Tại sao ung thư dạ dày đặc biệt phổ biến ở châu Á? Lý do đáng sợ nằm ở cách ăn này, người Việt rất chuộng

CTV
Những thói quen ăn uống hàng ngày là nguyên nhân chính khiến cho các nước châu Á có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn các quốc gia châu Âu.

Trên toàn cầu, ung thư dạ dày là một mối quan tâm lớn về sức khỏe. Đây là bệnh ác tính phổ biến thứ năm và là nguyên nhân thứ ba gây tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới.

Ung thư dạ dày hầu như đã biến mất ở phương Tây nhưng lại là căn bệnh phổ biến ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày nhất.

Trong đó, Hàn Quốc có tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày đứng đầu thế giới, một nửa số trường hợp ung thư dạ dày trên toàn thế giới xảy ra ở Trung Quốc và đây là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tại Mỹ, ung thư dạ dày chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng số ca ung thư mới được chẩn đoán mỗi năm.

Ở các nước Âu Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày rất thấp, không nằm trong top 10. Nó được coi là một loại ung thư tương đối hiếm gặp. Điều này có liên quan nhiều tới thói quen ăn uống và cách nấu nướng của người dân châu Á. 

1. Ăn uống chung

Viện sĩ Li Zhaoshen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng bệnh tiêu hóa Trung Quốc tin rằng: "Ung thư dạ dày thực chất là một quá trình từ viêm nhiễm đến ung thư. Viêm nhiễm phần lớn là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp). 

Helicobacter pylori là tác nhân gây ung thư loại I được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận, nó có thể gây viêm dạ dày mãn tính, loét dạ dày tá tràng và các bệnh dạ dày khác khi ký sinh trong dạ dày, đồng thời có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên gần 6 lần. 

Do vi khuẩn Hp có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm dạ dày mạn tính, nếu không được điều trị kịp thời sẽ tiến triển thành viêm teo dạ dày mạn tính, sau đó gây biến chất ruột, loạn sản và cuối cùng phát triển thành ung thư dạ dày. Thống kê có liên quan chỉ ra rằng hơn 60% bệnh ung thư dạ dày trên thế giới là do nhiễm vi khuẩn Hp.

Vậy tại sao ở một số nước châu Á, vi khuẩn Hp lại hoạt động mạnh đến vậy? Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những quốc gia phổ biến văn hóa ăn uống chung, điều này đã dẫn đến việc vi khuẩn Hp dễ bị lây nhiễm. Các thành viên trong một gia đình tuy có bát đũa riêng nhưng lại dùng chung bát nước chấm, đĩa thức ăn hoặc gắp, đút thức ăn cho nhau, điều đó có thể khiến nước bọt chứa vi khuẩn Hp bị lây lan và xảy ra nhiễm trùng chéo.

2. Ăn đồ chiên rán nhiều

Mới đây, các nhà khoa học từ Đại học Hoseo (Hàn Quốc) và Viện Khoa học công nghệ Sơn Tây (Trung Quốc) đã phân tích bộ dữ liệu được thu thập bởi nhiều chiến dịch lớn ở Trung Quốc và Hàn Quốc, và phát hiện ra chính cách nấu nướng của người châu Á là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. 

Nhóm nghiên cứu đã chứng minh tỉ lệ ung thư dạ dày tăng rõ rệt đối với những người ăn đồ chiên nhiều. Lý do là trong thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao như chiên và nướng có chứa lượng lớn nitrat. Đó là thứ đã được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư.

Ngay cả với rau củ, thực phẩm vốn được xem lành mạnh nếu đem chiên sẽ làm tăng lượng nitrat từ 12-29%, trong khi nếu luộc sẽ làm giảm hàm lượng nitrat tự nhiên từ 47-59%.

Đặc biệt nhiều gia đình có thói quen tái sử dụng dầu chiên. Dầu bị tái sử dụng 4 lần dẫn đến nguy cơ ung thư đường tiêu hóa nói chung tăng gấp 4 lần.

Các món chiên không chỉ phổ biến trong các bữa ăn chính của người châu Á mà ngay cả những bữa ăn giữa giờ hay trái giờ như ăn đêm, họ cũng sử dụng đồ chiên. 

"Do khó khăn thực tế trong việc loại bỏ hoàn toàn thực phẩm chiên ra khỏi chế độ ăn, chúng tôi khuyên bạn nên giảm số lần ăn hoặc giới hạn số lượng trong mỗi khẩu phần, bên cạnh việc tránh chiên và nấu ở nhiệt độ quá cao" - các tác giả của nhóm nghiên cứu viết trong bài đăng trên Nutrients.

3. Chế độ ăn nhiều muối và đồ nướng

Ăn quá nhiều muối có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây ra các bệnh về dạ dày, thúc đẩy quá trình ung thư dạ dày. Nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thích ăn các loại thực phẩm ngâm chua và nhiều muối như dưa chua, kim chi, cá muối, thịt lợn muối,... Người Nhật đặc biệt có thói quen ướp muối vào đồ ăn, ngay cả món súp miso phổ biến trong bữa ăn hàng ngày cũng chứa không ít muối.

Những thực phẩm này không chỉ chứa nhiều muối mà trong quá trình sản xuất còn sinh ra nitrit, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Bên cạnh đó, ăn mặn có thể tăng nguy cơ ung thư dạ dày vì làm vi khuẩn Hp phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.

Ngoài ra, nhiều người Trung Quốc và ngay cả Việt Nam có sở thích ăn thịt xiên nướng, nhiều người Hàn Quốc cũng thích thịt nướng, nhưng thịt nướng dễ sinh ra hai chất gây ung thư là benzopyrene và heterocyclic amines, ăn lâu dài sẽ tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Ăn nhiều muối và tiếp xúc với các hợp chất N-nitroso đều làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày ở những người bị nhiễm Hp. 

4. Uống nhiều rượu trắng nồng độ cồn cao 

Một số nước châu Á có sở thích uống rượu trắng với nồng độ cồn khá cao. Rượu có thể gây hại cho gan và dạ dày, nhưng người châu Á lại càng gây hại nghiêm trọng hơn.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Tokyo (Nhật Bản) chỉ ra rằng người châu Á không thích hợp uống rượu vì phần lớn họ có đột biến gen ALDH2, không chỉ dễ khiến họ đỏ mặt sau khi uống rượu mà còn ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa rượu của cơ thể, khiến rượu khó chuyển hóa và nằm lâu trong dạ dày.

Do đó khiến những người uống rượu thường xuyên có nhiều khả năng mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính. Và cuối cùng, qua nhiều năm tiếp xúc lặp đi lặp lại, những bệnh nhân này có xu hướng tăng tỷ lệ mắc ung thư dạ dày.