Thanh thiếu niên thuộc nhóm dễ mắc bệnh do não mô cầu. Ảnh: Shutterstock
Những thói quen tưởng chừng vô hại
Vi khuẩn não mô cầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp khi người khỏe mạnh hít phải dịch tiết từ vùng mũi, họng của người bệnh hoặc người lành mang trùng. Thanh thiếu niên thường học tập và sinh hoạt ở những nơi tập trung đông người như trường học, câu lạc bộ, ký túc xá hoặc doanh trại. Đồng thời, các lễ hội và sự kiện đông người cũng thu hút lượng lớn thanh thiếu niên tham gia, từ đó gia tăng sự tiếp xúc và lây lan mầm bệnh.
Các thống kê cho thấy tỷ lệ tiếp xúc cao ở những người cùng độ tuổi, gia tăng số lần đi bar, club, tiệc tùng, có các hành động tiếp xúc thân mật như ôm, hôn nhau tăng tỷ lệ mang mầm bệnh não mô cầu.
Thanh thiếu niên đến quán bar, pub gia tăng nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu. Ảnh: Shutterstock
Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt không lành mạnh của thanh thiếu niên như hút thuốc lá, uống rượu bia, thức khuya cũng làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập. Nhóm thanh thiếu niên cũng thường xuyên du lịch, di chuyển đến địa phương khác, dễ tiếp xúc với các chủng não mô cầu.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh cho rằng con cái đã tiêm đầy đủ vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc chỉ nhóm trẻ nhỏ mới có nguy cơ mắc bệnh. Từ đó, độ bao phủ của vắc-xin não mô cầu ở thanh thiếu niên không cao.
Thói quen hút thuốc lá khiến thanh thiếu niên dễ mắc não mô cầu. Ảnh: Shutterstock
Nỗi ám ảnh với “bệnh tử 24 giờ” ở thanh thiếu niên
Tại Việt Nam, thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi chiếm đến 60% tổng số ca bệnh não mô cầu được báo cáo.
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị tích cực cho hai bệnh nhân 17 và 21 tuổi mắc não mô cầu nặng, gặp các biến chứng viêm cơ tim và nhồi máu não. Trước đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) điều trị một quân nhân 24 tuổi tử vong do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp.
Vi khuẩn não mô cầu gây ra nhiều biến chứng nặng nề như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm khớp, viêm tai giữa và viêm màng ngoài tim. Theo thống kê, cứ hai người mắc bệnh do não mô cầu mà không được điều trị kịp thời sẽ có một người tử vong. Dù được điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong của bệnh vẫn khá cao, từ 5-15%.
Vi khuẩn não mô cầu có khả năng lây lan rất nhanh qua tiếp xúc gần. Ảnh: Shutterstock
Trong số những người sống sót sau khi mắc bệnh, cứ 5 người sống sót sau bệnh, có 1 người phải chịu đựng các di chứng nghiêm trọng, bao gồm cắt cụt chi, điếc, mù lòa, rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ và những vấn đề về thể chất khác.
Một nghiên cứu tại Anh về 101 trường hợp thanh thiếu niên từ 16-22 tuổi cho thấy 58% người bệnh phải đối mặt với các vấn đề như sẹo da, chóng mặt, hạn chế khả năng vận động, rối loạn ngôn ngữ, mất thính lực, thậm chí phải cắt cụt chi, và gặp phải các vấn đề thần kinh như co giật. Những di chứng này có thể làm thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi, ảnh hưởng đến tương lai và khả năng hòa nhập xã hội.
Thanh thiếu niên có thể gặp những biến chứng nặng nề khi nhiễm khuẩn não mô cầu. Ảnh: Vecteezy
Thanh thiếu niên cần phòng bệnh do não mô cầu
Việc chủ động phòng ngừa bệnh cho thanh thiếu niên, trẻ nhỏ và các thành viên trong gia đình là cách tốt nhất để đẩy lùi bệnh do não mô cầu. Hiện Việt Nam đã có các loại vắc-xin phòng ngừa các nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu phổ biến gồm: vắc-xin phòng nhóm A, C, Y, W-135 của Mỹ, nhóm B của Ý và nhóm B, C của Cuba. Các vắc-xin tiêm cho trẻ em và người lớn từ 2 tháng tuổi đến 55 tuổi. Mỗi người cần tiêm đầy đủ vắc-xin phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu A, B, C, Y, W-135.
Một nghiên cứu tại Mỹ về tỷ lệ tử vong do não mô cầu theo các nhóm huyết thanh trong giai đoạn 2017-2021 cho thấy nhóm W có tỷ lệ tử vong cao nhất (21,5%), tiếp theo là nhóm C (14,6%), nhóm Y (9,8%) và nhóm B (9,6%). Tuy nhiên, từ khi vắc-xin cộng hợp tứ giá A, C, Y, W-135 được đưa vào sử dụng, tỷ lệ mắc bệnh ở thanh thiếu niên đã giảm đến 90% đối với các nhóm huyết thanh C, Y, W.
Một thiếu niên tiêm phòng vắc-xin não mô cầu. Ảnh: Mộc Miên
Ngoài ra, thanh thiếu niên còn cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng dung dịch sát khuẩn, đồng thời duy trì vệ sinh nơi ở và làm việc thông thoáng. Khi có triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.