Những “resort khổng lồ” trên biển và những giải mã hấp lực khủng khiếp của nó

Đi du lịch dài ngày trên biển bằng tàu chở khách cỡ lớn từng bị coi là hoạt động chỉ dành cho "những đôi mới cưới và các cặp sắp xuống lỗ". Nhưng nay lĩnh vực này đang lột xác mạnh mẽ.

Những resort nghỉ dưỡng có khả năng di động

Symphony of the Seas - con tàu chở khách du lịch dài ngày trên biển (cruise ship) đang trên hành trình đầu tiên từ Barcelona đi khắp nơi trên thế giới vào tháng 3.2018 - rất đặc biệt bởi nó là tàu khách lớn nhất hiện nay. Với chiều dài 362 mét, nếu đặt theo chiều thẳng đứng, con tàu cao hơn gần như tất thảy các cao ốc ở Châu Âu. Với tổng tải trọng lên tới 228.081 tấn, Symphony lớn gấp 5 lần tàu Titanic huyền thoại!

Symphony thuộc sở hữu và được điều hành bởi công ty Royal Caribbean có trụ sở ở Miami, Mỹ. Mỗi lần ra khơi, con tàu có thể chở gần 9.000 người, chứa trên nó hơn 90 nhà hàng, quán bar, 23 bể bơi, vô số bể sục jacuzzi, cầu trượt nước, hai nhà hát bằng kích thước sân khấu West End, một sân trượt băng, một khu tạo sóng phục vụ hoạt động lướt sóng, hai bức tường phục vụ những người thích leo núi, một sân golf mini, một spa, một khu gym, một sòng bạc, hàng chục điểm mua sắm và vô số các trò giải trí khác. Nói ngắn gọn thì Symphony giống như một khách sạn hạng sang thuộc loại xa xỉ bậc nhất lịch sử thế giới. Không chỉ thế, nó còn nổi được trên biển và có thể di chuyển.

Symphony chính là biểu tượng cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh tàu chở khách du lịch dài ngày trên biển. Trước đây, mỗi khi chụp hình một chiếc tàu như Symphony, người ta thường hình dung những vị khách của nó chỉ toàn các “cụ hưu” với da nâu cháy vì nắng, đang nằm ườn trên những chiếc ghế tắm nắng hoặc chen nhau trong các căn phòng chật ních, với đồ ăn dở tệ và nguy cơ nhiễm bệnh lây truyền cao. Có thể những nhận định ban đầu này từng đúng ở giai đoạn trước.

Nhưng một thập niên trở lại nay, tàu chở khách du lịch đã thay đổi hoàn toàn, từ một hình thức vận chuyển hành khách bình thường sang chỗ thành các resort nghỉ dưỡng di động. Không chỉ mang tới những thay đổi chóng mặt về phòng nghỉ, chúng còn được trang bị rất nhiều hoạt động giải trí cao cấp, như khu mô phỏng bay lượn trên không trung (sky diving) của tàu Quantum of the Seas; khu đua xe go-kart (tàu Norwegian Joy), khu chơi trò xe đụng (Quantum of the Seas) và các sân trượt băng (tàu Norwegian Breakaway).

Trên những con tàu này có nhiều nhà hàng cung cấp các món ăn do những đầu bếp đạt tiêu chuẩn sao Michelin thiết kế. Kết quả của cuộc cải tổ là ngành công nghiệp tàu chở khách du lịch đang trải qua một thời kỳ vàng, được thúc đẩy bởi thế hệ Y (những người sinh trong khoảng đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) và sự bùng nổ tăng trưởng của hoạt động du lịch tại Trung Quốc. Trong năm 2017 đã có hơn 25 triệu du khách đi du lịch trên các con tàu chở khách du lịch hạng sang.

