Sa chân vào thế giới ảo, tiến sĩ kinh tế thành bệnh nhân tâm thần

Sử dụng điện thoại quá nhiều, nghiện Facebook, YouTube... một tiến sĩ kinh tế trở thành bệnh nhân tâm thần, phải nhập viện điều trị.

Ngồi trong phòng bệnh, anh N.T.Hoàng (43 tuổi, Hà Nội) bắt đầu la hét, mắt trợn ngược và co giật. Các bác sĩ bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Hà Nội) phải điều trị khẩn cấp cho anh. Sau tiêm thuốc, tinh thần dần ổn định, anh Hoàng ngồi ôm mặt khóc như trẻ con, miệng liên tục đòi mẹ. Bà V.T. Nhung, chạy lại ôm con, hai mẹ con khóc không thành tiếng.

Theo gia đình anh Hoàng, 3 năm trước, anh là tiến sĩ kinh tế một trường đại học danh giá. Vị trí của anh là trên giảng đường hoặc trong những buổi hội thảo chật kín người xem. Anh Hoàng có ngoại hình lại học thức cao, viên mãn với người vợ thảo hiền và hai con, một trai, một gái, cuộc sống của anh như mơ khiến bao người ngưỡng mộ.

Vậy mà giờ đây, anh phải điều trị trong viện tâm thần, xung quanh là những người điên.

Cú sốc không thể gượng dậy của cuộc đời anh Hoàng bắt đầu từ khi anh bị mất việc, phá sản do sự phản bội của những người bạn thân thiết. Từ người có địa vị anh trở thành người thất nghiệp.

Bản thân sống khép kín, anh Hoàng không chia sẻ câu chuyện này với ai, kể cả những người thân trong gia đình. Anh Hoàng quyết định bỏ nhà, vào Nam để thay đổi cuộc sống.

Thời điểm mới vào miền Nam, thú vui duy nhất của anh là những cuộc nhậu với bạn bè. Đêm về, một mình trong căn phòng lạnh lẽo, anh chỉ có điện thoại làm bạn. Những nội dung trên mạng xã hội hay YouTube khiến anh thích thú, khám phá, theo dõi ngày đêm.

 

Từ tiến sĩ kinh tế, anh Hoàng (phải) trở thành bệnh nhân tâm thần do nghiện Facebook, YouTube. (Ảnh:V.N)

Anh tham gia nhiều các nhóm trên Facebook, YouTube, sa đà vào những cuộc tranh cãi không có hồi kết. Càng tranh luận anh Hoàng càng say máu như con bạc. Có những ngày anh Hoàng gần như quên ăn, quên ngủ chỉ ngồi và bình luận trên mạng xã hội hoặc xem YouTube.

Ban đầu đó chỉ là những cuộc tranh luận bình thường, dần dần trở thành các cuộc mạt sát, hơn thua, thể hiện cái tôi cá nhân. Không giữ được bình tĩnh, có lần anh Hoàng còn tuyên bố sẽ đánh gãy chân một người không quen biết chỉ vì người đó có nhận định trái ý anh.

Không những vậy, anh Hoàng còn nghiện xem những nội dung đồi trụy, bệnh hoạn trên mạng xã hội khiến đầu óc anh ngày càng mụ mị, sức khỏe suy giảm.

Bẵng đi một năm, thấy anh Hoàng ít gọi về nhà, gia đình lo lắng liền vào Nam tìm gặp anh. Thái độ anh Hoàng thay đổi, cục tính, dọa đánh cả vợ.

Chị M.T.Hiền, vợ anh Hoàng, ôm con, đứng khóc nhìn chồng. Chị Hiền nhận thấy tính nết chồng khác lạ. Chị thấy, anh Hoàng chủ yếu lên mạng xã hội hoặc xem các kênh YouTube có nội dung chính trị sai trái, anh có tư tưởng cực đoan, chửi tục rất nhiều.

Cho rằng chồng gặp áp lực về tâm lý nên nóng giận, chị Hiền liền nhẹ nhàng khuyên chồng bớt lên mạng xã hội, nhưng anh Hoàng nổi đóa: "Cô không đủ tư cách để quản tôi". Nghe vậy, chị Hiền liền ôm con bỏ về Hà Nội.

Anh Hoàng mặc kệ vợ con và tiếp tục lao vào cuộc tranh luận không hồi kết trên mạng xã hội. Khoảng nửa năm sau đó, anh Hoàng bắt đầu xuất hiện ảo giác, mất ngủ và co giật. Phát hiện ra bệnh tình của anh, vợ và mẹ anh tức tốc đưa anh đi thăm khám tại một trung tâm tâm thần tại TP.HCM.

Bác sĩ kết luận, anh Hoàng có dấu hiệu trầm cảm nặng cộng với việc sử dụng điện thoại quá độ dẫn đến biểu hiện co giật phân ly và khuyên gia đình nên đưa anh Hoàng vào viện điều trị nếu không sẽ vô phương cứu chữa.

Bà Nhung, mẹ anh Hoàng quyết đưa con trai ra Hà Nội. Trên chuyến bay khởi hành từ TP.HCM về Hà Nội ngày hôm ấy, anh Hoàng như người mất hồn, thi thoảng nói mê sảng, cứ đòi chém chém, giết giết.

Mong ước của gia đình anh là con trai trở lại như ban đầu. (Ảnh: V.N)

Chị Hiền khóc cạn nước mắt nhìn chồng vừa thương, vừa tội. Chị dằn vặt bản thân, nếu chịu tìm hiểu kỹ và cảm thông với anh thì có lẽ anh không ra cơ sự này.

“Một chiếc điện thoại vô cảm làm sao có thể thay thế được tình cảm của người thân với mình. Vậy mà chúng tôi lại để mặc anh ấy chìm dần không thể quay đầu lại”, chị Hiền nói.

Năm 2019, trên chiếc xe từ nhà đến bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, anh Hoàng lặng lẽ chào tạm biệt từng góc phố, quán xá thân quen của thế giới người tỉnh, để bước vào cuộc hành trình tìm lại chính mình.

Nửa tỉnh, nửa mê, anh Hoàng tự vấn: "Tôi điên thật rồi sao? Tại sao tôi phải vào nơi này?". Cuộc giằng xé nội tâm khiến anh Hoàng sống không bằng chết.

Để điều trị bệnh, việc đầu tiên anh phải làm là bỏ thói quen sử dụng điện thoại. Ban đầu anh ra sức chống đối, dùng đủ chiêu trò để được xài điện thoại. Không xin được bác sĩ, anh quay sang ăn vạ. Ăn vạ không xong anh quay sang phá phách.

Cứ như vậy, tình trạng diễn ra trong nhiều tháng. Cuối cùng nhờ sự kiên trì của các bác sĩ và gia đình, anh L. cũng cắt được cơn nghiện điện thoại, mạng xã hội. Bây giờ việc cần làm là điều trị tinh thần của anh trở lại bình thường, vì anh bị trầm cảm nặng.

Các bác sĩ giải thích, trường hợp của anh Hoàng, nghiện điện thoại không phải là nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm, nhưng nó được coi như chất xúc tác. Sử dụng điện thoại nhiều khiến sức khỏe giảm sút, tinh thần mệt mỏi, đầu óc căng thẳng. Lâu dần những nguy cơ này tích tụ lại cộng hưởng nhiều yếu tố sinh ra chứng trầm cảm.

Ngồi ôm con vào lòng, bà Nhung mắt hướng ra cửa phòng bệnh. Gần một năm điều trị, sức khỏe và tinh thần của anh Hoàng tốt hơn trước.

Nhưng làm thế nào để đứa con bà rất đỗi tự hào có thể quay trở về bình thường như xưa? Nghĩ đến đây bà Nhung ngân ngấn nước mắt.

“Nếu thời gian quay trở lại tôi ước có thể ôm con những ngày Hoàng vào miền Nam. Tôi và gia đình bỏ mặc nó tự xoay sở một mình. Con tôi hiện giờ quên mất mình là ai, đến bố mẹ con cái cũng không nhận ra. Là người làm mẹ tôi đau lòng hơn ai hết”, bà Nhung nghẹn ngào.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.