Theo dõi sát từng ca bệnh
Là một trong các bệnh viện được sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ tiếp nhận điều trị cách ly các bệnh nhân COVID-19, trong đợt dịch thứ 4 này, gánh nặng đặt lên vai bệnh viện Đa khoa Đức Giang không hề nhỏ. Các y bác sĩ phải nỗ lực từng ngày để cứu chữa, giành lại sự sống cho người bệnh.
Mới đây, bệnh viện đa khoa Đức Giang đã cấp cứu thành công cho một bệnh nhân COVID-19 nguy kịch phải thở máy. Đó là bệnh nhân Đ.Q.T, 52 tuổi, trước đó có liên quan đến ổ dịch của Tập đoàn T&T (Hà Nội). Bệnh nhân T. được phát hiện dương tính với COVID 19 từ ngày 26/5 và được chuyển tới điều trị tại bệnh viện đa khoa Đức Giang vào ngày 27/5. Ban đầu bệnh nhân chỉ bị ho, không sốt, không khó thở. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần sau, tình trạng bệnh tiến triển nặng, sốt cao, tức ngực.
Mặc dù được chỉ định thở oxy mask 10l/phút, điều trị bằng kháng sinh và thuốc phòng chống huyết khối, nhưng tình trạng suy hô hấp vẫn không cải thiện, bệnh nhân có tần số thở nhanh, được chẩn đoán ở mức độ nguy kịch. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân T. được các bác sĩ chỉ định điều trị thở máy hỗ trợ, kết hợp với phương pháp lọc máu hấp phụ bằng quả lọc Oxiris. Sau khoảng 4 ngày chăm sóc toàn diện và điều trị tích cực, khả năng hô hấp của bệnh nhân đã dần phục hồi, bệnh nhân cai được thở máy; tình trạng bệnh ổn định, không còn ho, sốt; không còn đau ngực, có thể tự xúc ăn được. Với mỗi ca bệnh điều trị thành công như tiếp thêm động lực cho các y bác sĩ cố gắng mỗi ngày.
Trao đổi về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện, Ths.BS. Lê Văn Đán, phụ trách đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: “Đến nay bệnh viện đã tiếp nhận điều trị khoảng 150 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Bên cạnh tiếp nhận điều trị các ca F0, Bệnh viện cũng tham gia cách ly điều trị các trường hợp F1, F2... Fx có triệu chứng được Trung tâm y tế các quận, huyện chuyển đến. Các bệnh nhân đến cách ly và điều trị tại Bệnh viện hầu hết đều có triệu chứng như: Sốt, ho, đau họng, đau mỏi người”.
Cũng theo BS. Lê Văn Đán, trong số các bệnh nhân điều trị tại đây, một số bệnh nhân có các triệu chứng nặng của bệnh như: Khó thở, suy hô hấp. Đặc biệt, bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, âm thầm và tiến triển qua các giai đoạn rất nhanh nên trong quá tình điều trị vấn đề theo dõi sát bệnh nhân đóng vai trò quan trọng. Các bác sĩ đã phải tích cực theo dõi điều trị các bệnh nhân từ nhẹ đến nặng, trong đó có nhiều ca đã phải can thiệp hồi sức cấp cứu như: Thở oxy, thở HFNC, CPAP, thở máy, lọc máu…
Bệnh viện cũng lắp đặt nhiều hệ thống camera quan sát tình trạng bệnh nhân tại các phòng bệnh, dự trù nhiều máy thở, máy lọc máu, máy thở CPAP, chuẩn bị nhiều giường cấp cứu để điều trị các bệnh nhân diễn biến nặng của bệnh.
Theo BS. Lê Văn Đán, nhiều ca bệnh nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng tăng nặng nhưng biểu hiện không rõ ràng; vì vậy, nếu các bác sỹ, điều dưỡng không theo dõi, thăm khám kỹ và liên tục sẽ khó phát hiện. Đặc trưng khi nhiễm SARS-CoV-2 mà mọi người thường nghe nói là biểu hiện viêm phổi có suy hô hấp; tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân có suy hô hấp nhưng có thể bệnh nhân lại không cảm thấy khó thở. Vì vậy, chúng tôi phải tổ chức thăm khám tới vài lần trong ngày, chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân trong điều kiện tuân thủ tuyệt đối kiểm soát nhiễm khuẩn.
Các bệnh nhân điều trị tại đây được tư vấn thêm về các triệu chứng nặng của bệnh, được an ủi, động viên trong những ngày cách ly điều trị để tránh stress tâm lý.
