Không chỉ là viết tiếp giấc mơ dang dở của bản thân
Dù đã ở tuổi 40, khi nhiều người phụ nữ đã yên phận với cuộc sống và phần nào lãng quên những ước mơ hoài bão thời trẻ, chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1981, Đông Anh, Hà Nội) đã có một quyết định đầy táo bạo, đó là tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học.
Đáng chú ý, chị Thủy đã xuất sắc đạt được số điểm khiến không ít người phải trầm trồ, thán phục: Ngữ văn Ngữ văn 7,25; Lịch sử 8,5; Địa lý 9; Giáo dục công dân 9,5. Như vậy bài thi tổ hợp Khoa học xã hội của chị có tổng điểm là 27, còn tổng điểm thi theo tổ hợp khối C là 24,75 điểm.
Sau khi vừa kết thúc ca làm việc ở khu công nghiệp gần nhà, chị Thủy lại tất tả trở về, chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình nhỏ.
Mở đầu cuộc trò chuyện, chị Thủy nhớ lại, khoảng 20 năm về trước, khi chị còn là một nữ sinh cuối cấp bước vào kỳ thi đại học đầu tiên của đời mình, chị đã thiếu chỉ 0,5 điểm để đỗ vào học viện Hành chính Quốc gia, chỉ 0,5 điểm những cũng đủ để rẽ cuộc đời chị sang một hướng đi khác. “Vào được một trường đại học là mơ ước của tôi từ 20 năm trước. Nhưng khi đó, bố mẹ tôi cũng đã hơn 70 tuổi, nên kể cả có đỗ thì bố mẹ cũng không có đủ tiền nuôi tôi ăn học”, giọng chị hơi se lại khi kể về ước mơ thời trẻ.
Mặc dù vậy, niềm mơ ước được bước chân vào giảng đường đại học của người phụ nữ ấy có lẽ vẫn chưa bao giờ “tắt”, chị cảm thấy trong mình vẫn còn một đam mê mãnh liệt với con đường học vấn nên đã quyết định viết tiếp giấc mơ dang dở của mình.
Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả! Động lực lớn nhất khiến người phụ nữ ấy quyết tâm tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng chính là niềm trăn trở trong suốt một thời gian dài.
“Cuối năm 2019, một biến cố đã xảy ra, cướp đi người con trai lớn sinh năm 2003, khiến con không thể tham dự kỳ thi lớn của cuộc đời. Quãng thời gian đó với tôi quả là không thể diễn tả nổi, tôi chông chênh vô cùng, lúc đi làm trở lại, chỉ thấy mình như một cái máy vô hồn, không khí lúc nào cũng âm u… Sau hơn một năm, tôi mới có thể lấy lại được khoảng 50% tinh thần. Từ đó đến nay, tôi chưa có một giác ngủ trọn vẹn. Chính vì vậy, tôi quyết định tham dự kỳ thi năm nay, để thay con tiếp tục hành trình của một chàng trai 18 tuổi, tôi xem đó cũng là tâm nguyện của con”, đôi mắt chị Thủy như không nén nổi xúc động khi nhắc đến mảnh ký ức buồn.
Ngày hoàn thành xong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, chị về nhà tra đáp án và biết mình đã làm bài khá tốt. Sau đó gấp sách lại, chị tới công ty làm nốt ca tối, trong lòng cảm thấy hồi hộp vì chưa biết kết quả ra sao.
Đến khi biết kết quả, chị cũng bất ngờ nhưng niềm vui chỉ kịp thoảng qua: “Mặc dù đạt điểm cao cũng vui, nhưng với tôi, đó là một niềm vui không trọn vẹn. Đêm đó, tôi trằn trọc không ngủ nổi, trong lòng vẫn canh cánh một nỗi niềm khó nói. Tại sao con mình lại không có cơ hội tham dự kỳ thi này?... Tuy vậy, việc tôi tham dự kỳ thi để tiếp nối hành trình dang dở của con, ít nhiều cũng đã khiến trong lòng tôi cảm thấy an yên phần nào”.
Chị Thủy cho biết, nguyện vọng 1 của chị là ngành Việt Nam học (trường đại học Sư phạm Hà Nội), nếu đỗ, chị sẽ cố gắng sắp xếp đi học tiếp: “Nếu may mắn đỗ, học với các bạn trẻ như thế tôi không ngại gì cả. Chỉ lo lắng vì hoàn cảnh gia đình có nhiều cái còn phải lo, 2 con nhỏ cũng sắp lên cấp 3 rồi nhưng tôi sẽ cố sắp xếp”.
Truyền động lực cho các bạn trẻ
Sau hơn 20 năm không đèn sách, chị Thủy đã có một chiến lược ôn thi độc đáo chỉ với 21 ngày. Từng là học sinh giỏi cấp trường, học lớp chọn cấp THCS, có phương pháp học hiệu quả, nên chị Thủy nhanh chóng lấy lại kiến thức qua sách giáo khoa và các khóa học online đăng ký trên mạng. Do bắt đầu muộn hơn các thí sinh bình thường, nên ngoài ôn tập trong sách giáo khoa, chị cũng mua một khóa học trực tuyến để học môn Ngữ văn, trang bị thêm một ít sách tham khảo môn Lịch sử và Địa lý để học thêm. Đối với môn Giáo dục công dân, chị tự ôn do gần gũi với đời sống thường ngày.
