Những mức phạt tiền cần biết khi uống rượu bia dịp Tết đến Xuân về

Rượu bia là thức uống quen thuộc trong mỗi dịp Tết đến xuân về, mặc dù chúng mang đến rất nhiều phiền toái cho sức khỏe và xã hội.
ruou-bia-1613134369.jpg

Rượu là đồ uống quen thuộc nhưng nó là “con dao 2 lưỡi” nếu uống với lượng vừa phải rượu sẽ giúp cơ thể hưng phấn, hệ tiêu hóa hấp thu thức ăn tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế việc sử dụng rượu quá nhiều ở một bộ phận dân cư đang dẫn tới ngộ độc, gây hại cho sức khỏe. Ngày nay các nhà khoa học đã tìm ra nhiều bằng chứng chứng minh rằng nếu uống quá nhiều rượu sẽ tổn hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể con người từ hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ nội tiết, hệ tiêu hoá.

Mức độ hấp thu rượu vào cơ thể tuỳ thuộc vào từng loại rượu, nồng độ rượu, lượng thức ăn trong dạ dày, thể trạng người uống... Tác hại của rượu tuỳ theo nồng độ rượu trong máu mà có những biểu hiện như: mất phối hợp động tác và dễ bị kích thích, nói không rõ, ngất hoặc hôn mê thậm chí dẫn tới tử vong.

Về mặt gia đình và cộng đồng, nếu uống quá nhiều rượu sẽ không làm chủ được hành vi dễ xảy ra bạo hành trong gia đình, làm cho nhiều người bị lo âu trầm cảm theo. Năng suất lao động thấp, thời gian lao động giảm, bị mất việc, thiệt hại về kinh tế. Sau khi uống rượu điều khiển xe dễ gây tai nạn giao thông, gây mất trật tự công cộng…

Mức phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

Với hành vi đặc biệt nguy hiểm như vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe nên Quốc hội đã thông qua luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP được ban hành, trong đó có quy định xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô (được quy định tại Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy (được quy định tại Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Ép buộc người khác uống rượu bia có thể bị phạt đến 3 triệu đồng

Đây là một trong rất nhiều nội dung mới tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, Nghị định 117/2020/NĐ-CP đã quy định rất rõ vi phạm cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đặc biệt, tại điểm b, mục 2 Điều 30 của nghị định quy định phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; Ép buộc người khác uống rượu bia.

Ngoài ra, tại Điều 34 nghị định cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

9 địa điểm uống rượu, bia sẽ bị phạt

Căn cứ các quy định của pháp luật, có 9 địa điểm không được phép uống rượu, bia.

Theo Điều 10 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định 6 địa điểm không được uống rượu, bia, gồm:

- Cơ sở y tế.

- Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc.

- Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.

- Cơ sở bảo trợ xã hội.

- Nơi làm việc của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

Điều 3 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định thêm 3 địa điểm công cộng không được uống rượu, bia, gồm:

- Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày nghị định này có hiệu lực.

- Nhà chờ xe buýt.

- Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.