“Với các ca bệnh diễn biến nặng, chúng tôi sắp xếp vào phòng hồi sức, điều trị theo phác đồ hồi sức tích cực, theo dõi trực tiếp hàng ngày và theo dõi qua camera liên tục, có đủ hệ thống cảnh báo nếu bệnh nhân chuyển nguy kịch”, BS. Lê Văn Đán cho biết.
Ngay từ những đợt dịch đầu tiên, bệnh viện Đức Giang đã tổ chức riêng các khu khám, điều trị cho các ca bệnh nghi nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trong đợt dịch lần thứ 4 này, với trách nhiệm được giao là công tác điều trị các ca bệnh F0. Ngay từ những ngày đầu, Ban Phòng chống dịch Bệnh viện đã thống nhất sử dụng riêng một tòa nhà 7 tầng dành để điều trị cách ly các ca bệnh nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2. Khâu kiểm soát nhiễm khuẩn tại khu vực này luôn được đặt ở mức cao nhất.
Cùng với đó, các nhân viên y tế được huy động tham gia điều trị tại khu vực này đều là những nhân viên trẻ tuổi, không có bệnh lý nền, đã tiêm phòng vaccine COVID-19 đầy đủ.
Những lần rơi nước mắt vì thương bệnh nhân
Những ngày tham gia điều trị cho người bệnh COVID-19, cùng cách ly với người bệnh cũng là khoảng thời gian đầy cảm xúc với các y, bác sĩ ở đây. Nơi chỉ có bác sĩ, điều dưỡng và người bệnh; mọi sinh hoạt, hỗ trợ người bệnh đều do nhân viên y tế lo, họ đã như người thân của nhau.
Với Ths.BS Lê Văn Đán và các y, bác sĩ ở đây, nếu ai hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ, thì thực sự họ không biết kể bao giờ cho hết những kỷ niệm, vui, buồn trong ca trực dài đằng đẵng chưa biết khi nào dịch lui. Có nhiều ca bệnh COVID-19 điều trị tại đây, mỗi ca bệnh lại có những ấn tượng riêng trong những ngày nằm điều trị.
“Tôi vẫn nhớ có một trường hợp cả gia đình đều dương tính với SARS-CoV-2 phải vào đây điều trị. Bố, mẹ đã vào cách ly điều trị được vài ngày thì sau đó đứa con nhỏ cũng có kết quả dương tính và cũng đến cách ly. Khi hai vợ chồng gặp con trong khu cách ly, cả gia đình cùng khóc làm cho chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Nhân viên y tế lại phải ở bên cạnh động viên cả gia đình cùng cố gắng, bớt lo lắng để mau chiến thắng bệnh tật, được trở về nhà. Hay ở đây cũng có những ca bệnh khi biết tin đang diễn biến nặng lên, họ đã rất lo lắng, lúc này các nhân viên y tế lại phải sử dụng các biện pháp tâm lý, vừa động viên, an ủi, vừa tích cực điều trị cho người bệnh. Vui nhất với chúng tôi là nhiều ca bệnh nặng, sau một thời gian điều trị đã chuyển sang nhẹ. Nhận lời cảm ơn từ người bệnh, chúng tôi vô cùng xúc động. Đó là những thứ quý giá nhất mà người làm nghề y như chúng tôi luôn mong có được”, BS Lê Văn Đán xúc động.
Từ khi nhận nhiệm vụ chống dịch, ở lại bệnh viện làm việc, xa gia đình, xa vợ con, đằng sau mỗi ca trực, đâu đó, những “người anh hùng áo trắng” cũng thầm lau nước mắt, cũng chợt tranh thủ vài phút ngơi tay để nhớ nhung gia đình. Nhưng nhiệm vụ đã nhận, họ luôn cố gắng vững vàng để vượt qua, làm chỗ dựa tin cậy cho người bệnh. Ở nơi cách ly, có bệnh nhân chia sẻ, đồng nghiệp cùng nhau động viên an ủi lẫn nhau, đó là cũng động lực giúp các y, bác sĩ làm việc, nỗ lực hết mình.
“Chúng tôi nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 với tinh thần cao nhất, mong muốn tất cả bệnh nhân đều sẽ được khỏi bệnh, không phải lo lắng và có những ngày cách ly vui vẻ như đang ở gia đình mình. Chúng tôi cũng rất cảm động khi nhận được sự động viên hết lòng từ gia đình và đồng nghiệp. Cũng như biết bao y, bác sỹ khác trên khắp cả nước, chúng tôi đã nguyện làm hết sức mình với mong muốn đất nước đánh lui dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường”, BS. Lê Văn Đán chia sẻ.
Tạ Nguyên/Báo Tin tức