“Khi nghĩ về tàu chở khách du lịch, phần lớn người ta đều có tư tưởng rằng, ôi trời, tôi sẽ phải ở chen chúc với 5.000 người, những kẻ tôi không muốn bắt chuyện cùng và sau đó sẽ cảm thấy vô cùng chán ngán khi ở bên họ”, Tom Wright, sáng lập viên công ty WKK Architects chuyên thiết kế tàu chở khách du lịch, cho tạp chí Wired biết. “Thực thế thì trải nghiệm sẽ giống như ở trong một khách sạn cao cấp”.

Với nhiều du khách, chuyến đi đầu tiên của họ trên tàu chở khách cao cấp không phải là chuyến cuối. Bằng chứng là từ Southampton tới Venice hay Barbados, các bến cảng đều đầy chặt các con tàu thân trắng phau, chở theo không ít những vị khách thường xuyên. Chỉ số hài lòng ngành công nghiệp tàu chở khách du lịch nhận được luôn vượt mức 94%. Và theo lời Richard Fain, không một lĩnh vực nào khác nhận được chỉ số hài lòng cao như thế. Kể cả các công ty sản xuất kẹo sôcôla được rất nhiều người sùng bái!

Fain là Chủ tịch công ty Royal Caribbean (RCL) - chủ sở hữu của tàu Symphony và các tàu thuộc lớp Oasis - một vị trí ông đã nắm giữ kể từ năm 1988. Ở tuổi 69, Fain là một người đàn ông vạm vỡ, cằm bạnh rất nam tính. Nhưng Fain không chỉ là một gã bô trai, ông còn chịu trách nhiệm thực hiện cuộc chuyển đổi các tàu chở khách du lịch từ phương tiện giao thông tầm thường thành các mô hình giải trí khiến vạn người mê.

Chính Fain là người đã nhận ra rằng vấn đề hình ảnh của ngành công nghiệp tàu chở khách cũng mở ra cơ hội kinh doanh mới. Ông thấy rằng chỉ cần thuyết phục thiên hạ rằng các tàu chở khách du lịch không phải thứ gì đó cũ mèm, buồn tẻ và, như một câu đùa vẫn tồn tại lâu nay rằng “luôn đầy những đôi mới cưới và các cặp sắp xuống lỗ”, Royal Caribbean có thể giữ chân khách cả đời.

Mỗi con tàu lớp Oasis như Symphony giống như một resort nghỉ dưỡng cao cấp có khả năng di động.
 
Cuộc chạy đua vũ trang trong ngành tàu khách
 
Trong nỗ lực thu hút đối tượng khách hàng mới, Fain cần một dạng tàu mới. Để chế ra chúng, ông thuê Harri Kulovaara, một kiến trúc sư tàu biển người Phần Lan đã nổi tiếng vì thiết kế những chiếc phà chở khách ấn tượng.

Lớn lên tại thành phố biển Turku, Kulovaara rất thích ngắm những chiếc phà chạy ra khỏi bến cảng để tới Thụy Điển vào mỗi buổi sáng. Sau khi tốt nghiệp đại học vào cuối những năm 1980, ông đã thiết kế hai chiếc phà rất đẹp, gồm phà Silja Serenade danh tiếng, cho công ty Silja Line của Phần Lan. Chúng có chiều dài 150 mét, với hai sàn chở khách. Điều đặc biệt là ở giữa phà có một cửa sổ lớn mang rất nhiều ánh sáng tự nhiên vào trung tâm con phà - nơi trước đó thường rất tối tăm, gây cảm giác tâm lý không tốt cho khách.

Fain, người cũng có con mắt thiết kế tốt - một trong những thầy giáo của ông chính là Jay Pritzker, đồng sáng lập chuỗi khách sạn Hyatt kiêm sáng lập viên giải kiến trúc danh giá Pritzker - đã nhận ra tài năng của Kulovaara. “Khi Richard nhìn thấy con phà Silja Serenade, ông tuyên bố ngay rằng muốn có một chiếc tàu tương tự”, Kulovaara giải thích. Vì thế vào năm 1995, Fain thuê ông để điều hành phòng thiết kế và đóng tàu của công ty cùng Njål Eide, một người Na Uy đã trở thành huyền thoại trong ngành đóng tàu.

