Rưng rưng ký ức "Xem phim cùng liệt sĩ” Thành cổ Quảng Trị

Còn gì xúc động hơn, khi tổ chức một buổi chiếu phim ngay tại nơi tưởng niệm về những ngày tháng trong lửa đạn chiến tranh, về những con người hy sinh vì nghĩa lớn, mà có những hàng ghế trang trọng dành riêng cho liệt sĩ!

Trào dâng cảm xúc trong buổi chiếu phim đặc biệt

“Xem phim cùng liệt sĩ là một câu chuyện có thật mà chúng tôi đã làm”, ông Nguyễn Hữu Thắng (nguyên Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Trị) chia sẻ.

Ông kể, tối 23/4/2012, cục Điện ảnh và sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Trị đã tổ chức khởi chiếu bộ phim “Mùi cỏ cháy” để “viếng” các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, 40 năm chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

“Nhân dịp chiếu phim kỷ niệm, phục vụ nhân dân và gợi nhớ lại một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng sự kiện 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, lại vừa đúng thời điểm bộ phim “Mùi cỏ cháy” vừa hoàn thành, nên chúng tôi đã quyết định tổ chức một buổi ra mắt phim đặc biệt ngay dưới chân Thành cổ. Bộ phim “Mùi cỏ cháy” tái hiện cuộc chiến đấu của bộ đội tại Thành cổ Quảng Trị, từ không gian, bối cảnh, đến các nhân vật, sự kiện diễn ra trong bộ phim đều đúng với những gì diễn ra ở Quảng Trị trong 81 ngày đêm chiến đấu quật cường ấy.

Chính vì vậy, chúng tôi muốn ra mắt bộ phim tại đây, chiếu phim để những linh hồn các liệt sĩ, những nhân vật có thật được tái hiện trong phim, có thể xem lại chính hình ảnh của mình thông qua diễn xuất của các diễn viên điện ảnh”, ông Nguyễn Hữu Thắng lý giải về ý tưởng đặc biệt này.

218760258-3109707242592511-8977852558159841358-n-1627238088.jpg
Buổi “xem phim cùng liệt sĩ” diễn ra vào đêm 23/4/2012. (Ảnh: Hồ Thanh Thoan).

Ngừng lại một lát, ông tiếp tục nhớ lại: “Điểm nhấn đặc biệt của buổi chiếu phim hôm đó là chúng tôi đã sắp xếp các hàng ghế trống ở phía trước, 40 ghế tượng trưng cho 40 năm kỷ niệm. Trên ghế, có chiếc mũ tai bèo vắt sau thành ghế, có một bó hoa và một ngọn nến đặt trên ghế. Khi phim bắt đầu chiếu, cũng là lúc chúng tôi thắp nến lên.

Những hàng ghế đầu tượng trưng cho chỗ ngồi của các liệt sĩ, đại diện cho các quân đoàn, sư đoạn, các lực lượng dân quân phục vụ chiến đấu đã hy sinh tại Thành cổ, bên dòng sông Thạch Hãn... Phía sau, là hàng ghế của đại biểu, hội cựu chiến binh và nhân dân cùng dõi theo bộ phim.

Trong ánh sáng lung linh của những ngọn nến, trong mùi thơm của hương trầm, màn hình được chiếu lên, hình ảnh trên đó rất sinh động, xúc động, cùng không gian tại đó tạo hiệu ứng làm cho cảm giác rất xúc động, rất đặc biệt trong buổi xem phim hôm đó. Mặc dù buổi công chiếu có hàng trăng người tham dự, nhưng lại diễn ra hết sức trật tự, những tình tiết, bối cảnh trong bộ phim diễn ra hết sức chân thực, như ký ức lịch sử 40 năm trước ùa về”.

