Những cuộc "ngã giá" của "cò luồng xanh" thời giãn cách

Chỉ 600 nghìn đồng, bạn đã có mã QR ưu tiên để di chuyển trong thời giãn cách. Những "cò luồng xanh" này đang khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh trở nên phức tạp.

Trong bài viết “Ra vào Hà Nội dễ lắm!”, Người Đưa Tin Pháp luật đã phản ánh về nạn đưa “lậu” người đến, đi khỏi Hà Nội trong thời gian thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vậy nguyên nhân từ đâu diễn ra tình trạng này?

Nguy cơ gieo rắc dịch bệnh từ vấn nạn “cò luồng xanh”

Ngày 15/7/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB VN) đã công bố văn bản số 4916/TCĐBVN-ATGT, hướng dẫn tạo thuận lợi (luồng xanh) lưu thông cho các phương tiện vận tải trong thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. Ngày 18/7, TCĐB VN tiếp tục ban hành công văn 4977/TCĐBVN-VT ưu tiên vận chuyển hàng hóa, công nhân được lưu thông thông suốt 24/24h.

Theo đó, chỉ những xe sau đây được cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động (mã QR ưu tiên). Thứ nhất, xe chở hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa trên "luồng xanh" quốc gia, có lộ trình đi qua vùng giãn cách. Thứ hai, xe chở hàng hóa thiết yếu của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và phục vụ các công trình xây dựng được phép hoạt động theo chỉ thị cấp tỉnh, thành phố. Thứ ba, xe chở người và các phương tiện phục vụ công vụ của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động theo chỉ thị cấp tỉnh, thành phố và các loại phương tiện vận chuyển khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thủ tục cấp mã QR ưu tiên cũng được đơn giản hóa rất nhiều khi toàn bộ thao tác được đăng ký trực tuyến, chỉ mất 5 phút cho một bộ hồ sơ hoàn chỉnh và hoàn toàn không mất phí. Tuy nhiên, do lưu lượng người truy cập quá lớn dẫn đến quá tải cho hệ thống đăng ký khiến nhiều đơn vị rất mất thời gian chờ đợi. Cộng với nhiều người vì không thuộc diện ưu tiên nhưng vẫn muốn được điền tên vẫn "luồng xanh" nên một loại “cò” mới đã ra đời, người viết tạm gọi là “cò luồng xanh”. Đi làm, đi chơi, mua sắm…không cần biết mục đích sử dụng ra sao, miễn có tiền đều có thể được cấp phép luồng xanh (mã QR ưu tiên) cho xe ô tô của mình.

Hồ sơ điều tra - Những cuộc 'ngã giá' của 'cò luồng xanh' thời giãn cách (Hình 2).

Giao diện cấp thẻ nhận diện ưu tiên của TCĐB VN

Trong vai người có nhu cầu xin cấp mã QR ưu tiên, phóng viên tiếp cận với một “cò” tại Cầu Giấy. Người này cho biết, xe tải thì đơn giản, khách hàng đặt cọc trước 200 nghìn đồng và cung cấp các giấy tờ: chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân; bằng lái xe; đăng ký; đăng kiểm phương tiện; giấy xác nhận Covid-19 âm tính. Sau khi nhận được mã phải thanh toán nốt số tiền còn lại (400 nghìn đồng). Thời gian chờ đợi chỉ vài giờ đồng hồ. Khi phóng viên đề cập đến vấn đề xin giấy “luồng xanh” cho xe du lịch cá nhân, người này từ chối với lý do, không làm được.

Tiếp cận với một tài khoản mạng xã hội khác, khẳng định có thể hỗ trợ xin QR ưu tiên thì được hướng dẫn, khách hàng cũng chụp, gửi hồ sơ theo danh sách quy định của TCĐB VN. Xe ô tô tải, xe bán tải (Pickup cabin kép), xe tải Van là những loại dễ dàng xin được. Người này khá chắc chắn về khả năng thành công khi không yêu cầu khách hàng đặt cọc trước. Đối với xe ô tô con, xe gia đình, “cò” này khẳng định không làm được, bên nào nhận làm là lừa đảo. Mức phí 600 nghìn đồng như một mức giá chung khi vài “cò” khác cũng nhận với mức giá này.

Hồ sơ điều tra - Những cuộc 'ngã giá' của 'cò luồng xanh' thời giãn cách (Hình 3).

Ngang nhiên chào mời cấp mã nhận diện luồng xanh

Văn bản số 4977 của TCĐB VN đã quy định rất rõ về đối tượng được cấp nhưng trong quá trình trao đổi, phóng viên chưa bao giờ nhận được thắc mắc về mục đích xin cấp QR ưu tiên từ các “cò” này.

Câu hỏi đặt ra, tại sao trong khi nhiều đơn vị vận tải đăng ký theo đường chính thống rất khó khăn, liên tục gặp tình trạng nghẽn mạng thì các “cò” này lại có thể dễ dàng đăng ký đến vậy? Chính sách còn bất cập ở đâu, ở khâu nào? Liệu có tiêu cực trong vấn nạn này hay không?

