Những doanh nhân đứng đầu tập đoàn nghìn tỷ từng "cầm phấn, gõ đầu trẻ"

Trước khi trở thành người đứng đầu tập đoàn nghìn tỷ, có tầm ảnh hưởng trên thương trường, những doanh nhân dưới đây từng mang tình yêu với bục giảng, với nghề “cầm phấn, gõ đầu trẻ”.

"Đầu tàu" ACB

Ít người biết được, ông Trần Mộng Hùng- nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từng có thời gian là giảng viên trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (từ năm 1978 đến 1980).

nhung doanh nhan dinh dam tung cam phan go dau tre dspl 1

Nhà sáng lập ACB Trần Mộng Hùng.

Những năm 1990, ông Hùng nhìn thấy cơ hội khi mà hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp là ngân hàng nhà nước và thương mại.

Vốn có kiến thức chuyên môn về ngân hàng, ông Trần Mộng Hùng cùng các bạn bè quyết định rời bục giảng, xây dựng ACB thành ngân hàng phục vụ các nhu cầu dân sinh và ngồi ghế Chủ tịch ACB trong suốt 15 năm.

Năm 2008, ông Hùng rút lui khỏi HĐQT và chỉ giữ vị trí cố vấn quản trị. Tuy nhiên, đến năm 2012, sau khi vụ việc "bầu" Kiên bị bắt khiến ACB lao đao, ông quay trở lại vị trí HĐQT từ năm 2012, để cùng ACB “vượt cạn”.

Sau 5 năm, ACB dần trở lại "quỹ đạo" với những tín hiệu tích cực, ông Hùng “nhường lại” phần đường phía trước cho con trai của mình – Chủ tịch Trần Hùng Huy chèo lái ACB.

Đáng chú ý, không chỉ có nhà sáng lập ACB Trần Mộng Hùng mà "đầu tàu" của nhà băng này hầu như đều có thâm niên làm nhà giáo trước khi đến với ngành ngân hàng như ông Trịnh Kim Quang – Phó Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Thanh Toại – nguyên Phó Tổng Giám đốc, ông Huỳnh Nghĩa Hiệp – Trưởng ban kiểm soát…

Được biết, ông Nguyễn Thanh Toại từng là giảng viên tại Đại học Kinh tế TP.HCM những năm 1978 đến 1984 và 1991 đến 1993.

Theo thông tin ACB công bố, ông Toại được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng giám đốc ACB từ năm 1994. Ngoài cương vị là Phó Tổng giám đốc, ông Toại còn đảm nhiệm vai trò là người công bố thông tin của ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Toại đã từ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc ACB kể từ ngày 25/6/2021.

"Thuyền trưởng" FPT Trương Gia Bình

nhung doanh nhan dinh dam tung cam phan go dau tre dspl 2

"Thuyền trưởng" FPT Trương Gia Bình.

Vị thủ lĩnh của FPT Trương Gia Bình là học sinh trường cấp 3 danh gia Chu Văn An, sau đó tốt nghiệp chuyên ngành Toán học và Vật lý học tại Đại học Matxcova rồi tiến sĩ Toán học và Vật lý học tại trường này. Ông được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 1991.

Ông Bình là người có công lớn thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Khoa được thành lập năm 1995, là một địa chỉ đào tạo MBA quen thuộc và có uy tín tại Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đại học quốc gia và ông Trương Gia Bình, HSB đã gặt hái được thành công trong thời gian ngắn. Trong đó phải kể đến việc đào tạo cán bộ quản lý cấp cao cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp như Công ty Xi măng Hải Phòng, Tập đoàn FPT, Viễn thông Hà Nội, Công ty bia Việt Hà, Công ty Minh Phúc Telecom…

Năm 2006, Đại học FPT- trường đại học tư nhân đầu tiên của Việt Nam ra đơ. Ông Bình là Chủ tịch HĐQT và cũng tham gia vào hoạt động giảng dạy của ngôi trường này với các môn như: Nghệ thuật lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp…

Ông Trương Gia Bình được coi như "thuyền trưởng" dẫn dắt đoàn tàu FPT “vươn ra biển lớn công nghệ thông tin thế giới”.

