Ngày 5/1, thông tin từ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, khoa phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương tiếp nhận và điều trị bệnh nhân người Philipines R.D.D (47 tuổi), là giáo viên dạy Tiếng Anh đã sinh sống ở Việt Nam 15 năm.
Ông D. vào viện trong tình trạng sưng tấy vùng bìu lan tỏa xuống tầng sinh môn, làm hạn chế đi lại và gây khó khăn khi đi vệ sinh. Trước đó, ông D. đã tới nhiều cơ sở y tế để thăm khám nhưng không phát hiện ra bệnh.
Tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông D. được chẩn đoán mắc bệnh Fournier. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mở rộng vùng thương tổn, cắt bỏ rộng rãi tổ chức hoại tử, để da hở và sử dụng băng gạc chăm sóc vết thương đặc biệt.
Sau 2 tuần điều trị tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông D. đã ổn định và ra viện.
Phó giáo sư Nguyễn Đức Chính - Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương cho biết, Fournier là bệnh lý nhiễm trùng nặng, đặc điểm gây hoại tử lan rộng vùng tầng sinh môn, vùng bìu ra xung quanh lên phía trên thành bụng và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh được bác sĩ da liễu Pháp Jean Alfred Fournier mô tả năm 1883. Sau đó, căn bệnh được đặt theo tên ông là nhiễm trùng hoại tử Fournier.
Bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi, nghiện rượu, đái tháo đường... Tỷ lệ mắc bệnh khoảng từ 0,1 đến 0,4 trên 100.000 dân. Chỉ tính riêng ở Mỹ, mỗi năm có từ 900 đến 1.000 trường hợp mắc bệnh, đa số bệnh nhân lớn tuổi, béo phì.
Do nhiễm các vi khuẩn gram âm và kỵ khí có độc tính cao, bệnh nhân sẽ nhanh chóng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Sau khi được điều trị, người bệnh vẫn phải đối mặt với một số vấn đề như chất lượng cuộc sống suy giảm. Người còn trẻ có thể cương đau dương vật khi quan hệ, suy giảm tình dục do trầm cảm, mặc cảm...
"Một số báo cáo cho thấy chất lượng hoạt động tình dục bị ảnh hưởng tới 70%, ở nam giới sau mắc bệnh", bác sĩ Chính nói.
Bác sĩ Trần Tuấn Anh - Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương cho biết thêm, ở Việt Nam bệnh này ít được biết đến, ít nghiên cứu đề cập đến bệnh cũng như xử lý. Thực tế, khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân Fournier.
Bệnh có nguồn gốc từ các bệnh lý nhiễm trùng vùng hậu môn trực tràng: áp xe quanh trực tràng, nứt kẽ hậu môn hoặc thủng đại trực tràng. Bệnh liên quan đến đường tiết niệu có viêm nhiễm ở niệu đạo, chấn thương đường tiết niệu, tổn thương sau nong niệu đạo, viêm mào tinh, viêm nhiễm đường tiết niệu dưới (mang sonde tiểu kéo dài). Bệnh lý vùng da như viêm mủ hạch bẹn, loét tỳ đè, chấn thương, viêm mủ da bìu, viêm chân lông do tụ cầu.
Bệnh cũng liên quan đến chấn thương như vết thương chột bìu tầng sinh môn, chấn thương phần mềm, đeo khuyên bộ phận sinh dục, tiêm chích heroin, đặt chất tạo hình tiết niệu sinh dục, tiêm xuyên cơ, điều trị steroid hoặc tia xạ tại chỗ, đặt bi dương vật....
"Ở người đồng giới nam, quan hệ đường hậu môn nguy cơ cao chấn thương và mắc bệnh", bác sĩ Tuấn Anh nói.
Bệnh khá hiếm gặp ở phụ nữ, thường liên quan đến nhiễm trùng do nạo phá thai, áp xe môi lớn và tuyến Bartholin, sau cắt tử cung... Đối với trẻ nhỏ, bệnh có thể gặp sau cắt bao quy đầu, thoát vị bẹn nghẹt, viêm lỗ rốn, côn trùng đốt, chấn thương, nong niệu đạo, nhiễm trùng hệ thống...
Biểu hiện bệnh đầu tiên là sốt, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi. Bệnh nhân đến bệnh viện muộn, diễn biến nặng có biểu hiện suy đa tạng: mạch nhanh, huyết áp tụt, thiểu niệu... hoặc sốc nhiễm khuẩn.
Tổn thương điển hình là viêm tấy lan rộng vùng bìu, xu hướng lan rộng ra hai bên, xuống tầng sinh môn, quanh hậu môn hoặc lan lên thành bụng dưới. Bệnh nặng sẽ hoại tử đen da, kèm vỡ mủ, thậm chí có hơi ở dưới da lan rộng, sờ lép bép. Có trường hợp hoại tử mất hết da bìu, dương vật bị mất da toàn bộ như "lột găng tay".
Nhiều người có tâm lý e ngại nên đến bệnh viện muộn, bệnh nặng.