Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước công bố về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 5/2023, tổng phương tiện thanh toán tại các tổ chức tín dụng, bao gồm tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tiền gửi của dân cư và tiền các khoản phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 14.517.831 triệu tỷ đồng, tăng 2,05% so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế chảy vào hệ thống ngân hàng giảm 3,45% còn 5.748.486 tỷ đồng, điều này đã phản ánh bức tranh kinh tế còn khó khăn, dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp không còn dồi dào.
Ngược lại, lượng tiền gửi của dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng tăng cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, lên 6.347.545 tỷ đồng, thậm chí mức tăng này có xu hướng tăng dần kể từ tháng 9/2022 bất chấp lãi suất ngân hàng điều chỉnh mạnh. Con số này đã vượt số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế kể từ tháng 1/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài tại nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm mạnh từ 1-2,5 điểm % so với thời điểm cuối tháng 12/2022. Mức lãi tiết kiệm phổ biến với kỳ hạn 12 tháng cho hình thức gửi tại quầy là 6,5-7,3%/năm, còn gửi online là 6,7-7,5%/năm.
Đầu tuần này, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đã cùng điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn 1-2 tháng xuống thấp nhất chỉ còn 3,3%/năm, tức thấp hơn nhiều so với trần quy định là 4,75%/năm áp dụng cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.
PV