tổ đại biểu huyện Quỳ Châu đề nghị ngành chức năng đánh giá nhận định rằng: Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm có lợi thế ở địa phương, tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm OCOP còn mang tính tự phát, do đó đầu ra chưa ổn định, giá trị kinh tế chưa cao, chưa đồng đều giữa các địa phương.

Trả lời nội dung chất vấn, ông Phạm Văn Hoá, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch cụ thể các Quyết định của Chính phủ. Sở Công Thương cũng đã lồng ghép nội dung này trong kế hoạch xuất khẩu của tỉnh ban hành theo Quyết định 481; Quyết định 400 của UBND tỉnh về ưu tiên đưa sản phẩm tiêu biểu của Nghệ An lên sàn thương mại điện tử. Nghệ An đã phát triển 17 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, hệ thống khu trưng bày, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, việc quảng bá, giới thiệu và lan tỏa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng chưa thật sự hiệu quả.

Tiêu dùng & Dư luận - Nghệ An bàn về giải pháp thúc đẩy sản phẩm OCOP ra thị trường (Hình 2).

Ông Phạm Văn Hoá, Giám đốc sở Công thương trả lời chất vấn. 

Tại phiên chất vấn, ông Phạm Văn Hoá chỉ ra vẫn còn một số hạn chế. Theo ông Hoá, sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng phần lớn tham gia vào thị trường còn hạn chế kể cả quy mô, sản lượng.  Phần lớn sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường, nhất là yêu cầu của hệ thống bán lẻ có uy tín và phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại trong và ngoài tỉnh.

Nông sản chưa tham gia nhiều vào các chuỗi cung ứng lớn, nguyên nhân chính là do chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tham gia vào thị trường xuất khẩu còn khiêm tốn. Giám đốc sở Công thương chỉ ra 3 nguyên nhân chính đó là: Trình độ sản xuất, trình độ kinh tế thị trường còn hạn chế; việc kết nối thị trường còn khó khăn; cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh.

Để đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP ra thị trường, Giám đốc Sở Công Thương đề xuất nhiều nhóm giải pháp. Cụ thể, cần phải nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Tiếp tục thúc đẩy phát triển liên kết vùng, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, nhà phân phối, nhà sản xuất, các hợp tác xã.

Hỗ trợ người dân ứng dụng quy trình, máy móc trang thiết bị, quy trình, nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất đa dạng, nâng cao sản lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm… để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng thị hiếu, yêu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá hình ảnh sản phẩm hàng hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế; khuyến khích ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, nền tảng điện tử, mạng xã hội... để quảng bá, tiêu thị sản phẩm.

Tiêu dùng & Dư luận - Nghệ An bàn về giải pháp thúc đẩy sản phẩm OCOP ra thị trường (Hình 3).

Ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn.

Ông Hoá nhận mạnh phải xây dựng thương hiệu sản phẩm. Theo đánh giá từ thị trường có những sản phẩm không gắn sao nhưng lượng tiêu thụ lớn. Qua đó cho thấy, vấn đề quan trọng là xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu của sản phẩm nông sản.

Ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Việc phát triển và các sản phẩm được công nhận OCOP là không tự phát vì phải tuân theo một quy trình được chọn lọc từ cấp cơ sở, đủ tiêu chuẩn, điều kiện mới được công nhận. Theo quy định sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên phải tham gia thị trường. Các sản phẩm OCOP dứt khoát phải đi theo hướng thương hiệu, chất lượng và phải liên kết cùng nhau để phát triển sản phẩm. Ngay chủ thể của các sản phẩm OCOP cũng phải chăm sóc sản phẩm của mình, cần quản lý được chất lượng. “Không có nhanh, nhiều, tốt rẻ”. 

OCOP là tên viết tắt của cụm từ “One Commune One Product” được hiểu là "Mỗi xã một sản phẩm". Đây là những sản phẩm mang tính đặc trưng, bản sắc, văn hóa riêng có của vùng, miền, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng riêng có của vùng, miền nên có thể gọi là đặc sản. Sản phẩm OCOP được xây dựng theo định hướng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị và ổn định về nguồn lực cho kinh tế nông thôn. Thủ tướng Chính phủ ban hành OCOP như một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và khuyến khích thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
PV