Nhật ký ngày cuối cách ly của một bác sĩ Cấp cứu

Những ngày cách ly thật nhiều cảm xúc tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Hữu Nghị sau khi nơi này tiếp nhận vợ chồng Giám đốc Hacinco đến khám và được xác định mắc COVID-19...

Ngày cuối...

Bắt đầu thấy sự “chùng”. Bản thân bắt đầu cảm thấy sự bất lực trong việc “giữ lửa”. Có lẽ sự bình yên hàng ngày ở một bệnh viện không có quá nhiều “sóng gió” trong công việc làm cho mọi người chưa thể ngay lập tức quen với việc này.

Mọi sự nhờ Trời. Hy vọng và hy vọng.

Rồi cũng đến cái lúc chấm dứt một “khoảng lặng” để quay về với cuộc sống bình thường. “Cách ly” thì không định trước nên chả có gì để ngóng trông hay lo lắng trước đó, nhưng “ngày về” thì có. Không ai nói ra, không ai dám hỏi “sếp” về cái ngày đó vì “tụi nó” cũng biết “sếp” còn sốt ruột hơn nhiều. Tính từng ngày, chờ đợi mỗi kết quả xét nghiệm, mỗi lần “Âm” là con đường về nhà ngắn lại, nhưng “ngắn” là bao nhiêu thì không hề biết trước.

Tập thể khoa, trung tuổi có, trẻ tuổi có, chưa có gia đình cũng có, mỗi tầm tuổi và hoàn cảnh sẽ có những suy nghĩ khác nhau, nhưng có lẽ qua những ngày này, ai cũng sẽ có những cảm nhận nhất định về mọi điều trong cuộc sống, các bạn của tôi hãy giữ lấy, hãy chiêm nghiệm và tôi mong nó sẽ là những điều tốt đẹp đi cùng các bạn trên suốt hành trình đời người.

Điều mừng nhất là không ai mất hoàn toàn tinh thần và chưa ai thốt lên câu “giá mà”, chứng tỏ các bạn của tôi yêu nghề và luôn sẵn sàng chấp nhận mọi hệ luỵ mà nghề mang đến. Tôi tin chúng ta sẽ cùng nhau đi tiếp một cách vững vàng và đoàn kết hơn nữa trên chặng đường sắp tới.

Chúng tôi cách ly với hoàn cảnh và tâm thế khác với những đồng nghiệp phải cách ly cùng bệnh nhân trong các khu điều trị. Chúng tôi bất ngờ, không có sự chuẩn bị nhưng không vất vả, không đối mặt với nguy cơ hàng phút, hàng giờ như các đồng nghiệp ấy. Công việc của chúng tôi đơn giản hơn rất nhiều, nhưng không vì thế mà chúng tôi không thông cảm với các đồng nghiệp tuyến đầu.

Từ đáy lòng, chúng tôi cảm phục và tự hào vì được đứng cùng hàng ngũ. Các bạn sẽ căng thẳng về tinh thần, mệt mỏi về thể chất hơn chúng tôi nhiều lắm, vẫn biết chúng ta được xã hội phân công và luôn cố gắng làm tốt nhất nhưng trong lòng không thể không xót xa. Những con người băng xương thịt, những cảm xúc lúc mạnh mẽ, khi mong manh, làm sao tránh được những lúc tinh thần xuống tận “đáy”. Vậy mà các anh chị vẫn cố gắng, vẫn chưa một ngày lùi bước, khâm phục, trân trọng và học hỏi các anh chị tuyến đầu rất nhiều.

Báo tin về, vài đứa lại “rơm rớm” nước mắt. Chúng nó buồn buồn nói: “Nhớ con muốn về lắm anh ơi nhưng ngại”, thì ra là tâm lý “e ngại”, “kì thị” với những người được coi là diện “phải cách ly” vẫn còn nhiều lắm. Đó là tâm lý thông thường, nhưng mọi người hãy thông cảm và hãy hiểu rằng, chúng tôi luôn mong muốn đem lại sức khoẻ và bảo vệ sức khoẻ cho người khác, chúng tôi đã có những sàng lọc nhất định, có những kĩ năng và ý thức nhất định để bảo vệ cộng đồng. Hãy tin ở chúng tôi.

