Người đàn ông đánh bé gái 4 tuổi ở khu vui chơi sẽ bị xử lý thế nào?

Người đàn ông dùng chân, tay đánh vào người bé gái 4 tuổi tại khu vui chơi, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng thì bị truy cứu hình sự.

Sự việc người đàn ông đeo kính cận, tên Vũ Trọng Đam (SN 1988, ở Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) hành hung bé gái 4 tuổi tại khu vui chơi ở khu đô thị Linh Đàm chỉ vì bé gái vô tình ném bóng vào người khiến người dân vô cùng bức xúc.

xu ly ra sao nguoi dan ong danh be gai 4 tuoi o khu vui choi

Vũ Trọng Đam (ảnh nhỏ) và hiện trường nơi xảy ra vụ việc (Ảnh: CAND).

Theo xác minh của Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội), sự việc xảy ra từ tối 7/6. Khi đó, cháu bé được người nhà đưa đến một nhà sách trong khu Tây Nam Linh Đàm, rồi vào nhà bóng chơi một mình.

Cháu bé nhặt những quả bóng nhựa ném, vô tình trúng phải người đàn ông đeo kính cận. Dù bé gái còn quá nhỏ nhưng người đàn ông này đã lớn tiếng mắng và dùng tay đánh. Sự việc được camera của siêu thị ghi lại.

Tại cơ quan công an, Đam khai nhận, tối hôm đó, anh ta đưa con đến nhà sách, rồi vào khu vực nhà bóng. Bị cháu bé vô tình ném bóng nhựa trúng mặt, Đam không kiềm chế được bản thân, đã dùng chân, tay đánh 2, 3 phát vào người cháu bé.

Có quan điểm về sự việc nêu trên, Luật sư Phan Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Việt Phú Thịnh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) rất bức xúc trước cách hành xử của người đàn ông nói trên.

xu ly ra sao nguoi dan ong danh be gai 4 tuoi o khu vui choi 1

Luật sư Phan Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Việt Phú Thịnh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Luật sư Tuấn cho biết, việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, coi đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai.

Đối với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em khẳng định: “Trẻ em có quyền được chăm sóc đầy đủ và toàn diện ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành…”.

Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia, tạo hành lang pháp lý và định hướng cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đảm bảo thực thi các quyền của trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện. Đồng thời, hệ thống chính sách, biện pháp nhằm hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ qua các giai đoạn phát triển cũng được xây dựng và đảm bảo thực thi.

Hiến pháp 2013 (Điều 37, chương II) quy định “Trẻ em có quyền được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

“Nhận thức của cháu bé 4 tuổi còn quá non nớt, trong lúc chơi đùa, vô tình ném quả bóng nhựa vào người Vũ Trọng Đam, riêng hành vi tức giận mắng chửi cháu bé đã không thể chấp nhận được chứ chưa nói là dùng chân, tay đánh 2, 3 phát vào người cháu bé”, Luật sư Tuấn nói.

Chiếu theo quy định của pháp luật, hành vi xâm phạm trái pháp luật đến thân thể của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.

Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11 - 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như: người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người không có khả năng tự vệ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trong trường hợp không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính về hành vi “xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác” với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; được quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Qua sự việc trên, Luật sư Tuấn khuyến cáo tới các bậc phụ huynh cần sát sao, để ý con cái mình hơn tại những khu vực vui chơi công cộng, tránh xảy ra những va chạm, tai nạn không đáng có cũng như kịp thời phát hiện những hành vi xâm phạm trái pháp luật tới sức khỏe, tính mạng của trẻ nhỏ; đồng thời báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật.

P.V