Phải làm gì khi bị lừa đảo với chiêu trò “Hợp tác đầu tư lãi suất cao”?

Thực tế, phần lớn các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức hợp tác kinh doanh đều do người bị hại không cẩn trọng trước những lời hứa hẹn trả lãi suất cao.

Tình huống bạn đọc: Bà L.C.N. ký hợp đồng “Hợp tác kinh doanh” với bà B.T.Q. về việc hai người góp vốn kinh doanh tại Cơ sở mầm non HTT. Phần của bà N. là 300 triệu đồng, hàng tháng sẽ được hưởng một khoản tiền lợi nhuận từ nguồn thu của trường; thời hạn 01 năm.

Hợp đồng (HĐ) nêu rõ, bà Q. là chủ sở hữu của trường mầm non tư thục HTT; sau 01 năm nếu không tiếp tục hợp tác bà Q. sẽ chuyển trả cho bà N. số tiền đã đóng góp; nếu không đúng như thỏa thuận, bà N. sẽ nhận được 40% cổ phần Cơ sở mầm non HHT.

Hai tháng đầu, các bên thực hiện đúng theo điều khoản HĐ. Tuy nhiên, đến tháng thứ 3 bà N. không nhận được bất cứ khoản tiền nào như thỏa thuận ban đầu, cũng như không thể liên lạc được với bà Q..Tìm đến nhà bà Q. thì được biết bà này không còn ở nơi cư trú; chồng bà Q. cho biết 2 người đã ly hôn...

Nhận thấy bất thường, bà N. tìm hiểu thì được biết, trường mầm non HTT do bà Đ.T.M.V làm chủ cơ sở. Tuy nhiên bà V. đã ủy quyền cho bà Q. quản lý toàn bộ công việc liên quan đến trường HTT. Thông qua các giáo viên tại cơ sở, bà N. tiếp tục phát hiện bà Q. đã chuyển nhượng cơ sở cho một số cá nhân khác.

Bà N. xin tư vấn phải xử lý như thế nào để có thể đảm bảo quyền lợi bản thân; thu hồi số tiền đã đầu tư?

Luật sư Hoàng Văn Hà – Giám đốc công ty luật ARC Hà Nội phân tích và phúc đáp bạn đọc như sau:

Thứ nhất, HĐ giữa bà N. và bà Q. có các điều khoản cụ thể về việc góp vốn, thời gian hợp tác, chia lợi nhuận, và phương án xử lý vốn sau khi kết thúc hợp đồng. Điều này cho thấy bà N. đã có căn cứ pháp lý để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ từ phía bà Q.

Thứ hai, sau tháng thứ 2, bà Q. không thực hiện đúng cam kết (không chuyển khoản lợi nhuận cố định, không hoàn trả vốn hoặc chuyển cổ phần). Hơn nữa, bà Q. đã chuyển nhượng cơ sở HTT cho người khác mà không thông báo hoặc thỏa thuận với bà N., có dấu hiệu vi phạm quyền lợi của người góp vốn.

Thứ ba, trường mầm non HTT không thuộc sở hữu của bà Q. mà do bà Đ.T.M.V. làm chủ. Việc bà Q. chỉ được ủy quyền quản lý nhưng lại chuyển nhượng trái phép có dấu hiệu vượt quá phạm vi ủy quyền và có thể bị coi là hành vi gian dối.

ls-ha-1736651942.jpg
Luật sư Hoàng Văn Hà – Giám đốc công ty luật ARC Hà Nội.

Từ những phân tích trên, bà N. có thể tiến hành các bước sau để đảm bảo quyền lợi và thu hồi số tiền đầu tư:

Bước 1: Làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng

Bà N. có thể làm đơn khởi kiện bà Q. tại Tòa án Nhân dân có thẩm quyền (nơi bà Q. cư trú trước đây hoặc nơi trường mầm non HTT hoạt động) để yêu cầu:

 - Bà Q. hoàn trả lại số tiền 300 triệu đồng.

- Thanh toán khoản lợi nhuận đã cam kết.

- Đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, như phong tỏa tài sản hoặc dừng việc chuyển nhượng cơ sở HTT (nếu còn tài sản liên quan).

Bước 2: Xác minh và thu thập thêm thông tin

- Yêu cầu cơ quan quản lý giáo dục địa phương (Phòng GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT) cung cấp thông tin về chủ sở hữu thực sự và các thay đổi pháp lý liên quan đến trường mầm non HTT.

- Làm việc với bà Đ.T.M.V. để xác định nội dung và phạm vi ủy quyền của bà Q. Việc bà Q. vượt quá phạm vi ủy quyền (chuyển nhượng cơ sở) có thể là căn cứ để Tòa tuyên giao dịch vô hiệu.

Bước 3: Làm đơn tố giác hành vi lừa đảo

- Hành vi của bà Q. có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Cụ thể: bà Q. đã gian dối khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, tạo lòng tin với bà N. rằng mình là chủ sở hữu cơ sở HTT; sau khi nhận tiền góp vốn, bà Q. không thực hiện đúng cam kết, bỏ đi khỏi nơi cư trú và không thể liên lạc.

- Bà N. có thể làm đơn tố giác gửi Công an địa phương hoặc Viện Kiểm sát để yêu cầu điều tra hành vi này.

Bước 4: Liên hệ với người mua lại cơ sở HTT

- Nếu việc chuyển nhượng cơ sở HTT là trái pháp luật, bà N. có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch chuyển nhượng này vô hiệu để bảo vệ quyền lợi của mình.

- Tuy nhiên, nếu người mua lại cơ sở là bên thứ ba ngay tình, việc đòi lại cổ phần hoặc giá trị vốn góp có thể gặp khó khăn và cần được giải quyết bằng pháp luật dân sự.

Trong quá trình trên, bà N. cần lưu ý một số điểm quan trọng sau:

- Bà N. cần nhanh chóng thu thập chứng cứ, bao gồm:

- Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

- Biên lai/chứng từ chuyển tiền.

- Các bằng chứng về việc bà Q. không thực hiện đúng cam kết (tin nhắn, email, ghi âm...).

- Xác nhận từ giáo viên và người liên quan tại cơ sở HTT.

Đặc biệt lưu ý, thời hiệu khởi kiện về tranh chấp hợp đồng là 03 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp. Đối với hành vi lừa đảo, bà N. cần tố giác ngay để tránh mất dấu bà Q.

"Thực tế, phần lớn các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức hợp tác kinh doanh hay chuyển nhượng cổ phần đều do người bị hại không cẩn trọng trước những lời hứa hẹn trả lãi suất cao. Do đó, trước khi ký kết các HĐ này, khuyến cáo người dân nên tham khảo ý kiến từ các Văn phòng luật để được tư vấn cũng như cảnh báo, phát hiện sớm những dấu hiệu của hành vi lừa đảo (nếu có)" - Luật sư Hà kết luận.

 

Giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật miễn phí: 0941.645.680

Hoặc gửi về email: toasoan.phunuphapluat@gmail.com

 

Trần Giang