Tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu ghi nhận tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đã có được kết quả tích cực; hoàn thành đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có nhiều vấn đề khiến đại biểu quan tâm. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Đại biểu Nguyễn Duy Cần, đơn vị bầu cử TP. Vinh băn khoăn về vấn đề tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt thấp. Đến nay tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 50%. Ông Cần cho rằng, trong nhiều nguyên nhân thì có nguyên nhân là cán bộ thẩm định, thẩm tra dự án thận trọng quá mức, đề nghị phía Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình làm rõ thêm nội dung này.
Ngoài ra, đại biểu này còn đề nghị cần quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là nhà đầu tư có tiềm lực, nhà đầu tư mới, doanh nghiệp mới.
Liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Hữu An, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai đề nghị phía UBND tỉnh và sở, ban ngành xem xét tham mưu cấp có thẩm quyền cho phép ủy quyền cho cấp huyện thẩm định giá, đặc biệt là giá đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Giải trình về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Nguyễn Xuân Đức, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan là các cấp, các ngành, các chủ đầu tư chưa quyết liệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Công tác thẩm tra của các đơn vị được thực hiện “thận trọng” hơn; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện chậm hơn. Người đứng đầu Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung quyết liệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Về việc kiểm tra và thu hồi các dự án không triển khai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức cho biết tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra trên toàn tỉnh. Riêng TX Cửa Lò sẽ có 7 dự án được kiểm tra và thời gian qua tỉnh cũng đã thu hồi 10 dự án không triển khai trên địa bàn thị xã.
Tại phiên thảo luận tổ, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng làm rõ thêm những kết quả nổi bật tỉnh đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh.
Về tồn tại, hạn chế, đặc biệt là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 còn thấp, ông Nguyễn Đức Trung cho biết, quá trình giải quyết các thủ tục, kể cả của các chủ đầu tư, bao gồm các ngành, các địa phương và các cơ quan có liên quan chưa có sự phối hợp để xử lý thủ tục nhanh; đồng thời ở một số địa phương, các đồng chí trong cấp ủy cũng chưa tham gia lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Chủ tịch UBND tỉnh nhận định mặc dù có chuyển biến, có tích cực hơn nhưng nhiều thủ tục hành chính giữa các ngành, các địa phương đối với doanh nghiệp và người dân còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều vấn đề liên quan đến sai phạm của cán bộ bị xử lý, thậm chí là xử lý pháp luật dẫn đến tâm lý sợ, ngại, thận trọng. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương thấy trách nhiệm của mình và phải quyết liệt hơn trong công tác tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên quan điểm là cùng chia sẻ, cùng gánh vác công việc chung của tỉnh.
Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tiếp tục đoàn kết thống nhất, phối hợp, chia sẻ trong thực hiện các nhiệm vụ; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tập trung giải quyết các nút thắt về cải cách hành chính, nút thắt hạ tầng; tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp…