Quảng Ngãi: Phát hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm A H5N1

Ngày 25/11, theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, trong tháng 11 phát hiện địa phương có dịch cúm gia cầm

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong tháng 11, trên địa bàn phát hiện 3 địa phương có dịch Cúm gia cầm A H5N1 là huyện Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và Tp.Quảng Ngãi.

Trong đó, ở huyện Mộ Đức có 400 con vịt chết, tiêu huỷ bắt buộc 200 con; ở thị xã Đức Phổ phát hiện 300 con vịt chết, bắt buộc tiêu huỷ 340 con; Tp.Quảng Ngãi phát hiện 200 con vịt chết, tiêu huỷ bắt buộc 800 con. Như vậy, tổng số vịt liên quan đến dịch dịch cúm gia cầm A H5N1 là 2.240 con.

Nguyên nhân được xác định, 3 đàn gia cầm này chưa được tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành triển khai thực hiện ngay các biện pháp cấp bách phòng chống dịch như khoanh vùng ổ dịch, tiêu huỷ toàn bộ con vịt còn lại trong đàn; khử trùng tiêu độc; điều tra dịch tễ và hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên theo dõi, giám sát và báo cáo dịch kịp thời theo quy định.

Đến nay tại các ổ dịch chưa thấy phát sinh lây sang đàn mới.

Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong thời gian đến, nguy cơ bệnh cúm gia cầm xảy ra trong thời gian đến rất cao. Vì thời điểm hiện nay thời tiết diễn biến phức tạp và qua kết quả xét nghiệm mẫu giám sát lưu hành virus cúm gia cầm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ đầu năm đến nay đã phát hiện có 38/168 mẫu dương tính với virus cúm A H5N1, 4/168 mẫu dương tính với virus cúm A H5N6.

Trước tình hình dịch cúm A/H5N1 đã xảy ra tại huyện Mộ Đức, Tp.Quảng Ngãi và thị xã Đức Phổ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND 3 địa phương trên chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND xã Đức Hòa, phường Phổ Ninh, phường Quảng Phú tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, đặc biệt rà soát, thống kê đàn gia cầm trên địa bàn, tổ chức tiêm phòng bao vây, khử trùng tiêu độc.

Các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình mua bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào vùng dịch, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hữu hiệu để chủ động phòng chống dịch có hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng, ảnh hướng đến sản xuất và sức khoẻ của cộng đồng.