Eide chính là người đầu tiên thiết kế khu sảnh lớn nằm trong mái kính đặt trên tàu khách - một thiết kế mang tính đột phá giờ đã trở thành yêu cầu bắt buộc trên các tàu khách hạng sang cỡ lớn. Khi ấy Royal Caribbean đang có kế hoạch tạo ra một bản sao y hệt của con tàu đầu bảng họ đang vận hành, mang tên Sovereign of the Seas. Tuy nhiên Fain đã hủy kế hoạch, nói rằng họ cần thứ gì đó tốt hơn thế.

“Thứ tốt hơn” chính là con tàu Voyager of the Seas, đã ra khơi vào năm 1999. Với chi phí sản xuất lên tới 650 triệu USD, Voyager of the Seas lớn hơn 75% so với con tàu khách lớn nhất thế giới đang nắm kỷ lục khi ấy. Nó thậm chí còn vượt quá chỉ số Panamax - chỉ số đo độ rộng để đảm bảo một con tàu có thể đi qua kênh đào Panama.

Đây là con tàu khách đầu tiên có khu vực đi dạo nằm ở giữa, chạy dọc theo thân tàu, giống với thiết kế mà Kulovaara đã thực hiện trên con phà Silja Line. Trên tàu Voyager, Royal Caribbean đã lần đầu tiên lắp đặt một sân trượt băng và các tường leo núi. Fain ban đầu nghĩ rằng tường leo núi là ý tưởng tồi, nhưng giờ nó cũng trở thành tiêu chuẩn trong ngành.

Thời điểm Voyager hạ thủy chính là lúc cuộc chạy đua vũ trang trong ngành tàu khách bắt đầu diễn ra. “Con tàu đã gây ra chấn động lớn”, Trevor Young, Phó Chủ tịch công ty MSC Cruises, đối thủ cạnh tranh mạnh nhất với Royal, thừa nhận. “Đến lúc này, các công ty mới bắt đầu coi tàu khách là những resort nghỉ dưỡng di động, thay vì một con tàu đơn giản”.

Cần biết điều này, kể từ khi tàu RMS Queen Elizabeth được hạ thủy vào năm 1940, kỷ lục tàu khách có kích cỡ lớn nhất thế giới mới chỉ đổi chủ 2 lần. Nhưng từ thời điểm Kulovaara gia nhập Royal Caribbean, kỷ lục đã bị phá 11 lần. Kulovaara là người thiết kế 10 trong số 11 con tàu phá kỷ lục. “Chúng tôi không bắt đầu hành trình với ý tưởng sẽ chế tạo những con tàu lớn nhất thế giới”, Kulovaara chia sẻ. “Mục tiêu là chế ra những con tàu tốt nhất. Nhưng chúng tôi có quá nhiều ý tưởng muốn lắp lên nó, nên đã cần thêm không gian, mỗi lúc thêm một chút.”

Các kiến trúc sư tàu khách luôn phải đối mặt với những trở ngại mà đồng nghiệp của họ ở trên đất liền không bao giờ gặp phải. Các con tàu được chế ra phải đủ khả năng chống chọi với những cơn bão dữ dằn của khu vực Bắc Đại Tây Dương, băng tuyết lạnh cóng ở biển Baltic và cái nóng nung người ở khu vực Caribbean. Thân tàu sẽ phải chịu sóng mạnh đánh tới từ mọi hướng và chúng sẽ không chỉ khiến tàu tròng trành mà còn gây ra những rung động lên cấu trúc thép của tàu cũng như các động cơ và chân vịt.

Một con tàu ở trên biển phải trở thành một hòn đảo di động. Nó phải có khả năng tự sinh ra điện, nước và xử lý chất thải. Không có dịch vụ chữa cháy hoặc cứu thương trên tàu, vì thế mọi thành viên trong thủy thủ đoàn đều được huấn luyện cứu hỏa. Trung tâm y tế trên tàu phải xử lý được đủ loại tình uống khẩn cấp, bao gồm cả việc hành khách thiệt mạng. Thực tế mỗi con tàu khách cỡ lớn như Voyager of the Seas đều có một nhà xác nhỏ.