Những ngày cách ly, chúng tôi quên đi thói quen nhìn đồng hồ vì thời gian gần như không có ý nghĩa. Tuy nhiên ngày như ngắn lại bởi những tin nhắn, những cuộc điện thoại, những món quà từ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, người bệnh và gia đình họ. Quý lắm trong những lúc như thế này, một vài câu chia sẻ để thấy mình được quan tâm, để thấy nghề của mình vô cùng ý nghĩa, đó là động lực để chúng tôi tiếp tục con đường đã chọn. Cảm ơn những anh chị em “vòng ngoài” đã thay anh chị em bị cách li lo cho khoa “cấp cứu dã chiến” an toàn, đảm bảo phục vụ bệnh nhân cấp cứu tốt nhất có thể.

Ngày mai, chúng tôi lại quay trở lại công việc hàng ngày, hôm qua, hôm nay sẽ là kỉ niệm, những kỉ niệm mà chúng tôi sẽ nhớ mãi. Công việc sẽ cuốn chúng tôi đi theo dòng chảy cuộc sống, những kinh nghiệm chuyên môn trong sự việc mới xảy ra, những điều học hỏi và chiêm nghiệm được trong những ngày cách ly chắc chắn sẽ là những hành trang tốt giúp chúng tôi tiếp tục công việc của mình hiệu quả hơn, đẹp hơn.

Chúng ta, tập thể khoa Cấp cứu sẽ nhớ mãi những cái ngày mà chả ai muốn giấu riêng cho mình điều gì, cái ngày mà tất cả đều vui vẻ, sẵn sàng chia sẻ và sự ích kỉ vốn có trong mỗi con người dường như biến mất. Cuộc đời có lẽ rất cần những khoảng lặng để sau đó những nốt thăng, nốt trầm lại vang lên, làm đẹp thêm bản nhạc cuộc sống của mỗi người, bản hợp ca của xã hội.

Tạm biệt những ngày khó quên....

23:00, 15-05-2021

182807147-10218593625407883-8035762759718218328-n-1621168217.jpg

 

Đêm cách ly, trằn trọc, chỉ mong trời mau sáng....

19:00, 15-05-2021

Bữa tối. Cô bé bác sĩ “nói nhiều” la lên: “Các anh chị đừng bày thức ăn nữa, em chán ăn lắm rồi”. Cậu bác sĩ “háu ăn” nhất khoa thì nhìn bàn ăn dửng dưng: “Ơ lại phải ăn à”. Có lẽ tâm lý đang có nhiều chuyển biến.

Ai đó hỏi tôi, cách ly có gì vui không? Cách ly không sướng, không vui lắm đâu, muốn vui phải cố, nhưng có thời gian cho nhiều điều. Có thời gian để suy ngẫm hay nói cách khác là “sống chậm”.

Bạn sẽ thấy sự cởi mở, chân tình, chia sẻ hơn giữa mọi người trong tập thể. Bạn sẽ thấy được sự quan tâm của người khác giành cho mình mà bình thường bạn tưởng như không có. Tinh thần đồng đội, sự tương thân, tương ái sẽ được lên một tầm cao mới. Một trải nghiệm trong đời chẳng thể nào quên.

Khi bạn ở một nơi mà tiền không để làm gì, bạn sẽ có được suy nghĩ tích cực hơn nhiều về cuộc sống, một cuộc sống mà cái đích không chỉ đơn thuần là vật chất.

15:00, 15-05-2021

14-18h:

Một số hiện tượng lạ bắt đầu xuất hiện. Cậu em chả bao giờ đọc sách thì mượn sách đọc. Cậu thì chả mấy khi nghe nhạc thì bật nhạc lên nghe.

Vài người thì đi đi lại lại trong khoảng hành lang hẹp mà chả biết nghĩ gì. Có đứa bật TV rồi ngồi đó mà mắt nhìn lên trần nhà...

12:00, 15-05-2021

Bữa chính. Ngồi nhìn nhau vì ăn vặt rả rích cả ngày rồi, hơn nữa từ sáng đến trưa đâu có làm gì mà đói, trái với ngày thường luôn làm việc với cường độ cao. Lại phải lấy “quyền” trưởng khoa để bắt mọi người phải ăn cho đảm bảo sức khoẻ, không tăng cân không cho về nhà.

Có lẽ chưa bao giờ khoa Cấp cứu lại có những bữa ăn cơm tập thể “yên ổn” đến lặng lẽ như thế này. Bình thường, dù là những buổi liên hoan thì bao giờ bữa cơm cũng bị gián đoạn, xáo trộn bởi không thể tách rời việc phục vụ bệnh nhân. Bữa cơm này được “yên ổn” nhưng có lẽ trong lòng mỗi người đều thấy đôi chút xốn xao.

