Ồ ạt thi người đẹp ở Việt Nam gây nhàm chán, danh xưng Hoa hậu "mất giá"

Từ đầu năm đến nay, có hơn 10 cuộc thi hoa hậu, hoa khôi xác nhận tổ chức. Điều này khiến công chúng băn khoăn về chất lượng các cuộc thi, danh xưng Hoa hậu nhạt nhòa.

Nở rộ cuộc thi Hoa hậu như... "nấm sau mưa"

Chưa thời điểm nào Việt Nam có nhiều cuộc thi Hoa hậu như hiện tại. Các cuộc thi nở rộ vào giai đoạn giữa và cuối năm, khiến công chúng có cảm giác "bội thực". Sắp tới, hàng chục cô gái sẽ được trao vương miện, khoác lên người danh hiệu Hoa hậu, Á hậu.

Từ đầu năm đến nay đã có 18 cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp... quy mô toàn quốc được tổ chức, chưa tính các cuộc thi cấp tỉnh, thành. Ngoài các đấu trường nhan sắc lớn như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam hay Hoa hậu Việt Nam, nhiều khán giả không nhớ nổi tên các cuộc thi khác.

Từ ngày 16/7 đến hết năm có ít nhất 10 đêm chung kết tìm ra chủ nhân vương miện các cuộc thi hoa hậu như: Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam (diễn ra ngày 16/7), Hoa hậu Áo dài Việt Nam (30/7), Hoa hậu Thể thao Việt Nam (31/7), Hoa hậu Thế giới Việt Nam - Miss World Vietnam (12/8), Miss Peace Vietnam (11/9), Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - Miss Grand Vietnam (25/9), Nữ hoàng trang sức Việt Nam (20/10), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam - Miss Sea Island Vietnam (22/10), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam - Miss Supranational Vietnam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15/12)...

Văn hoá - Ồ ạt thi người đẹp ở Việt Nam gây nhàm chán, danh xưng Hoa hậu 'mất giá'

Có quá nhiều cuộc thi Hoa hậu diễn ra ở Việt Nam thời gian gần đây. (Ảnh minh họa).

Trên các diễn đàn sắc đẹp, các nền tảng mạng xã hội rất nhiều người đặt câu hỏi: "Hoa hậu ở đâu mà lắm thế?". Tính sơ sơ các cuộc thi được cho là quy mô, tầm cỡ vừa và lớn, con số đã lên đến hàng chục. Đó là chưa tính đến các cuộc thi hoa khôi, người đẹp vùng miền. Ngay cả những fan sắc đẹp lâu năm cũng khó mà kể tên các cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia một cách lưu loát. Nhiều người "hỏi xoáy", có nhiều cuộc thi như vậy, có phải Việt Nam đang là một cường quốc hoa hậu? hay "Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 và Hoa hậu Việt Nam 2022 có gì khác nhau khi cùng tìm kiếm đại diện thi Miss World?".

Đây là hai cuộc thi đều do đơn vị Sen Vàng tổ chức. Bình thường, Hoa hậu Việt Nam diễn ra vào năm chẵn, còn Hoa hậu Thế giới Việt Nam thi vào năm lẻ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2021 bị dời sang năm nay, dẫn đến trùng lặp, rối rắm.

Xét về tiêu chí lựa chọn thí sinh, Hoa hậu Thế giới Việt Nam và Hoa hậu Việt Nam gần như tương đồng. Như vậy, khó tránh khỏi việc những cô gái chưa thành công tại cuộc thi này sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại cuộc còn lại.

Thực trạng của việc ồ ạt các cuộc thi nhan sắc đã kéo theo hàng loạt gương mặt cũ trở lại cùng tranh tài. Không khó để tìm ra những "gương mặt thân quen" miệt mài "chạy sô" ứng thí, tìm kiếm danh hiệu từ cuộc thi này đến cuộc thi khác, từ năm này qua năm khác.

Đơn cử người đẹp Nam Em là chủ nhân của các danh hiệu như Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015, top 8 Miss Earth 2016. Năm nay, cô trở lại tranh tài ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam.

Tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Ngọc Châu từng là Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, top 10 Miss Supranational 2019.

Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Hương Ly từng là quán quân Vietnam’s Next Top Model 2015 và 2016.

Á hậu 2 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Phạm Thủy Tiên chính là Hoa khôi Duyên dáng Ngoại thương (FTUCharm) năm 2018 và từng vào top 10 Hoa hậu Việt Nam 2018.