Là công nhân kiểm hàng với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng, nhưng để sẵn sàng cho kỳ thi, chị Thủy đã phải xin nghỉ nửa tháng không lương và 5 ngày nghỉ phép. Trong đó, chị dành thời gian ôn tập môn Văn nhiều nhất vì yêu thích các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa. Môn Lịch sử và Địa lý, mỗi môn chị học một tuần, Giáo dục công dân chỉ ôn trong hai ngày. Mỗi ngày, chị cũng chăm chỉ lên mạng xem các bài giảng trực tuyến để học, tập trung vào những nội dung nâng cao, làm đề thi thử thầy giáo giao.
Ở tuổi 40, việc ghi nhớ đã không còn nhanh nhẹn. Chị Thủy áp dụng phương pháp học hiểu, ghi nhớ kiến thức trọng tâm, thay vì học thuộc lòng hay “học vẹt”. “Nhiều bạn không có phương pháp hiệu quả thì học rất vất vả mà lại không nhớ được nhiều”, chị bật mí.
Chị Thủy ôn thi vào những ngày thời tiết ở Hà Nội nắng nóng lên đến 39 - 40 độ. Ngồi học 1-2 tiếng đã cảm thấy đau đầu, không thể học liền nhiều giờ đồng hồ như các bạn trẻ. Vì vậy, cách 2 tiếng, chị lại nghỉ giải lao một lần. Mỗi chiều, chị sắp xếp thời gian lo quán xuyến việc nhà, để 3 mẹ con có thể tập thể dục, giải tỏa căng thẳng.
Những ngày qua, thông tin về nữ công nhân 40 tuổi viết tiếp ước mơ nơi giảng dường đại học đã khiến nhiều người quan tâm. Sự nổi tiếng “bất đắc dĩ” này, trước đây chị Thủy chưa từng dám nghĩ tới.
Chị chia sẻ: “Sau 20 năm mới lại cầm bút viết trong 2 tiếng liền để hoàn thành bài thi môn Văn. Tôi viết chậm lắm, làm bài nghị luận xã hội xong, cảm thấy còn ít thời gian nên bắt đầu viết nhanh, chữ nguệch ngoạc đi. May mắn là điểm Văn cao hơn kỳ vọng. Điều đó cũng giúp tôi rút ngắn thêm khoảng cách đến cánh cổng trường đại học mà tôi đã lựa chọn.
Ban đầu, khi tham gia vào các hội nhóm trên Facebook, tôi thấy các thí sinh chia sẻ về những nỗi hụt hẫng khi thi được rất ít điểm, không đủ để đỗ vào những ngôi trường đã đặt nguyện vọng, thậm chí các con còn tỏ ra thất vọng về bản thân. Vì vậy, tôi chỉ chia sẻ câu chuyện của mình, mong sẽ truyền được động lực để các con có thêm niềm tin vào bản thân, có thêm tinh thần để theo đuổi ước mơ. Bởi, thực hiện ước mơ thì không bao giờ là quá muộn…
Không ngờ, lại được nhiều người quan tâm đến thế! Không chỉ các thí sinh năm nay hay các bạn trẻ vào tương tác, mà còn có nhiều phụ huynh cũng từng dang dở giấc mơ thời trẻ giống như tôi, vào sẻ chia, tâm sự. Vậy là câu chuyện của tôi đã chạm đến giấc mơ của nhiều người”.
Và chị muốn truyền nguồn năng lượng tích cực ấy đến người gần nhất, đó chính là tiếp thêm sức mạnh cho cậu con trai sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vào năm sau. “Người ta vẫn nói, kỳ thi vào 10 tại Hà Nội có khi còn khốc liệt hơn kỳ thi mà tôi vừa trải qua. Bởi lẽ, để xét tuyển vào đại học, các thí sinh có nhiều lựa chọn và thậm chí chỉ cần chú tâm học những môn yêu thích, thuộc những khối mình theo đuổi. Còn thi vào lớp 10 thì không như vậy. Tôi mong con trai sẽ thật tự tin trong kỳ thi sắp tới. Nhưng chắc chắn là con sẽ làm được!
Vừa rồi, lúc biết tôi tham dự kỳ thi, tôi còn giấu mọi người vì sợ những ý kiến trái chiều, con đã động viên mẹ, bảo mẹ hãy thực hiện ước mơ, hãy làm những gì mẹ muốn. Thậm chí, con còn tâm lý đến mức giành phụ mẹ việc nhà để mẹ có thêm thời gian ôn tập. Cả chồng tôi cũng vậy, một mặt, anh động viên và ủng hộ tôi tham dự kỳ thi, mặt khác, anh cũng tranh thủ phụ việc nhà để tôi yên tâm tham dự kỳ thi”, với chị Thủy, gia đình vẫn luôn là “điểm tựa” hoàn hảo nhất.
Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, chị Thủy bộc bạch: “Nhiều người hỏi tôi có muốn nhắn nhủ điều gì đến phái nữ không, nhưng tôi không dám khuyên gì, bởi mỗi người sẽ có một hoàn cảnh khác nhau. Tôi chỉ biết rằng, phụ nữ dù cứng rắn đến đâu cũng là phụ nữ. Trong mỗi hoàn cảnh, phải tự tin để đối diện, thì mới có thể tìm thấy điều mình mong mỏi”.
(Ảnh: NVCC).