10:00, 15-05-2021

9-11h:

Giờ của những bà mẹ nhớ con. Tiếng nựng con, tiếng nhắc con học bài, tiếng dặn dò chồng (vợ) xôn xao. Sau đó là những khoảng lặng, những cái nhìn xa xăm đầy thương nhớ.

Các anh chị có tuổi hơn một chút lại phải đóng vai trò “hoạt náo viên”, kể chuyện tiếu lâm, tán phét, chém gió để tụi trẻ quên đi nỗi buồn chính đáng.

06:30, 15-05-2021

Mọi người thức dậy không phải vì chuông báo thức mà vì tin nhắn, gọi điện ra lấy đồ “tiếp tế”. Chao ôi, chưa bao giờ khoa Cấp cứu sống trong “nhung lụa” đến thế. Nào xôi, nào bánh giò, nào bánh mì, giò chả... Nghẹn ngào không thể nói thành lời vì tình cảm của gia đình, của anh chị em đồng nghiệp, của bệnh nhân.

Ai cũng gọi điện về nhà để mọi người ở nhà yên tâm đừng lo bị đói.

15:55, 14-05-2021

Ngày thứ 3 cách ly, kỷ niệm khó quên...

Món quà là những cục pin dự phòng tiếp sức chống dịch của Trưởng khoa khiến 19 nhân viên y tế đang cách ly trong khoa rất xúc động...

185410873-4204413809609305-6265777806703333691-n-1621168158.jpg

 

"Chúng em xin cám ơn anh, một người luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho mọi người. Dù xa gia đình, xa con, nhưng chúng e luôn cảm nhận đc tình yêu thương từ gia đình thứ 2. Love các thành viên của Khoa Cấp cứu..." - một nhân viên y tế chia sẻ.

14:00, 14-05-2021

Tất cả mẫu xét nghiệm của F1, F2 và 19 nhân viên y tế tại khoa đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Thở phào nhẹ nhõm...

Xem chi tiết tại đây.

00:00, 13-05-2021

23:00, 12-05-2021

Không ai buồn ngủ, trước đó là các cuộc gọi video call rộn ràng, giờ thì mỗi người một góc theo đuổi một suy nghĩ riêng.

Hô anh em đi ngủ nhưng biết khó có thể có được giấc ngủ trọn vẹn đêm nay...

Đêm cách ly dài hơn đêm trực, đừng chủ quan nghĩ dịch bệnh ở xa...

18:00, 12-05-2021

Bữa cơm đầu tiên. Lần đầu ăn cơm tối đông đến thế, may có phòng hành chính rộng, đảm bảo giãn cách, tất cả nhìn nhau, cũng ngậm ngùi ra phết. Chả ai sợ cho mình, nhìn mặt là biết, đa phần là nhớ gia đình, bần thần do “việc xảy ra nhanh hơn một cơn gió”.

Thôi thì trách nhiệm lại phải “quán triệt”: “Bệnh nhân này chúng ta chủ động nên khả năng nhiễm của cả khoa gần như là không có, nhưng chúng ta chấp nhận ở lại là vì sự an toàn cho bệnh viện, cho gia đình, cho cộng đồng, vui đi thôi vì mới chỉ là ngày đầu”.

16:00, 12-05-2021

Chính thức chuyển bệnh nhân đi.

Bắt đầu báo chí đưa tin, tin nhắn tới tấp, trả lời không kịp. Thế mới biết ngành Y vẫn là ngành được nhiều người quan tâm, yêu mến.

13:45, 12-05-2021

Setup xong khoa Cấp cứu “dã chiến”, cắt cử người trông khoa mới tạm ổn.

12:15, 12-05-2021

Thông báo chỉ đạo của Ban giám đốc: Tạm thời cách ly toàn bộ khoa Cấp cứu. Hai cô bé tự nhiên tu tu khóc, một đứa bảo: “Bố ơi con nhớ cháu”, một đứa bảo: ”Anh ơi sữa của em giờ làm thế nào”.

Trợn mắt trấn an chúng nó nhưng thực sự cay sống mũi. Mấy chị già hơn thì bình tĩnh hơn, lên phương án chuẩn bị hậu cần.

12:00, 12-05-2021

Đã có kết quả xét nghiệm Dương tính khẳng định. Trong đầu lên phương án chuẩn bị cho anh em phong toả khoa, xây dựng khoa Cấp cứu tạm thời.

11:00, 12-05-2021

Test nhanh dương tính cho bệnh nhân. Thông báo toàn khoa không ai di chuyển, bệnh nhân nằm lại, người nhà ở yên một chỗ.

BS. Nguyễn Đặng Khiêm

(Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Hữu Nghị)