"Cá mập" Đỗ Thị Kim Liên

nhung doanh nhan dinh dam tung cam phan go dau tre dspl 3

Shark Liên tại chương trình Shark Tank Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm trong ngành giáo dục, ban đầu, nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên- nhà sáng lập ứng dụng Bảo hiểm LIAN, cũng theo nghề giáo như định hướng của gia đình.

Tuy nhiên, vì là người mạnh mẽ, thích hợp với thương trường nên vị "cá mập" này quyết định bỏ nghề giáo, dấn thân vào kinh doanh.

"Tôi vốn xuất thân là giáo viên, nghề của gia đình. Tôi có vài năm theo nghề giáo viên văn theo định hướng của gia đình, nhưng ẩn sâu bên trong tôi là người hơi “nổi loạn”, không thể làm những việc giống nhau mỗi ngày. Nghề giáo là nghề cao quý, nhưng không cho tôi cơ hội được sáng tạo nhiều. Tôi lại là người mạnh mẽ nên thích hợp với thương trường hơn. Thế là tôi bỏ nghề giáo và dấn thân vào kinh doanh", bà Liên từng chia sẻ với báo chí.

Cũng vì xuất thân nghề giáo nên trong chương trình Shark Tank Việt Nam, Shark Đỗ Thị Kim Liên cũng nhiều lần nói về xuất thân nhà giáo của mình và bày tỏ sự hứng thú đối với những startup gọi vốn đầu tư cho những dự án đầu tư liên quan đến giáo dục.

Năm 2005, Shark Đỗ Liên lập ra Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA, từng bước đưa AAA phát triển với doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2013, khi đang ở giai đoạn đỉnh cao, bà Liên bất ngờ chuyển nhượng cổ phần cho Tập đoàn Insurance Australian Group (IAG) của Australia.

Đến cuối tháng 10/2018, bà Đỗ Thị Kim Liên quay trở lại thị trường bảo hiểm bằng việc ra mắt ứng dụng bảo hiểm tự động LIAN. Tại đây, bà Liên đóng vai trò là cố vấn đặc biệt của Bảo hiểm Viễn Đông.

Giữa lùm xùm giá nước Sông Đuống "cõng" lãi ngân hàng, Shark Liên rời ghế Tổng giám đốc Nước mặt Sông Đuống nhưng vẫn là Chủ tịch doanh nghiệp này.

"Cha đẻ" Bphone Nguyễn Tử Quảng

nhung doanh nhan dinh dam tung cam phan go dau tre dspl 4

Chủ tịch BKAV Nguyễn Tử Quảng.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Chủ tịch BKAV Nguyễn Tử Quảng học khối phổ thông chuyên toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sau đó trở thành sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 1995, Nguyễn Tử Quảng bắt đầu thực hiện các chương trình chống virus khi đang là sinh viên năm thứ ba Khoa công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội và cung cấp miễn phí (đến năm 2005) cho cộng đồng mạng.

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính, Khoa CNTT, tiếp tục nghiên cứu BKAV và các chương trình khác.

Tháng 12/2001, anh cùng 9 thành viên khác thành lập Trung tâm Phần mềm và Giải pháp an ninh mạng (BKIS) dưới sự bảo trợ của Đại học Bách khoa Hà Nội và trở thành giám đốc của Trung tâm này.

Sau này BKIS cổ phần hóa với tỷ lệ 50-50 giữa đại học Bách khoa và Bkav. Tên thành lập của BKAV là Công ty TNHH An ninh mạng BKAV với 100% sở hữu thuộc về Nguyễn Tử Quảng.

Đến nay, BKAV có 6 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực như Phần mềm, An ninh mạng, Chống mã độc, Nhà thông minh, Smartphone. Với việc tung sản phẩm smartphone Bphone đầu tiên vào năm 2015, cùng với phong cách ra mắt sản phẩm giống Apple, Bkav được ví như “Apple của Việt Nam”.

Khi ra mắt Bphone năm 2015, Bkav cho biết đã chi khoảng 500 tỷ đồng cho nghiên cứu và phát triển smartphone.

Theo Người Đưa Tin