Nguyễn Đình Khánh Phương tham gia Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 từng là Á hậu 2 Hoa hậu Biển Việt Nam 2016, đại diện Việt Nam tham dự Miss Supranational 2017…

Nhiều người nhận xét, có lẽ vì thiếu thí sinh nên tiêu chí để chọn lựa cũng không còn quá khắt khe như trước. Nhiều trường hợp thí sinh không đủ đẹp và đủ phẩm chất thi hoa hậu vẫn đi tới vòng chung kết chỉ vì có sức hút sẵn trên mạng xã hội, giúp tăng độ nóng cho cuộc thi. Nghi vấn dùng người có tiếng tăm để PR cũng là yếu tố khiến nhiều người chán ngán. Không ít người còn đặt vấn đề, phải chăng các cuộc thi nhan sắc mở ra chỉ để làm hình ảnh quảng bá cho đơn vị tổ chức và các nhà tài trợ?

Vì sao bùng nổ?

Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành cuối năm 2020 không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm. Quy định trên tạo điều kiện cho hàng loạt cuộc thi hoa hậu, hoa khôi được tổ chức.

Trước đây, các cuộc thi nhan sắc phải do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép thì nay chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi. Điều này lý giải vì sao chỉ trong thời gian ngắn đã nở rộ các cuộc thi nhan sắc.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng bùng nổ sân chơi sắc đẹp là khán giả Việt Nam dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực hoa hậu. Điều này giống các quốc gia khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, có thể kể đến Philippines, Thái Lan, Indonesia...

Dựa trên quan sát từ các cuộc thi quốc tế như Miss Universe, Miss World, Miss Grand International, Miss Earth hay Miss International, thí sinh Đông Nam Á luôn nhận được sự theo dõi sát sao, ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả nước nhà. Các bài đăng, hình ảnh về ứng viên Philippines, Việt Nam, Thái Lan thường có lượt "like" và tương tác rất cao.

Trong các cuộc bình chọn để giành tấm vé vào thẳng top, nhiều đại diện Việt Nam từng may mắn chiến thắng. Qua đó một lần nữa cho thấy khán giả Việt thuộc top đầu chuộng xem hoa hậu, dù chưa được gắn mác "đam mê" hay "cuồng tín" như người Philippines.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, thi hoa hậu là cánh cửa để dễ dàng bước chân vào showbiz. Hoa hậu, á hậu sau khi đăng quang đắt show không kém các ngôi sao, xuất hiện ở mọi sự kiện giải trí từ đó đem lại nguồn thu nhập lớn nên càng thôi thúc việc tìm danh hiệu ở các cuộc thi này của những cô gái trẻ.

Giá trị thật sự của danh xưng Hoa hậu

Văn hoá - Ồ ạt thi người đẹp ở Việt Nam gây nhàm chán, danh xưng Hoa hậu 'mất giá' (Hình 2).

Tổ chức nhiều cuộc thì trong một năm sẽ đem lại quá nhiều danh xưng hoa hậu. (Ảnh minh hoa).

“Việt Nam quá tải hoa hậu", "bội thực hoa hậu"... là những chủ đề khiến dư luận tranh cãi thời gian qua. Một bộ phận khán giả cho rằng các quốc gia như Philippines, Thái Lan cũng có rất nhiều cuộc thi hàng năm và chuyện thí sinh thi lại là bình thường. Khán giả lấy ví dụ người đẹp Catriona Gray từng thất bại tại Miss World trước khi đoạt vương miện Miss Universe 2018.

Theo những ý kiến này, tình trạng ồ ạt sẽ không kéo dài bởi các cuộc thi kém chất lượng tất yếu bị đào thải. Khán giả cũng không dễ tính để công nhận danh hiệu "hoa hậu", "á hậu" một cách đại trà.

Theo VTC News, khoảng 10-20 năm trước, danh xưng hoa hậu là thứ gì đó rất cao quý, chiếc vương miện là thứ mà hàng triệu cô gái phải ao ước và người đạt được nó thực sự tài sắc, nhân phẩm vẹn toàn, nhưng giờ đây có vẻ nó không còn quá xa tầm với. Đúng là cái gì hiếm thì mới quý, vương miện quá nhiều, danh hiệu hoa hậu quá nhiều thì đương nhiên giá trị cũng giảm đi. Việc mở ồ ạt các cuộc thi nhan sắc để tìm kiếm chủ nhân vương miện cũng dễ bị thương mại hóa, nấp dưới những thông điệp nhân văn.

Với vô số các cuộc thi vùng miền, doanh nhân, quý bà hay các cuộc thi quốc tế mang quy mô "ao làng", nhiều cô gái chỉ sau một đêm đã khoác lên mình cái mác hoa hậu dù không danh giá. Nhiều cô coi danh hiệu như vật trang trí để dễ dàng vào showbiz. Không ít cuộc thi bị biến thành cái chợ với những lùm xùm tố cáo mua bán giải, phẫu thuật thẩm mỹ, vi phạm quy chế, những ồn ào kiểu như trưởng ban tổ chức cuộc thi đăng đàn mắng hoa hậu "vô ơn", gây sóng gió trên báo chí. Rõ ràng không phải chiếc vương miện nào cũng lấp lánh và cao quý, không phải cuộc thi nhan sắc nào cũng thực sự đẹp.

Sự lộn xộn, bát nháo ấy cũng ảnh hưởng đến các cuộc thi uy tín, các hoa hậu, á hậu chân chính, khi định kiến của xã hội về chuyện thi nhan sắc hình thành và ngày càng đậm nét.

Thực tế, hiện tại không phải cuộc thi nào cũng giữ vững độ hot. Nhiều đấu trường sắc đẹp đã tuyên bố hoãn tổ chức năm 2020 vì dịch Covid-19 nhưng công chúng ít bàn tán hay tỏ ra nuối tiếc.

Quá nhiều cuộc thi sắc đẹp việc quản lý ra sao?

Chia sẻ trên Zing, người mẫu Vũ Thu Phương, giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, cho rằng hàng chục cuộc thi trong một năm là quá tải, khó đảm bảo chất lượng thí sinh.

Tuy vậy, Vũ Thu Phương nhận định điểm tích cực khi tổ chức các cuộc thi hoa hậu là giúp thúc đẩy du lịch trong nước, quảng bá văn hóa, kéo theo sự phát triển của những ngành nghề khác.

"Nếu nhìn theo hướng tích cực, ngành công nghiệp sắc đẹp tại Việt Nam bắt đầu hình thành. Những lĩnh vực khác cũng phát triển theo. Nhiều sân chơi giúp tạo cơ hội cho thí sinh rèn giũa để hoàn thiện trước khi thi quốc tế. Theo tôi, đó là những điểm tốt", Vũ Thu Phương nói.

Vũ Thu Phương chia sẻ thêm: "Nhưng đúng là cái gì nhiều quá cũng không tốt. Số lượng vừa phải thì chất lượng ứng viên sẽ được đảm bảo hơn, các em có thời gian để 'chín' cả về vẻ ngoài lẫn kỹ năng. Với hàng chục cuộc thi hiện nay, tôi nghĩ không đủ thí sinh. Nhưng chúng ta cũng không cần quá lo lắng. Ở góc nhìn của tôi, các cuộc thi có sự phân tầng rõ ràng và khán giả có sự chọn lọc. Nhiều cuộc thi không có nghĩa tất cả đều được quan tâm, theo dõi".

Phạm Kim Dung, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam trả lời trên báo Người lao động, cho rằng việc có quá nhiều hoa hậu sẽ khiến dễ bị loạn danh xưng và mất dần giá trị của danh hiệu cao quý này, song cũng không nên quá lo ngại. Theo bà Dung hãy để thị trường, khán giả quyết định sự tồn tại của các cuộc thi. Cuộc thi nào chất lượng, mang giá trị thực cho xã hội sẽ phát triển, cuộc thi nào kém chất lượng thì sẽ tự bị đào thải.

Theo báo Công an Nhân dân Online, ông Trần Việt Bảo Hoàng, Phó ban Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cho rằng, nên để khán giả quyết định và công nhận các cuộc thi nhan sắc. Vì có 1, 10, 20 cuộc thi hay nhiều hơn thì những cuộc thi uy tín, hoa hậu xứng đáng thì mới được khán giả nhớ tới. Lúc này, bài toán duy trì cuộc thi lại quay trở lại điểm xuất phát, đó chính là đơn vị tổ chức.

Cũng có ý kiến tin rằng, việc cấp phép tổ chức cuộc thi hoa hậu được đưa về địa phương là tỉnh, thành phố quản lý có sâu sát hay không, sau cùng vẫn sẽ được cơ quan quản lý cấp Bộ sẽ làm công tác hậu kiểm. Việc thu hồi danh hiệu, hủy kết quả… nếu vi phạm các điều khoản đã được nêu tại Nghị định 144/2020/NĐ – CP sẽ là lời giải cho các cuộc thi sai phạm. Song, không ít người cũng hoài nghi rằng, nếu tiếp tục “cởi trói” như vậy, nỗi lo loạn hoa hậu sẽ còn kéo dài đến bao giờ là câu hỏi chưa có hồi đáp.

Xung quanh việc nở rộ các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam còn rất nhiều điều đáng bàn. Việc nới lỏng các cuộc thi là điều cần thiết nhưng “cởi mở” đến đâu thì cần dựa trên những quan điểm và chế tài hợp lý.

Quốc Tiệp (t/h)