Ông Putin ký luật giúp Nga “gỡ khó” về thanh toán quốc tế

Mục tiêu của luật mà Tổng thống Nga vừa ký ban hành là tạo điều kiện để phát triển hệ thống thanh toán quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 8/8 đã ký một đạo luật cho phép các ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh tại Nga nhưng cũng đưa ra một số hạn chế đối với hoạt động của các chi nhánh này. Văn bản luật đã được công bố trên cổng thông tin pháp lý chính thức.

Mục tiêu là tạo điều kiện để phát triển hệ thống thanh toán quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài, phần ghi chú giải thích cho biết.

Hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ hướng chính xác đến mục tiêu này. Do đó, hạn chế là các chi nhánh này không thể thực hiện một số giao dịch giống như các ngân hàng thông thường, như mở tài khoản tiền gửi cho cá nhân và công ty, tài khoản bằng kim loại quý, tham gia quản lý ủy thác tiền tệ và tài sản khác.

Ông Putin ký luật giúp Nga “gỡ khó” về thanh toán quốc tế- Ảnh 1.

Trung tâm kinh doanh quốc tế Moscow, còn được gọi là “Moscow City”. Ảnh: iStock

Các ngân hàng nước ngoài sẽ có quyền hoạt động trên thị trường chứng khoán thông qua một chi nhánh được thành lập tại Nga. Mỗi ngân hàng sẽ chỉ được phép thành lập một chi nhánh. Luật cũng quy định về việc đặt ra các yêu cầu về trình độ chuyên môn và uy tín kinh doanh của các viên chức ngân hàng.

Theo luật, chi nhánh của một ngân hàng nước ngoài phải lập một khoản tiền ký quỹ với số tiền ít nhất là 1 tỷ Rúp (11 triệu USD) để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng.

Nếu chi nhánh không tuân thủ các yêu cầu của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) về việc loại bỏ các hành vi vi phạm luật chống rửa tiền trong khung thời gian đã định hoặc các hành vi vi phạm đó đe dọa đến lợi ích của các chủ nợ, cơ quan quản lý có thể áp dụng mức phạt lên tới 1% tiền ký quỹ, nhưng không dưới 1 triệu Rúp (11.300 USD).

Đồng thời, Ngân hàng Trung ương có quyền chỉ định đại diện của mình tại các chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài, những người sẽ có thể nhận được các tài liệu và thông tin về hoạt động của mình, yêu cầu dữ liệu về các giao dịch và hoạt động.

Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2024. Hiện tại, các ngân hàng nước ngoài chỉ có thể mở các công ty con hoặc văn phòng đại diện tại Nga, chứ không phải các chi nhánh.

Bộ Tài chính Nga cho biết, họ hy vọng luật sẽ làm giảm bớt các vấn đề liên quan đến các thỏa thuận xuyên biên giới.

Các thỏa thuận quốc tế đã trở thành vấn đề đối với Moscow sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây – áp đặt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine – đã chặn các ngân hàng lớn của Nga truy cập vào hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Minh Đức (Theo TASS, SwissInfo)