Phần thiết yếu phải xem xét đầu tiên khi thiết kế một con tàu khách là dòng chảy của các hành khách. Trên con tàu sẽ có mức độ tập trung dân số khá đông. Làm sao để anh phân tán bớt người ra, nhưng vẫn đảm bảo họ có thể tìm được đường về?”, Kulovaara hỏi. “Thấu hiểu cách hành xử của từng người, phán đoán trước cách hành xử của họ, là yếu tố quan trọng chủ chốt”.

Với gần 9.000 người hiện diện thường trực, gồm thủy thủ đoàn, việc phân phối các điểm giải trí sao cho con tàu luôn có thể cân bằng cũng là yếu tố quan trọng chủ chốt. Vì thế hai nhà hát chính của Symphony of the Seas nằm ở hai đầu khác nhau của con tàu. Sòng bạc nằm ở trung tâm, nhưng dưới khu đi bộ ở giữa thân tàu.

Yếu tố quan trọng thứ hai là dòng chảy của thủy thủ đoàn lên tới 2.200 người. Họ sẽ cần tiếp cận tới các khu bếp và nhà kho nằm trong bụng con tàu một cách dễ dàng. Ngoài ra còn phải cân nhắc tới các yếu tố an toàn. Ngày hôm nay các tàu siêu lớn trên thế giới đều được chia thành 6 khu vực khác nhau hoặc hơn thế, có thể ngăn cách với nhau khi cần thiết. Ngay cả độ rộng hành lang cũng phải được tính toán cẩn thận để đáp ứng được độ lớn của dòng người đi qua trong tình huống khẩn cấp.

Sau khi các không gian chính đã được tính toán xong, các nhà thiết kế lại phải đau đầu tính phần lắp đặt ống dẫn nước, thoát nước, dẫn khí và thoát khí, bên cạnh hệ thống điện. “Một phần lớn trong hoạt động đóng tàu, có lẽ phải lên tới 85%, nằm ở những gì bạn không thấy được”, Kulovaara nói.

Hoạt động đóng tàu chở khách cỡ lớn hiện diễn ra theo hình thức cuốn chiếu. Trong khi sống tàu bắt đầu được đóng thì thượng tầng cũng được thiết kế. “Chúng tôi tiến hành thiết kế kiến trúc”, Kulovaara nói, “Các kiến trúc sư hàng hải sẽ chịu trách nhiệm tính toán về thủy động lực, hình dáng vỏ... Sau khi thống nhất thiết kế, chúng tôi chuyển kết quả cho xưởng đóng tàu và họ tiến hành các tinh chỉnh kỹ thuật cuối cùng”.

Do con tàu quá lớn, công việc thiết kế chi tiết được giao cho nhiều công ty thiết kế khác nhau. Các nhà thiết kế nhà hàng làm việc với những mẫu nhà hàng, nhà thiết kế caravan làm phòng ở cho khách. “Chúng tôi có chừng 100 kiến trúc sư làm việc chặt chẽ và liên tục với mình trong một thời gian dài”, Kulovaara nói.

Tuy nhiên trong giai đoạn đầu của tiến trình thiết kế, Royal lại mở thầu tự do để các nhà thiết kế tài năng nhất có thể nhập cuộc cùng những mẫu thiết kế ấn tượng của họ. “Lý do của việc mở thầu thay vì sử dụng các kiến trúc sư của chúng tôi là vì nếu sử dụng nguồn lực sẵn có, ta sẽ không thể thấy được các yếu tố mang tính thay đổi”, Kulovaara cho biết.

Hoạt động lướt sóng giải trí trên máy tạo sóng nhân tạo của tàu Symphony.
 
