Xử lý thế nào khi lỡ mua xe giấy tờ giả

Một bạn đọc lỡ mua xe máy có giấy tờ giả và bị phát hiện khi đang lưu thông trên đường.

 

Trường hợp bạn đọc B.V.K: Qua mạng xã hội, tôi tìm tới anh T. để mua chiếc xe máy trị giá 45 triệu đồng, có giấy viết tay về việc mua – bán xe, giao nhận tiền. Trong một lần Cảnh sát giao thông kiểm tra hành chính khi tôi đang lưu thông trên đường, lực lượng chức năng phát hiện giấy tờ xe là giả; lập biên bản thu giữ phương tiện và một số giấy tờ khác; thông báo tôi có thể phải đối mặt tội danh “sử dụng con dấu, tài liệu giả”.

Xin luật sư tư vấn, tôi phải làm gì trong trường hợp này.

4-1736497940.jpg
Ảnh minh họa.

Luật sư Hoàng Văn Hà – giám đốc công ty Luật ARC Hà Nội, phân tích về trường hợp trên như sau:

Về mặt khách quan: anh K. có hành vi sử dụng giấy tờ xe giả (giấy đăng ký, cà vẹt xe...) để lưu hành chiếc xe trên đường và bị phát hiện khi cơ quan chức năng kiểm tra hành chính.

Mặt chủ quan: tội danh “sử dụng con dấu, tài liệu giả” thường yêu cầu yếu tố lỗi cố ý, nghĩa là người sử dụng biết rõ giấy tờ đó là giả nhưng vẫn cố tình sử dụng. Nếu anh K. không biết giấy tờ là giả và không có dấu hiệu cố ý sử dụng thì có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mặt chủ thể: anh K. là người đủ năng lực hành vi và năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt khách thể: hành vi này xâm phạm đến hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, an ninh công cộng.

Từ những điều trên, luật sư Hà khẳng định: nếu anh K. đủ căn cứ chứng minh mình không biết giấy tờ là giả khi mua xe, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ để tránh oan sai. Ngoài ra, anh K. quyền khởi kiện T. để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cung cấp giấy tờ giả.

5-1736498438.jpg
Luật sư Hoàng Văn Hà – giám đốc công ty Luật ARC Hà Nội.

Đối với người bán xe, giám đốc công ty luật ARC Hà Nội phân tích: nếu chứng minh được anh T. đã cung cấp giấy tờ giả hoặc cố tình lừa dối để bán chiếc xe, anh T. sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh K., bao gồm hoàn trả số tiền 45 triệu đồng và các chi phí phát sinh khác (nếu có).

Không chỉ thế, nếu anh T. biết rõ giấy tờ xe là giả và vẫn bán xe để trục lợi, anh T. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 Bộ luật Hình sự) hoặc tội “làm, tàng trữ, sử dụng con dấu, tài liệu giả” (Điều 341 Bộ luật Hình sự).

Ông Hà cũng cho biết thêm, thực tế tình huống như của anh K. không hiếm gặp. Đối với những trường hợp tương tự, cơ quan chức năng sẽ thu giữ phương tiện, giấy tờ liên quan để làm rõ nguồn gốc và tính hợp pháp của các giấy tờ. Bên cạnh đó, cơ quan Công an sẽ triệu tập người liên quan để điều tra điều tra, làm rõ về hành vi làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả. Nếu xác định giấy tờ giả là do bên bán cung cấp, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Cụ thể với trường hợp của bạn đọc K., luật sư Hoàng Văn Hà đề nghị: “Đầu tiên, bạn cần chứng minh thiện chí và không cố ý phạm tội; cung cấp đầy đủ bằng chứng (như hợp đồng mua bán, nội dung giao dịch, tin nhắn...) để chứng minh bạn không biết giấy tờ là giả. Ngoài ra, có thể khởi kiện anh T. ra Tòa án dân sự, yêu cầu hoàn trả tiền mua xe và bồi thường thiệt hại”.

Giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật miễn phí: 0941.645.680 – 0968.007.001

Hoặc gửi về email: toasoan.phunuphapluat@gmail.com

 

 

 

 

Trần Giang