Trên đây là chia sẻ của thầy Cao Xuân Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang, đã xin đi cách y tập trung 21 ngày cùnlg 64 học sinh lớp 5 của trường.
Nhà xe thành "nhà tắm dã chiến"
Khoảng 22h đêm 14/5, tôi nhận được tin một học sinh của trường mắc Covid-19. Nhà trường khẩn trương rà soát, lên danh sách có 64 học sinh (chưa kể em F0 phải đi điều trị) và một số cán bộ, giáo viên thuộc diện phải cách ly tập trung.
"Sáng hôm sau tôi vội vã chạy lên trường. Ngay từ sáng sớm, đã thấy phụ huynh đưa học sinh, cùng một số cán bộ giáo viên khai báo y tế ở đó", thầy Thành nhớ lại.
Được biết ban đầu, địa điểm cách ly dự kiến đặt cách trường khoảng 20km nhưng đơn vị này xin cách ly tại chỗ để thuận tiện cho học sinh.
Khoảng 9h sáng 15/5, lệnh cách ly tại Trường tiểu học Hương Sơn được phát ra. Chỉ trong vòng khoảng 2 tiếng đồng hồ, các phòng học được sắp xếp thành phòng ở cho học sinh.
"Lúc đó tôi và cô hiệu trưởng đều xin được vào cách ly cùng các em học sinh. Tuy nhiên, do Hiệu trưởng phải xử lý rất nhiều công việc bên ngoài trường, do vậy tôi vinh dự được vào khu cách ly, vừa động viên các em, vừa quán xuyến công việc ở vòng trong.
Tôi lập tức gọi điện cho vợ để làm công tác tư tưởng. Vợ tôi là giáo viên nên cô ấy đồng ý ngay.
Nhìn cảnh học sinh bịn rịn chia tay gia đình vì các em ở vùng sâu, vùng xa không mấy khi xa gia đình. Hiểu được lo lắng của phụ huynh và học sinh trong những ngày đầu vào cách ly tập trung, có em bé như học sinh lớp 2, tôi quyết định vào vòng trong không hề băn khoăn", thầy Thành chia sẻ.
Đặc biệt, do nhà trường không có bếp ăn, thiếu khu vực vệ sinh nên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch huyện Lạng Giang đã huy động lực lượng tình nguyện viên, giáo viên, phụ huynh nhanh chóng cải tạo.
Chỉ vài giờ sau đó, các phòng học được chuyển thành phòng cách ly với đủ chăn, màn, chiếu, vật dụng sinh hoạt; khu nhà xe cũng được cải tạo thành nơi tắm, giặt, vệ sinh hằng ngày.
"Tôi gọi điện cho Hội trưởng Hội phụ huynh trường. May anh ấy có biết nghề điện nước, cùng một số người nữa nhanh chóng quây bạt, kéo vòi nước. Một số phụ huynh khác vận động mua các xô nhựa to…
Chỉ trong vòng một buổi chiều, "nhà tắm dã chiến" hoàn thành. Một số học sinh thiếu màn, ngay trong đêm đó, một giáo viên của trường ở vòng ngoài phải đập cửa từng nhà, mua đủ 12 chiếc gửi vào khu cách ly", thầy Thành kể lại.
4 giáo viên dỗ một học sinh hết khóc
Chia sẻ về những ngày khó khăn trong khu cách ly, thầy Thành cho hay, khoảng 5h sáng hàng ngày thầy dậy, tập vài động tác thể dục, sau đó đeo găng tay, khẩu trang, đi kiểm tra độ dinh dưỡng của đồ ăn mà mọi người vừa chuyển vào.
Sau đó, thầy cùng mọi người chuẩn bị đo thân nhiệt cho học sinh và cán bộ giáo viên. Trừ những lúc ở trong phòng, mỗi lần tiếp xúc với học sinh và giáo viên cách ly, thầy đều phải mặc quần áo bảo hộ kín mít.
"Mùa hè nắng nóng, trường tôi lại thuộc vùng khó khăn không có điều hòa, nên nếu thời tiết không ủng hộ, học sinh và cán bộ giáo viên khá vất vả. Có thể người ngoài thấy bình thường nhưng những chi tiết nhỏ nhất ở trong khu cách ly cũng khiến chúng tôi xúc động.
Tuy nhiên, chúng tôi xác định phải vượt qua những ngày tháng cam go. Những ngày đầu, học sinh phải ngồi một chỗ rất cuồng chân, nếu tổ chức vui chơi thì vi phạm giãn cách. Do đó, thầy trò phải nghĩ các hoạt động giáo dục như vẽ tranh, hoặc học tập sao cho phù hợp", Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Được biết ở trường này có 64 học sinh và 6 giáo viên (trong đó có 4 giáo viên tiểu học và 2 giáo viên trường mầm non) cách ly tập trung.
Để bảo đảm giãn cách, an toàn phòng, chống dịch, các em được sắp xếp ở tại 16 phòng, mỗi phòng đều có giáo viên phụ trách.
"Lần đầu xa nhà trong hoàn cảnh đặc biệt nên chúng tôi phân công giáo viên phụ trách các phòng, trực tiếp lo việc ăn ngủ, động viên học sinh. Thương trò như thương con, cố gắng lo cho các em chu đáo nhất trong điều kiện có thể nên đến nay tâm lý các em ổn định, vui vẻ, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Vài ngày đầu, có học sinh nhớ nhà khóc không ngủ. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh 4 cô giáo cùng dỗ một học trò khóc vì nhớ nhà trong đêm, thương khôn tả", thầy Cao Xuân Thành chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Thành cũng cho rằng, việc tình nguyện vào khu cách ly với học sinh không có gì to tát nên thầy không đắn đo suy nghĩ nhiều. Thậm chí, thầy coi đấy là vinh dự khi được góp công sức nhỏ bé vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Không chỉ thầy mà cán bộ giáo viên của nhà trường, mỗi người một việc, đều cố gắng chăm lo cho học sinh trong khu cách ly.
Với tấm lòng tương thân tương ái, thương yêu, động viên giúp đỡ các em học sinh trong những ngày cách ly, nhà trường đã nhận được rất nhiều tấm lòng hảo tâm của các đơn vị, tập thể cũng như cá nhân cùng với phụ huynh học sinh đã chung tay giúp đỡ nhà trường và các em học sinh vượt qua đợt dịch bệnh này.
Thông tin với PV Dân trí, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho hay, đến ngày 28/5, toàn tỉnh có 472 giáo viên và học sinh đang cách ly y tế tại trường học.
Bắc Giang cũng có 7 khu cách ly tập trung dành riêng cho học sinh gồm: Trường Tiểu học Hương Sơn (Lạng Giang); Trường Mầm non Lê Lợi, Trường Tiểu học Dĩnh Kế, Trường THCS Lê Lợi (TP Bắc Giang); Trường Mầm non Tân Hoa, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn; Trường Tiểu học và THCS thị trấn Tân An (Yên Dũng).
Theo Mỹ Hà ( Báo Dân trí)