Những viên kim cương của Royal Caribbean
 
Tháng 1.2018, phóng viên Wired đã có cơ hội ghé thăm tàu Symphony khi nó đang được đóng ở Saint-Nazaire, Pháp. Đó là một ngày ảm đạm, nhưng từ cách xa vài cây số người ta đã có thể nhìn thấy con tàu. Xưởng đóng tàu STX France là một trong vài nơi có đủ khả năng để đóng một con tàu to cỡ Symphony. Hoạt động đóng khi đó đang diễn ra vượt tiến độ. Hơn 1.000 công nhân đang làm việc miệt mài để hoàn tất nội thất cho con tàu.

Symphony là tàu thứ tư thuộc lớp Oasis do Royal Caribbean thiết kế - một niềm tự hào mà giới lãnh đạo công ty không che giấu. Con tàu đầu tiên, Oasis of the Seas, khi hạ thủy vào năm 2009 đã gây chấn động trong ngành: Nó lớn hơn 50% so với con tàu lớn nhất trước đó. Con tàu có tổng trọng lượng 225.000 tấn, với rất nhiều trang bị xa xỉ và hoạt động giải trí thời thượng.

Đỉnh cao vinh quang của Symphony là siêu cấu trúc của nó được chia làm hai phần cao 18 tầng, chạy dọc theo chiều dài của tàu. Phần trũng ở giữa chỉ cao 11 tầng, qua đó khiến thân tàu có hình móng ngựa. Đứng ở vùng trũng này có cảm giác như đang đứng ở khu Manhattan của New York, với các tòa cao ốc thu nhỏ nằm ở hai bên. “Chia đôi một con tàu khách ở khu vực giữa tàu như thế này đã là một bước nhảy vọt về cách tân”, Tom Wright, người giúp phát triển các không gian ngoại thất của tàu thuộc lớp Oasis, cho biết. “Thậm chí đây có thể là bước sáng tạo lớn nhất trong ngành đóng tàu khách”.

Ở phía dưới các lớp sàn tàu, Symphony of the Seas giống như một nhà kho khổng lồ của Amazon. Phần bụng của con tàu được chia đôi bởi một hành lang lớn có 2 làn đường, mang biệt danh I-95 - đặt theo một xa lộ nổi tiếng ở Mỹ. Trong các khu bếp chính của con tàu là những máy xử lý thực phẩm to bằng cả bồn tắm, bên cạnh các máy rửa chén đĩa to bằng những chiếc máy rửa xe hơi. Thực phẩm được trữ trong các phòng lạnh to bằng cả tòa nhà. Ngay cả ở đây, dòng chảy vẫn luôn đóng vai trò quan trọng cốt tử. Thiết kế của căn phòng được tối ưu hóa thông qua việc quan sát hoạt động của các đầu bếp và nhân viên phục vụ, để đảm bảo có thể tăng tối đa công suất vào giờ cao điểm. Bởi thực khách không thích đồ ăn lạnh nên mọi nhà hàng của Symphony đều được thiết kế để chỉ có khoảng cách cực hợp lý từ khu bếp tới bàn ăn của khách.

Được biết hơn một nửa không gian trong Symphony là dành cho các căn phòng ở của khách. Các căn phòng đều được sản xuất trước từ bên ngoài và sau đó mang vào lắp ghép trong tàu. Chúng đều được sản xuất đảm bảo các tiêu chí cách âm tốt nhất, nhằm giúp người bên trong không bị các vị khách ở cạnh làm phiền. Phòng cũng phải chống được các rung động do động cơ tàu hoặc từ hoạt động của các hộp đêm trên tàu truyền tới. Các phòng vệ sinh trong từng căn phòng này phải đáp ứng một tiêu chuẩn đặc biệt, bồn cầu phải luôn có thể xả nước và hoạt động bình thường ngay cả khi tàu đang nghiêng tới 10 độ, và như thế sẽ không làm tràn nước ra căn phòng.

