Quy định mới về mức xử phạt hành vi nhắn tin quảng cáo

Đây là một trong những nội dung đáng lưu ý tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Có thể bị phạt đến 30 triệu đồng nếu nhắn tin quảng cáo sau 22h

Khoản điểm c khoản 32 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 07h - 22h mỗi ngày hoặc gọi điện thoại quảng cáo từ 8h - 17h mỗi ngày mà không có thỏa thuận với người sử dụng.

Nghị định 14/2022/NĐ-CP cũng bổ sung những trường hợp vi phạm liên quan tới thư điện tử, tin nhắn cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ khác có cùng mức phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Thứ nhất, thực hiện quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng.

Thứ hai, không có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo.

Thứ ba, không cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn đăng ký quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ tư, không hướng dẫn người sử dụng dịch vụ về cách thức chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác.

Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, đơn vị này đã tiếp nhận 507 phản ánh về tin nhắn rác trên Hệ thống tiếp nhận về tin nhắn rác qua đầu số 5656 và đã yêu cầu nhà mạng chặn 9.679.601 tin nhắn rác.

Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Quảng cáo bằng thư điện tử hoặc quảng cáo bằng tin nhắn hoặc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng Internet nhưng không có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối của người nhận; Gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.

Ngoài ra, Nghị định 14/2022/NĐ-CP còn tăng mức xử phạt với hành vi sử dụng trái phép thông tin người khác.

Cụ thể, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Trước đó, những hành vi này chỉ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Phạt đến 30 triệu đồng đối với hành vi mạo danh nhà báo, phóng viên

Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, trong đó quy định hành vi mạo danh nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, thay vì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng được quy định trước đó.

Ngoài ra, tại điểm d khoản 9 Điều 2 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Trước đây, đối với hành vi đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên thì tổ chức có thể bị phạt đến 60 triệu đồng; cá nhân có thể bị phạt đến 30 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 14/2022/NĐ-CP còn tăng mức phạt tiền đối với các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. Trước đây, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. Trước đây, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. Trước đây, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Lưu ý, mức phạt tiền trên là mức phạt tiền đối với tổ chức; mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức.