1. Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam
Qua 20 năm thực hiện, Chỉ thị 56-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam đã đi vào cuộc sống, làm cơ sở định hướng cho tổ chức, hoạt động và có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của Hội. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc thực hiện Chỉ thị. Các ban đảng Trung ương, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cấp Hội đã tích cực phối hợp, triển khai tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.
Nhằm phân tích, đánh giá kỹ kết quả thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ Chỉ thị 56-CT/TW đã đề ra để điều chỉnh; bổ sung những vấn đề mới từ thực tiễn thời gian qua và từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới; ngày 11/5/2021 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 09-QĐ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Kế hoạch, Đề cương hướng dẫn tổng kết thực hiện Chỉ thị; tổng hợp kết quả tổng kết của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp hội Luật gia trực thuộc Trung ương; tổ chức lấy ý kiến góp ý của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy liên quan, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương vào dự thảo hồ sơ tổng kết Chỉ thị; nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội vào dự thảo hồ sơ tổng kết Chỉ thị.
Ngày 02/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW, đồng thời giao Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam tiếp thu ý kiến của Ban Bí thư, các cơ quan liên quan, hoàn thiện Báo cáo tổng kết Chỉ thị 56-CT/TW để báo cáo Bộ Chính trị. Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của Ban Bí thư, ý kiến các cơ quan liên quan và hoàn thiện Báo cáo tổng kết Chỉ thị 56-CT/TW để trình Bộ Chính trị trong năm 2022.
2. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Hội đã triển khai đến các cấp Hội và hội viên nhiều chủ trương trong công tác phòng, chống dịch, trong đó tập trung: tuyên truyền, phổ biến các văn bản về phòng, chống dịch bệnh giúp cán bộ, hội viên nhận thức đúng, đầy đủ về đại dịch Covid-19; phát động phong trào ủng hộ nhân dân ở những vùng đang gặp khó khăn do dịch bệnh cũng như kêu gọi cán bộ, hội viên tham gia ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 của Chính phủ; đề ra các giải pháp, cách thức để vừa bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.
Lãnh đạo Hội đã chỉ đạo các Tạp chí trực thuộc Hội tích cực tuyên truyền về công tác này, trong đó nêu bật những chủ trương, chính sách của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19. Bên cạnh đó các Tạp chí còn có nhiều bài viết phân tích, phản ánh, kiến nghị các chính sách, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân tại những tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời phản ánh, kiến nghị xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật và các quy định về phòng, chống dịch. Các phóng viên đi tác nghiệp, viết bài tuyên truyền đều tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.
3. Trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển, đảo quê hương”
Trong những ngày từ 10 đến 15/12/2021, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức tuần lễ trưng bày ảnh với chủ đề “Luật gia Việt Nam với biển, đảo quê hương”. Hoạt động này có ý nghĩa lan tỏa rất lớn đến với giới Luật gia toàn quốc và đông đảo người dân. Qua những hình ảnh trưng bày, người xem có dịp hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống, lao động của quân dân ta trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, về sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với biển, đảo quê hương; về những tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đó kêu gọi giới luật gia và nhân dân cả nước lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam đối với chủ quyền trên Biển Đông cũng như biên giới của Việt Nam; huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Đây là sự kiện trong chuỗi các sự kiện trưng bày ảnh thường niên do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, góp phần vào công cuộc đấu tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, nhất là chủ quyền trên các vùng biển đảo Việt Nam - phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc.
4. Hoạt động đối ngoại và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo 2021
Ngày 18 - 19/11/2021 tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Học viện ngoại giao và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia đông đảo của hơn 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, 90 đại diện từ ngoại giao đoàn, trong đó có 16 đại sứ và gần 500 đại biểu.
