Hiện nay cuộc sống hiện đại có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến não bộ của trẻ, làm thay đổi sự chú ý, thời gian và thói quen sinh hoạt.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của bé. Nếu trẻ có một trong những thói quen ngủ không tốt dưới đây, bố mẹ nên giúp con sửa đổi ngay từ bây giờ.
Những thói quen ngủ xấu ảnh hưởng đến quá trình phát triển tự nhiên của trẻ
Trẻ ngậm ti mẹ trong khi ngủ
Một số bé thích ngậm ti trong khi ngủ có thể khiến bé vô tình hút luôn cả sữa mẹ mỗi khi hít thở. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé, khiến bé khó ngủ hơn hẳn.
Thậm chí, có thể làm bé bị ngạt thở trong khi ngủ. Bên cạnh đó, việc ngậm ti mẹ trong khi ngủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển răng và nướu của bé.
Một số trường hợp mẹ cho trẻ ngậm ti giả, mặc dù phương pháp này có thể giúp bé dễ ngủ và làm giảm nguy cơ đột tử ở trẻ nhưng việc có nên bé ngậm ti giả hay không thì bố mẹ cần cân nhắc. Bởi nó có thể khiến trẻ bị phụ thuộc, điều đó có nghĩa là bé sẽ không chịu ngủ nếu không có.
Khi bé đã phụ thuộc vào ti giả thì những lúc bé bị cảm hoặc nghẹt mũi sẽ trở nên rắc rối. Bởi khi bị cảm, bé không thể thở bằng mũi được.
Theo phản xạ, bé sẽ chuyển sang thở bằng miệng. Điều này có nghĩa là nếu ngậm ti giả thì việc hít thở sẽ khó hơn. Thế nhưng, nếu không cho bé ngậm ti thì bé sẽ cảm thấy cực kỳ cáu kỉnh, khó chịu và rất khó chìm vào giấc ngủ.
Ngủ trên gối quá sớm
Nhiều mẹ nghĩ rằng nếu được kê đầu trên một chiếc gối mềm thì trẻ sẽ ngủ ngon hơn. Trên thực tế, trẻ sơ sinh không cần đến gối vẫn có một giấc ngon hơn mẹ tưởng.
Trẻ sơ sinh khi ngủ rất hay cựa mình và các bé không thể kiểm soát được mọi vật xung quanh. Do đó, khi cho bé nằm gối quá mềm, quá cao cũng là nguyên nhân khiến trẻ gạt thở.
Theo các chuyên gia, trẻ dưới 2 tuổi, xương đầu của trẻ vẫn còn rất mềm nên rất dễ bị biến dạng như bị chứng bẹp đầu, xương đầu bị méo khi bé nằm gối ngủ quá lâu với một tư thế nhất định. Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo chỉ nên cho trẻ dùng gối khi được 2 tuổi.
Bật đèn sáng khi ngủ
Việc bật đèn có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học của bé, mắt trẻ chưa phát triển hoàn thiện, ánh sáng quá chói sẽ không tốt cho thị lực.
Theo một số báo cáo nghiên cứu, trẻ em 2 tuổi chịu ánh sáng khi bật đèn ngủ cả đêm sẽ có tỷ lệ cận thị là 34%. Sau 2 tuổi, nếu ngủ trong ánh điện sẽ có khả năng cận thị trong tương lai lên đến 55%.
Ngoài ra, khi bật đèn bật sáng, cơ thể sẽ không phân biệt được ngày, đêm và có thể làm giảm việc tiết hormone tăng chiều cao ở trẻ nhỏ.
Trẻ thức khuya, ngủ trễ
Đây là thói quen ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Bởi trong khoảng thời gian từ 10 giờ tối đến 1 giờ sáng là thời gian các hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất.
Nếu trong thời gian này trẻ không ngủ thì các hormone này sẽ tiết ra ít hơn, làm giảm hiệu quả tăng chiều cao.
Trẻ nhỏ thiếu ngủ kéo dài cũng có thể phá vỡ hệ thống miễn dịch, làm giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh, suy giảm trí nhớ.
Vậy bố mẹ nên làm gì để rèn luyện thói quen ngủ tốt cho con?
Bố mẹ có thể áp dụng vài mẹo đơn giản dưới đây, giúp trẻ rèn luyện thói quen ngủ tốt, đúng giờ.
Giảm cường độ ánh sáng
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, trong khoảng 2 giờ trước khi trẻ đi ngủ, bố mẹ nên chú ý giảm cường độ ánh sáng để tạo tín hiệu chuẩn bị đến giờ ngủ cho não bộ.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng việc tiếp xúc nhiều với ánh sáng trắng sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ cả về số lượng lẫn chất lượng. Sự tụt giảm của metalonin làm trẻ khó có được một giấc ngủ thật ngon.
Giảm các hoạt động có tính kích thích
Bố mẹ nên đảm bảo rằng không có sự xuất hiện của các thiết bị giải trí như điện thoại, máy tính, ti vi… trong phòng ngủ của trẻ.
Việc này nhằm tránh cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng và sự kích thích, giúp chuyển sự chú ý của trẻ sang những hoạt động có ý nghĩa hơn như đọc sách.
Để trẻ thư giãn trong không gian yên tĩnh
Thời gian ngủ thực tế của trẻ rất khác nhau, thậm chí là khi so sánh với anh, chị của trẻ khi ở cùng độ tuổi. Trong khi bạn muốn trẻ ở độ tuổi lên 7 ngủ ít nhất 10 tiếng mỗi ngày, thực tế có thể không cần nhiều đến vậy.
Hãy để trẻ tự chơi hay thư giãn trong không gian yên tĩnh, điều này sẽ giúp trẻ dễ cảm thấy buồn ngủ hơn là để trẻ bị buồn chán, cáu gắt và trở nên tỉnh táo, dẫn đến đi ngủ không đúng giờ.
Giữ cho trẻ thời gian biểu đều đặn
Một số trẻ tiểu học có khuynh hướng thức khuya hơn và dậy muộn hơn và buổi sáng, trẻ thường thức khuya vào tối thứ 6, thứ 7 rồi ngủ bù vào sáng hôm sau.
Thói quen này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, không thích nghi kịp và khiến việc thức dậy vào sáng thứ hai có thể là cả thứ ba và thứ tư không hề đơn giản.
Do đó, bố mẹ nên giữ cho trẻ thời gian biểu đều đặn và liên tục để trẻ duy trì và làm quen với thói quen này.