Theanh28 Entertainment kinh doanh trồi sụt
Những năm gần đây, các dịch vụ truyền thông số tại Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, từ các nền tảng mạng xã hội, dịch vụ trực tuyến, ứng dụng di động... Ngoài "ông lớn" như Yeah1 Group, lĩnh vực này đã xuất hiện thêm nhiều cái tên mới như: Theanh28, Schannel, G-group...
Dữ liệu doanh nghiệp cho thấy, CTCP Kênh 28 Entertainment (Theanh28 Entertainment) được thành lập từ ngày 11/5/2018 với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc là ông Nguyễn Văn Hưng.
Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp gồm ông Nguyễn Văn Hưng (sở hữu 40% vốn), ông Nguyễn Hoàng Long (30%) và ông Nguyễn Thế Anh (30%). Tới tháng 9/2019, công ty tăng vốn điều lệ lên 10 tỷ đồng và phát triển mạnh hệ sinh thái của mình với hàng chục công ty khác nhau.
Từ khi mới thành lập, Theanh28 Entertainment được định hướng trở thành công ty truyền thông và giải trí trong nhiều lĩnh vực, như: Quảng bá truyền thông cho sản phẩm, thương hiệu trên hệ thống Fanpage - Group Facebook và Youtube, Tiktok, quảng cáo qua người ảnh hưởng (KOLS), sản xuất Video viral với nội dung lan tỏa trên mạng xã hội...
Các nội dung mà Theanh28 Entertainment đưa lên các nền tảng xã hội của mình chủ yếu là các thông tin khai thác từ báo chí và mạng xã hội, sau đó tự biên tập lại để đưa lên các nền tảng mà doanh nghiệp quản lý theo dạng thông tin hoặc video.
Về tình hình tài chính, trong năm đầu hoạt động (2018), doanh thu của Kênh 28 Entertainment chỉ là 0 đồng. Năm này, công ty lỗ gần 700 nghìn đồng. Vì vậy, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của Kênh 28 Entertainment trong năm 2018 là 0 đồng.
Bước sang năm 2019, dù vốn góp tăng mạnh lên 10 tỷ đồng, công ty cũng chỉ kiếm được 2,6 tỷ đồng doanh thu. Nguyên nhân do giá vốn hàng bán và chi phí quản lý kinh doanh cao, Kênh 28 Entertainment lỗ khoảng 294 triệu đồng.
Năm 2020, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty tăng 6,3 tỷ đồng lên 8,9 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí kinh doanh cũng tăng từ 1,2 tỷ đồng lên 2,6 tỷ đồng. Dù vậy, 2020 cũng là năm đầu tiên Kênh 28 Entertainment có lợi nhuận với khoản lãi trước thuế khiêm tốn, chỉ 344 triệu đồng.
Đến năm 2021 và 2022, doanh thu Theanh28 Entertainment lần lượt đạt 15,5 tỷ đồng và 27,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ năm 2021 là công ty báo lãi trước thuế 1,6 tỷ đồng, sau đó lỗ khoảng 734 triệu đồng trước thuế vào năm 2022.
Schannel báo lãi mỏng, vay nợ tăng cao
Một “đế chế” truyền thông khác đang nổi lên trong những năm gần đây là Schannel. Doanh nghiệp được đặt dưới sự quản lý của CTCP Dịch vụ Quảng cáo và Truyền thông Schannel, thành lập từ năm 2020. Doanh nghiệp có địa chỉ tại 269/2 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Theo dữ liệu, vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức 1 tỷ đồng, được góp bởi 3 cá nhân là bà Võ Hiền Quỳnh Chi (nắm 79% vốn); ông Nguyễn Lạc Huy (nắm 20% vốn) và ông Nguyễn Hoàng Vũ (nắm 1% vốn). Ông Nguyễn Lạc Huy (sinh năm 1991) cũng là pháp nhân đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc của Schannel trong nhiều năm qua.
Năm 2022, Schannel ghi nhận doanh thu hơn 20,53 tỷ đồng, nhưng báo lãi chỉ gần 400 triệu.