Thách thức lớn nhất nằm ở việc thiết kế các căn phòng nằm sâu trong lòng tàu. Theo truyền thống, các căn phòng ở trong lòng tàu sẽ không có ánh sáng tự nhiên, nên khách có thể mất cảm giác về thời gian rất nhanh chóng. Trên tàu Quantum of the Seas, Royal Caribbean đã triển khai ban công ảo, thực tế là một tập hợp các màn hình lắp từ dưới sàn lên tận trần nhà phát lại khung cảnh bên ngoài do camera lắp bên thành tàu thu được.

Công ty thường sử dụng kỹ thuật thiết kế để thay đổi môi trường trong các căn phòng. Việc sử dụng ánh sáng trên trần và các tấm gương tạo cảm giác trần cao hơn. Các tấm thảm trải thàm sử dụng mảng miếng màu sắc hợp lý có thể kéo dài hoặc thu ngắn một không gian. Hành lang dẫn tới các căn phòng, thường nổi tiếng dài, được trang trí hoa văn đẹp đẽ để giảm bớt tác động tiêu cực tới tâm lý.

Kulovaara hiện đang bắt tay vào xây dựng lớp tàu kế tiếp của công ty Royal Carribean, với tên mã Icon. Dự kiến con tàu đầu tiên của lớp này sẽ ra mắt vào năm 2020. Đáng chú ý là tàu lớp Icon chỉ có tổng tải trọng 200.000 tấn, tức bé hơn khá nhiều so với Oasis. Thay vì đóng những con tàu ngày càng to, công ty tập trung vào việc cho ra các sản phẩm có khả năng tiêu thụ nhiên liệu hợp lý hơn. Đây là một xu hướng đang lên trong một ngành công nghiệp bị chỉ trích từ lâu do gây ra các tác động lớn tới môi trường.

Thế hệ tàu mới sẽ được trang bị các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo, khách lên tàu nhờ hệ thống nhận dạng gương mặt, hệ thống điện dùng pin nhiên liệu hydro. Các tàu Icon cũng sẽ là phương tiện đầu tiên của Royal Caribbean chạy bằng khí hóa lỏng, thay vì dùng nhiên liệu truyền thống.

Thiết kế của Icon hiện vẫn nằm trong vòng bí mật. “Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu xem cơ sở hạ tầng của tàu chở khách đã thay đổi ra sao trong vòng 40 năm qua”, Kulovaara nói, “Chúng tôi tin rằng giờ đang có cơ hội để tạo ra những thay đổi mạnh mẽ. Hiện bộ khung cho tàu Icon đang hình thành, nhưng thiết kế vẫn thiếu đi chút cảm hứng nên chúng tôi vẫn phải làm việc tiếp”.

Dù sao Kulavaara cũng không có gì phải vội vã. Hiện ông đang có một đơn đặt hàng gồm 13 con tàu chở khách phải làm cho Royal Caribbean, chưa tính đội tàu Icon. Năm 2014, Royal Caribbean trở thành công ty kinh doanh tàu chở khách lớn nhất thế giới, tính theo tổng lượng khách nó có thể vận chuyển. Các đối thủ khác hiện đang cạnh tranh rất gay gắt, với MSC Cruises thông báo kế hoạch đóng các tàu lớp World tải trọng 200.000 tấn còn Carnival đóng một loạt tàu trọng tải 180.000 tấn. Các tàu này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.

Nhưng dường như kỷ lục của Symphony là con tàu khách lớn nhất từ trước tới nay có vẻ sẽ đứng vững trong một thời gian dài. “Các con tàu của chúng tôi giờ đã đủ lớn và mang tới cho chúng tôi một nền tảng để có thể làm những điều kỳ diệu trên đó”, Fain nói. “Vì thế có thể chốt lại rằng tôi không thấy có nhu cầu phải đóng thứ gì đó lớn hơn nữa. Nhưng đừng bao giờ nói không bao giờ với tất cả mọi chuyện”. 

Theo Hương Giang/ Lao động