Dù thời gian đã trôi qua gần 10 năm, trong đáy mắt của vị nguyên Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Trị như vẫn vẹn nguyên những hình ảnh của đêm đó: “Và việc bố trí các hàng ghế danh dự cho các liệt sĩ chính là một sáng tạo để ý nghĩa của bộ phim, ý nghĩa của buổi chiếu phim trong khuôn viên Thành cổ đó càng thêm đặc biệt, như một buổi chiếu phim dành cho liệt sĩ. Những hàng ghế tượng trưng đó như nhắc đến mấy vạn lính tân binh, bộ đội đã từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị và đặc biệt là trong 81 ngày đêm đó, đã có cả vạn người thương vong. Và trong bài thơ “Xem phim cùng liệt sĩ”, tôi viết: “...Đêm chiếu phim dành cho liệt sĩ - Không đủ ghế thì ngồi trên cỏ - 81 ngày đêm ghế nào cho đủ...” bởi sự thương vong là rất lớn.

219128116-3109707165925852-6827913799647154186-n-1627238030.jpg
Ai nấy đều tưởng tượng, các liệt sĩ như cùng ngồi xem lại những hình ảnh mà chính mình đã từng trải qua, được tái hiện trên màn hình. (Ảnh: Hồ Thanh Thoan).

Câu chuyện trên phim cũng rất thực, rất đời, từ chuyện bộ đội vượt sông Thạch Hãn ra sao, chiến đấu và hy sinh như thế nào, đến chuyện tình quân dân khăng khít, gắn bó, dân chiến đấu để bảo vệ thương binh, nuôi giấu bộ đội như thế nào..., đều được tái hiện.

Giữa khung cảnh ấy, mỗi người dõi theo bộ phim đều có thể tưởng tượng ra, các liệt sĩ cũng như đang có mặt và cùng chứng kiến những thước phim về chính bản thân mình năm xưa: “Những linh hồn xem phim - Thấy bóng mình lao trên màn ảnh”.

Bộ phim vụt tắt, những ngọn nến xung quanh bốn phía Thành cổ và nến trên 40 chiếc ghế như càng lung linh hơn, hầu như ai cũng rơi nước mắt. Mặc dù buổi chiếu phim đã kết thúc, nhưng không có ai vội ra về, ai nấy đều muốn nán lại để tiếp tục tưởng niệm trong một không khí hết sức xúc động”.

Giáo dục tri ân, đền ơn đáp nghĩa không chỉ ngày 27/7

Từ sau đêm đó, những hàng ghế danh dự đã được nhân rộng và trở thành truyền thống trong các hoạt động kỷ niệm, tri ân khác tại địa phương. Đó cũng là một trong những điểm nhấn của nhiều hoạt động tri ân sáng tạo, xúc động, có tính giáo dục và lan tỏa cao.

Ông Thắng cho biết: “Sau hiệu ứng của đêm chiếu phim, tất cả các hoạt động tri ân, đặc biệt là các hoạt động ở dãy Trường Sơn, ở sông Thạch Hãn, hay tại bất kỳ nghĩa trang, di tích lịch sử nào, hình ảnh những hàng ghế đầu đội mũ tai bèo, ba-lô, nến và hoa đều xuất hiện. Đó là tượng trưng cho những hàng ghế danh dự dành cho các liệt sĩ đã hy sinh cho mảnh đất này”.

Là người đã dành trọn vẹn tâm huyết cho những hoạt động văn hóa tại địa phương, ông Thắng xúc động bày tỏ: “Chiến tranh đã trôi qua nửa thế kỷ, nhưng cái giá và sự hy sinh của dân tộc, của cả một thế hệ đã đổ xuống để giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước, như vẫn luôn hiện hữu.

Ngay trên mảnh đất Quảng Trị này, đến bây giờ, hầu như tháng nào cũng tìm ra hài cốt liệt sĩ. Ở bất cứ nơi nào, trên núi rừng, ngoài khe suối cũng có thể gặp, người dân đi làm nương rẫy cũng gặp, thậm chí, đào dưới sân trường hay làm nhà... cũng tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Những liệt sĩ đã hy sinh cũng có gia đình, quê hương, thậm chí có cả phần mộ ở quê, nhưng hài cốt vẫn đang nằm lại ở đây... Điều đó cho thấy sự mất mát, hy sinh vô cùng to lớn.