Hội thảo năm nay có sự tham gia của nhiều chính khách từ Vương quốc Anh, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Liên minh Châu Âu (EU) và đã có những phát biểu dẫn đề quan trọng ở các phiên của Hội thảo. Hội thảo dành riêng ba phiên thảo luận cho các lãnh đạo trẻ từ các nước trên thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam để tạo diễn đàn, chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực từ thế hệ trẻ. Năm nay cũng là lần đầu tiên Hội thảo tổ chức các phiên bình luận theo dòng sự kiện với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về Biển Đông và quan hệ quốc tế của Việt Nam. Qua hai ngày làm việc với tinh thần thẳng thắn, khoa học, cởi mở và thực chất, các phiên thảo luận đã tập trung vào nhiều vấn đề để rút ra những bài học trong quá khứ từ đó đưa ra những đề xuất hướng tới tương lai tươi sáng hơn tại Biển Đông.
5. Tổng kết thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 – 2021”
Ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số: 705/QĐ-TTg về Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021. Theo đó, Hội Luật gia Việt Nam được giao tiếp tục chủ trì thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” đến năm 2021 (sau đây gọi là Đề án). Sau 05 năm triển khai thực hiện, Đề án cơ bản đã được Hội Luật gia Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan, các cấp ủy, chính quyền và các cấp Hội Luật gia ở địa phương tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc và theo đúng kế hoạch đề ra. Qua thực hiện Đề án cho thấy, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý là hoàn toàn đúng đắn, mang tầm chiến lược và phù hợp với thực tiễn, ngày càng đi vào cuộc sống với kết quả rõ nét. Vị trí, vai trò của Hội Luật gia các cấp trong quá trình xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ngày càng được tăng cường và khẳng định rõ hơn trong đời sống xã hội. Hội đã triển khai có hiệu quả nhiệm vụ mà Đề án giao, đồng thời có đủ năng lực và điều kiện để triển khai mạnh mẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trước mắt cũng như lâu dài.
6. Tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Hưởng ứng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền và triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức Hội nghị tuyên truyền về bầu cử; cử luật gia làm báo cáo viên tại các hội nghị tuyên truyền về bầu cử; tuyên truyền đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước góp phần nâng cao cảnh giác cho hội viên, cán bộ, công chức và người dân. In, phát hành tờ rơi, tờ gấp pháp luật về bầu cử (bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) phục vụ tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với công tác tuyên truyền, các cấp hội còn tích cực tham gia các hội nghị hiệp thương của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ngoài ra, nhiều luật gia đã tham gia các đoàn giám sát của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp giám sát thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tích cực tham gia công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác bầu cử tại địa phương. Các hoạt động trên của Hội Luật gia Việt Nam đều được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Trong Cuộc bầu cử này, Hội Luật gia Việt Nam đã có 04 đại diện của Hội trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và tổng số hội viên Hội Luật gia Việt Nam trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là 5160 người, trong đó có 40 hội viên trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
7. Lần đầu tiên Hội Luật gia Việt Nam thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo Hội
Thực hiện Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, ngày 05/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI); Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 24/02/2017 của Ban Tổ chức Trung ương về sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, năm 2021, lần đầu tiên Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo cho nhiệm kỳ tiếp theo của Hội Luật gia Việt Nam.
Quy hoạch cán bộ lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam gồm các chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, các Phó Chủ tịch chuyên trách Hội nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của Hội Luật gia Việt Nam.
Quy hoạch cán bộ là kế hoạch tổng thể, dài hạn về đội ngũ cán bộ có triển vọng đảm nhiệm các chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, các Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Luật gia Việt Nam và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng số cán bộ đó theo quy hoạch.
8. Hội Luật gia Việt Nam góp phần bảo đảm các quyền của người dân đối với hoạt động tư pháp
Công tác bảo đảm quyền của người dân đối với hoạt động tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp nói riêng và trong xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính vì vậy, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam đã ý thức rằng đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước, đó là bảo đảm “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có bề dày lịch sử, có hệ thống các cấp hội từ Trung ương đến địa phương, trong những năm qua, Hội đã triển khai có hiệu quả các hoạt động nhằm phát huy và bảo đảm quyền và lợi ích của người dân trong lĩnh vực này thông qua các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Hội, trong đó có công tác tham gia cải cách tư pháp.