Vấn nạn “cò luồng xanh” đang gây ra nhiều nguy cơ rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch trên cả nước. Bằng vào những mã QR ưu tiên được cấp tràn lan này, người dân có thể đến, đi bất kỳ đâu mình muốn khiến cho công tác khoanh vùng dập dịch gần như khó có thể thực hiện được. Các ca F0 còn lẩn khuất trong cộng đồng sẽ âm thầm gieo rắc dịch bệnh qua nếu họ đi trên những chuyến xe “hợp pháp” kia. Hành vi sử dụng sai mục đích đối với nhiều phương tiện được cấp mã QR ưu tiên đã được minh chứng khi thời gian qua, các chốt chặn tại nhiều địa phương đã phát hiện ra hàng loạt các vụ việc chở người trái phép từ những chiếc xe này. Thậm chí, có đối tượng còn sử dụng mã QR giả, lợi dụng chiêu bài từ thiện “chuyến xe 0 đồng; chở hàng cứu trợ...” để đưa “lậu” người qua các chốt kiểm dịch nhằm thu lời bất chính.

Hồ sơ điều tra - Những cuộc 'ngã giá' của 'cò luồng xanh' thời giãn cách (Hình 4).

Những xe đưa người trái phép từ vùng dịch ra bị phát hiện tại Thừa thiên - Huế (Ảnh X.S- Hoàng Trâm)

 Đi tìm lời giải cho những chuyến xe “lậu”

Qua những tư liệu được nêu ở trên, gần như có thể chắc chắn, các “cò luồng xanh” không xin được mã QR ưu tiên dành cho xe du lịch, xe gia đình cá nhân. Vậy nguyên nhân nào khiến cho những chuyến xe “lậu” (chủ yếu là xe ô tô con, xe gia đình 5 và 7 chỗ) chở người đến đi khỏi Hà Nội (đã đề cập trong phóng sự trước) lại có thể ra vào thành phố?

Hồ sơ điều tra - Những cuộc 'ngã giá' của 'cò luồng xanh' thời giãn cách (Hình 5).

Bất chấp lệnh giãn cách, thị trường vận tải hành khách đi/đến vẫn "nhộn nhịp" mùa dịch.

Loại trừ hai đối tượng dễ dàng được cấp giấy phép lưu thông ưu tiên theo lời các “cò”, lỗ hổng còn lại sẽ tập trung vào đối tượng thứ 3 được cấp phép luồng xanh, xe chở người và các phương tiện phục vụ công vụ của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động theo chỉ thị cấp tỉnh, thành phố và các loại phương tiện vận chuyển khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy trình cấp phù hiệu nhận diện xe chở chuyên gia, công nhân hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh không bị dừng hoạt động sẽ lập danh sách số hiệu phương tiện, danh sách người đi xe rồi gửi đăng ký đến khu công nghiệp, khu chế xuất tập hợp báo cáo đến UBND quận, huyện. UBND quận, huyện là đầu mối tiếp nhận, gửi danh sách sang sở Giao thông vận tải (Sở GTVT). Căn cứ vào danh sách này, Sở GTVT các tỉnh, thành phố sẽ cấp phù hiệu để xe qua các chốt. Để qua các chốt chặn, ngoài yêu cầu giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72h, còn phải có danh sách của từng người ngồi trên xe kèm theo giấy tờ tùy thân. Nếu công tác kiểm soát danh sách người trên xe không tốt, rất dễ xảy ra tình trạng để lọt người ra vào Hà Nội. Có lẽ, đây chính là lời giải cho việc nhiều chuyến xe thoải mái đưa “lậu” người ra vào thành phố như vậy

.Hồ sơ điều tra - Những cuộc 'ngã giá' của 'cò luồng xanh' thời giãn cách (Hình 6).

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về quy trình cấp giấy phép luồng xanh ưu tiên, Người đưa tin Pháp luật đã liên hệ với TCĐB VN. Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (thuộc Tổng Cục đường bộ Việt Nam) cho biết, quy trình cấp giấy phép luồng xanh đã được hướng dẫn tại văn bản số 4977 của TCĐB VN. Người dân sau khi đăng ký thành công trên hệ thống, hệ thống sẽ chuyển hồ sơ cho các Sở GTVT duyệt. Sở GTVT căn cứ hồ sơ có phù hợp hay không rồi duyệt cấp. Tổng cục không là đơn vị trực tiếp duyệt cấp, chỉ có trách nhiệm hướng dẫn quy trình và phối hợp trong công tác hậu kiểm. Về chức năng phối hợp hậu kiểm, Tổng cục đang tập trung phối hợp xử lý các xe đã được cấp phép luồng xanh nhưng di chuyển sai so với lộ trình được duyệt. Khi phát hiện vi phạm, Tổng cục sẽ thông báo cho các đơn vị chức năng khác để phối hợp xử lý. Những lái xe này có thể bị xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Người đưa tin Pháp luật tiếp tục liên hệ với sở GTVT Hà Nội để tìm câu trả lời xác đáng nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía đơn vị này.

Hồ sơ điều tra - Những cuộc 'ngã giá' của 'cò luồng xanh' thời giãn cách (Hình 7).

Tổng cục đường bộ Việt Nam

Nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thời gian quan, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt những chỉ đạo cấp thiết và kịp thời. Có thể nói, toàn bộ hệ thống chính quyền đang vận hành ở mức cao nhất, đảm bảo công tác phòng chống dịch, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, chỉ một thoáng lơ là trong khâu kiểm soát và thực hiện những quy định sẽ mang lại nhiều hậu quả khôn lường, nhất là trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.

Trao đổi với PV, một chuyên gia giao thông nêu quan điểm, ngoài việc đối chiếu danh sách người trên xe, cần kết hợp với việc kiểm tra giấy đi đường do địa phương cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát ngay từ khâu lập danh sách phương tiện, người đi xe khi doanh nghiệp gửi lên. Kiên quyết xử phạt thật nặng nếu phát hiện những hành vi gian dối.

Lê Tuấn Người Đưa Tin Pháp Luật