Ngày 6/1/2021, những người ủng hộ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biểu tình đến toà nhà Quốc hội liên bang - Điện Capitol - để phản đối kết quả cuộc bầu cử tháng 11/2020. Rất nhanh sau đó, đám đông quá khích đã vượt qua rào chắn, tràn vào bên trong Điện Capitol, nơi các nghị sĩ lưỡng đảng làm việc để đập phá và cản trở cuộc họp. Vụ việc này 6/1 đã gây chấn động và được ví là "ngày đen tối" của Mỹ.
Truyền thông nhận xét, cuộc biểu tình bạo loạn trên đã gây ra một vết thương chính trị sâu sắc, một vết thương sẽ phải tốn rất nhiều thời gian mới có thể lành lại. Đến nay, đã 1 năm trôi qua kể từ "ngày đen tối" ấy nhưng những dấu vết của cuộc biểu tình bạo loạn ngày 6/1 vẫn còn hiện hữu trong Điện Capitol.
Rõ ràng nhất chính là những dấu hiệu an ninh được nâng cao ở khắp mọi nơi bên trong toà nhà, từ lá chắn chống bạo động của cảnh sát đặt gần cửa ra vào cho đến máy dò kim loại bên ngoài phòng Dân biểu.
Dù hàng rào chống bạo bên ngoài Điện Capitol đã được hạ xuống vào tháng 7/2021 và hàng nghìn binh sĩ Vệ binh Quốc gia đã được trở về nhà nhưng lực lượng cảnh sát Điện Capitol đang được triển khai đông đảo hơn và được trang bị vũ trang nhiều hơn hẳn so với trước đây. Cảnh sát Điện Capitol có mặt ở mọi nơi trong toà nhà và các thiết bị phòng thủ vẫn còn được duy trì, một số rào chắn đến này vẫn đang được dựng tại một số địa điểm.
Trong quá khứ, Điện Capitol từng đón khách tới thăm, trung bình khoảng 2,5 triệu du khách mỗi năm. Nhưng giờ đây, hành lang toà nhà trống trải, hầu hết những người được vào khu phức hợp bên trong Điện Capitol phải là thành viên Quốc hội hoặc có ID nhân viên.
Quốc hội đã thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng trị giá 2,1 tỷ USD vào tháng 7. Trong đó, dự luật cung cấp 100 triệu USD cho lực lượng Cảnh sát Capitol; 300 triệu USD cho các biện pháp an ninh mới và hơn 1 tỷ USD cho Lầu Năm Góc, với 500 triệu USD dành cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia, những người đã cạn kiệt quỹ tăng cường an ninh sau cuộc bạo động.
Cảnh sát trưởng Điện Capitol Thomas Manger đã được thuê để cải tổ lực lượng sau vụ tấn công. Trao đổi với Reuters ngày 5/1 (giờ địa phương), ông thừa nhận rằng có nhiều thiết bị an ninh hơn đã được lắp đặt xung quanh Điện Capitol.
Ông Manger chia sẻ: "Tôi chắc chắn rằng nếu bạn đi bộ xung quanh khuôn viên toà nhà, sẽ có lúc bạn đi qua những cánh cửa và trông thấy có rất nhiều lá chắn dựng ở đó. Chúng tôi quyết định đặt những thiết bị này quanh khuôn viên toà nhà để có thể sử dụng ngay khi chúng tôi cần đến".
Ông Manger cho biết Cảnh sát Capitol với tư cách là một tổ chức mạnh hơn và được chuẩn bị tốt hơn bây giờ so với trước khi xảy ra bạo loạn và đã làm việc để khắc phục những vấn đề về khả năng lãnh đạo, tình báo và lập kế hoạch.
Khoảng 140 sĩ quan cảnh sát đã bị thương khi những người ủng hộ ông Trump xông vào tòa nhà hồi năm ngoái để cố gắng ngăn Quốc hội chính thức xác nhận chiến thắng của ông Joe BIden trong cuộc bầu cử năm 2020. Những người biểu tình đã đụng độ và chiến đấu với cảnh sát trong nhiều giờ, đập vỡ cửa sổ, khiến các nhà lập pháp và nhân viên của họ phải sơ tán khẩn cấp.
Một sĩ quan cảnh sát chống bạo động đã tử vong một ngày sau vụ tấn công và 4 người bảo vệ Điện Capitol sau đó đã tự sát vì tổn thương tâm lý nặng nề. Bốn người biểu tình bạo loạn cũng thiệt mạng, trong đó có 1 phụ nữ bị cảnh sát bắn khi cố gắng trèo qua cửa sổ vỡ ở bên trong Điện Capitol.
Reuters cho biết an ninh sẽ được thắt chặt hơn tại Điện Capitol vào ngày 6/1 nhân kỷ niệm 1 năm ngày diễn ra cuộc biểu tình bạo loạn. Theo đó, cả Hạ viện và Thượng viện đều đang lên kế hoạch cho các sự kiện đánh dấu lễ kỷ niệm này và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Điện Capitol.