Theo Thông báo số 285-TB/BNCTW ngày 08/10/2020 của Ban Nội chính Trung ương thông báo kết quả phiên họp thứ 10 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam được giao nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”. Để thực hiện nhiệm vụ này báo cáo Ban Bí thư theo chương trình đã đăng ký, Hội Luật gia Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo, đồng thời gửi xin ý kiến Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cũng như các Bộ, ngành liên quan trước khi báo cáo thường trực Ban Bí thư vào tháng 4/2021 và trình Ban Bí thư cho ý kiến tại phiên họp ngày 03/8/2021. Ngày 5/8/2021, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành Công văn số 1470-CV/TW thông báo ý kiến của Ban Bí thư về Đề án nói trên. Theo đó, Ban Bí thư đã chỉ đạo Hội Luật gia Việt Nam khẩn trương phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan sớm hoàn thiện Đề án, đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức điều tra khảo sát thí điểm trong năm 2022 (sau khi được Ban Bí thư đồng ý) và báo cáo kết quả gửi Ban Bí thư xem xét, quyết định triển khai khảo sát toàn quốc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 07/9/2021 của Ban chỉ đạo xây dựng Chuyên đề “Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2030 định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Hội Luật gia Việt Nam được giao nhiệm vụ chuẩn bị Chuyên đề “Bảo đảm thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với hoạt động tư pháp”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Thường trực lãnh đạo Hội đã chỉ đạo các Ban chuyên môn tổ chức nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện báo cáo chuyên đề cùng các tài liệu có liên quan gửi Ban Nội chính Trung ương để tổng hợp theo quy định.
Với việc thường xuyên được giao các nhiệm vụ nghiên cứu trong lĩnh vực tư pháp cho thấy sự tín nhiệm và đánh giá cao từ phía Đảng và Nhà nước đối với năng lực của Hội Luật gia Việt Nam nói chung và đội ngũ cán bộ, Hội nói riêng trong việc nghiên cứu khoa học pháp lý và việc thực hiện chủ trương cải cách tư pháp trong những năm gần đây. Việc triển khai tốt và có hiệu quả những Đề án, chuyên đề được giao sẽ là một trong những đòn bẩy quan trọng để Hội Luật gia Việt Nam kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước và các Ban, Bộ, ngành tiếp tục tin tưởng, giao các Đề tài, Đề án, nhiệm vụ trong thời gian tới.
9. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội.
Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP, ngày 15/4/2015 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin của Hội Luật gia Việt Nam đã được nâng cao đáng kể. Đó là: nâng cấp Trang thông tin điện tử tổng hợp của Hội, lượng tin, bài liên tục tăng, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tuyên truyền. Bên cạnh đó, cơ quan Trung ương Hội đã nâng cấp hệ thống máy tính, trang bị máy Scan đa chức năng, trang bị thêm máy photo nhiều tiện ích... Do vậy, công tác văn thư, lưu trữ được triển khai nhanh chóng, kịp thời và tiết kiệm chi phí vật tư văn phòng.
Trong năm qua, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội ngày càng phát triển mạnh mẽ bằng việc mua bản quyền phần mềm Zoom và các thiết bị máy camera, màn hình… phục vụ các hội nghị, hội thảo trực tuyến của Hội và hỗ trợ đường truyền cho nhiều cấp hội cùng triển khai, thực hiện. Cụ thể là: Trong năm vừa qua Văn phòng Trung ương Hội đã phục vụ 03 Hội nghị liên tịch Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ tư, Hội nghị Tổng kết công tác Hội năm 2021, triển khai công tác năm 2022 và nhiều hội nghị, hội thảo về nâng cao kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường trong cả nước bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; Bên cạnh đó, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế do ALA, IADL tổ chức; Các hội thảo về tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ bằng hình thức trực tuyến.
Ngoài ra Văn phòng Trung ương Hội còn phục vụ đường truyền trực tuyến cho Hội nghị Tổng kết công tác của các Cụm thi đua số; Hội nghị nâng cao kiến thức pháp luật của một số tỉnh, thành Hội.