Đến năm 2023, con số doanh thu tăng trưởng đột biến lên 33,3 tỷ. Sau khi trừ đi chi phí giá vốn thì doanh nghiệp ghi nhận lãi gộp trong năm 2023 ở mức 32,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng đáng kể. Theo đó chi phí bán hàng năm 2023 chiếm 25,4 tỷ đồng, tăng 46%; chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 6 tỷ, gấp 3 lần năm trước đó.
Trừ thuế và các chi phí khác, Schannel báo lãi ròng năm 2023 hơn 1 tỷ đồng, biên lãi ròng chỉ ở mức 2%.
Tính đến ngày 31/12/2023, tài sản của Schannel gấp 2 lần so đầu năm, lên mức 23,4 tỷ đồng, đa số là tài sản ngắn hạn. Nổi bật là sự tăng mạnh từ khoản phải thu ngắn hạn từ 7,4 tỷ đồng lên 13,6 tỷ đồng, chiếm đến 58% tài sản.
Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm 6,7 tỷ đồng (trong khi đầu năm chỉ 2,8 tỷ đồng), phải thu về cho vay ngắn hạn 6,2 tỷ đồng (đầu năm là 4 tỷ đồng).
Nợ phải trả của Schannel tại thời điểm cuối năm 2023 ghi nhận gấp đôi so đầu năm lên mức 20,8 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Schannel là 8,2 lần.
Được biết, tại ngày cuối năm 2023, Schannel còn nợ người lao động 5,14 tỷ đồng; bên cạnh đó doanh nghiệp nợ Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 1,35 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Schannel đã chi hơn 16,65 tỷ đồng trả cho người lao động, con số này tăng mạnh hơn so với năm trước đó chỉ hơn 9,9 tỷ đồng.
Mới đây Schanel còn gây chú ý khi lên tiếng xin lỗi về những ồn ào xoay quanh chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Theo thông tin, Schannel là một đối tác truyền thông với Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai trong năm 2024. Trước đó, trên mạng xã hội rầm rộ ý kiến "tấn công" Schannel cho rằng đơn vị chưa làm tròn trách nhiệm đối tác truyền thông. Đó cũng chính là lý do khiến đơn vị này phải công khai xin lỗi.
Một cái tên nổi tiếng khác trong làng truyền thông là G-Group cũng gây nhiều chú ý khi nắm trong tay 11 công ty thành viên trong đó có VSEC, Ginnovations, Tima, GTV, BeatVN, Gpay, Quỹ đầu tư G-Capital…
Tiền thân của G-Group là Công ty CP Tập đoàn Gplay, thành lập ngày 8/1/2016. Trụ sở doanh nghiệp nằm tại P 207-01, tầng M, toà nhà N01A-Golden Land, 275 Nguyễn Trãi, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 30 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: ông Phùng Tuấn Anh góp 26,1 tỷ đồng (87%), Bùi Tiến Thành góp 1,5 tỷ đồng (5%), cổ đông Tô Đại Phong góp 1,5 tỷ đồng (5%), cổ đông Nguyễn Minh Đức góp 900 triệu đồng (3%).
Một số dữ liệu tài chính cho thấy, giai đoạn năm 2016 - 2017, công ty này ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt khoảng 444 triệu đồng và 6 tỷ đồng, báo lỗ thuần ở mức khoảng 1 tỷ đồng và 720 triệu đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của G-Group đạt 32,6 tỷ đồn; lỗ thuần cũng tăng lên 5,3 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 1,88 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của G-Group đạt 239,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 152,1 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 4 lần và 2,7 lần so với thời điểm đầu năm, tăng trưởng mạnh về người dùng và doanh thu, tuy nhiên công ty vẫn báo lỗ.
Tương tự G-Group, các công ty thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn này cũng có kết quả kinh doanh khá tương đồng, đều có sự trưởng mạnh về người dùng và doanh thu nhưng thường xuyên thua lỗ.