134620362-2961169767446260-5018867885132677330-n-1627239395.jpg
Mặc dù đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Hữu Thắng vẫn luôn tham dự các hoạt động tri ân đến các thế hệ đi trước.

Hằng năm, cứ đến những ngày kỷ niệm như 27/7, 30/4, rất đông người dân và các cựu chiến binh trên cả nước lại tụ về đây, như một “điểm hẹn”, cùng nghe lại những câu chuyện, tìm lại những ký ức... khiến ai nấy rưng rưng”.

“Không chỉ riêng thế hệ mình, mà còn cả những thế hệ sau, cũng đều mang ơn thế hệ đã ngã xuống. Và chúng ta càng phải biết, phải thấm thía cá giá của độc lập, tự do mà trân quý, mà giáo dục truyền thống, giáo dục tri ân, nhất là đối với lớp trẻ.

Đặc biệt, giáo dục tri ân, đền ơn đáp nghĩa phải được xem là việc làm thường xuyên, không chỉ riêng ngày 27/7, mà tất cả hoạt động trong đời sống hàng ngày cũng cần hướng đến những giá trị trương tự”, ông nhắn nhủ.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Bình (Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Những năm trước đó, các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ nhân dịp tri ân cũng được tổ chức thường xuyên. Những hàng ghế danh dự tượng trưng cho liệt sĩ trong buổi chiếu phim dưới chân Thành cổ Quảng Trị năm 2012 lần đầu tiên xuất hiện và cũng “mở màn” cho hình ảnh này trong các hoạt động tri ân khác về sau. Khi tổ chức các chương trình kỷ niệm vào các dịp lễ tại nghĩa trang, chúng tôi cũng sắp xếp những hàng ghế như vậy cho các anh hùng liệt sĩ. Chúng tôi đang có kế hoạch sẽ tổ chức chương trình tri ân quy mô lớn như thế vào năm sau, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị”.

(Ảnh: NVCC)

XEM PHIM CÙNG LIỆT SỸ

Đêm hôm ấy trong lòng Thành cổ
Có một buổi chiếu phim
Màn hình được dựng lên
Dưới chân đài tưởng niệm

Những hàng ghế nối dài, yên lặng
Mũ tai bèo vắt chéo sau lưng
Những ngọn nến lung linh
Hương trầm thơm gió thoảng
Không gian chìm vào dĩ vãng
Chỉ những linh hồn mới nhận biết nhau thôi

Về đây các anh ơi
Đêm chiếu phim dành cho Liệt sỹ
Không đủ ghế thì ngồi trên cỏ
81 ngày đêm ghế nào cho đủ
Buổi xem phim góp mặt mấy sư đoàn

Hàng ghế này chốt thép Long Quang
Hàng ghế này Nhan Biều, Bến Vượt
Hàng ghế này... tên không nhớ được
Lính vào thành chưa kịp nhận mặt nhau

Đồng đội ơi, ở đâu
Sư 320 hay Trung đoàn 27
K10 đặc công hay mật danh Triệu Hải
Lính sinh viên mới được tăng cường...
Tất cả hướng lên màn hình
Bộ phim MÙI CỎ CHÁY
Nhân vật trong phim cũng là lính đấy
Những binh nhì đang tuổi mộng mơ
Bom rơi dày như mưa
Đạn nhiều như vãi trấu
Gạch Cổ Thành đỏ bầm như máu
Thạch Hãn trôi áo mũ bập bềnh...

Những linh hồn xem phim
Thấy bóng mình lao trên màn ảnh
81 ngày đêm, hàng trăm trận đánh
Phim chỉ dài một tập thế thôi...

Buổi chiếu kết thúc rồi
Ánh sáng trên màn hình vụt tắt
Những ngọn nến vẫn đều tăm tắp
Sáng lung linh bốn phía tượng đài.
(Tác giả: Nguyễn Hữu Thắng).