Dân than trời vì nước quá bẩn
Ghi nhận của PV qua phản ánh của các hộ dân một số xã Vũ Công, Vũ Bình,… đến Người Đưa Tin Pháp luật, họ đã phải dùng nước có mùi tanh hôi và đục trong thời gian dài mà các đơn vị có trách nhiệm không giải quyết.
Chị Phạm Thị Lụa (xã Vũ Bình) cho biết: Khu vực chị sinh sống thường xuyên xảy ra tình trạng không có nước sinh hoạt để sử dụng. Nhiều hôm có nước thì nước lại bị vẩn đục, bị nhiễm mặn, áp suất nước yếu nên không thể sử dụng trực tiếp.
Tương tự gia đình anh Vũ Duy Đoàn (thôn Trà Vy Nam, xã Vũ Công) bức xúc cho biết: Tình trạng mất nước, nước vẩn đục này xảy ra từ đã lâu, gia đình anh đã phản ánh lên chính quyền địa phương, đến công ty cấp nước sạch, tuy nhiên vụ việc vẫn không được giải quyết.
“Mỗi lần bơm ra đều rất đục như màu gạch cua và có mùi tanh hôi, nên phải đổ đi. Nước cứ xả rồi đổ đi, tốn rất nhiều, tiền nước tăng vù vù. Kêu thì không ai giải quyết cho”, anh Đoàn nói.
Nghiêm trọng hơn, nước bẩn còn ảnh hưởng đến sinh hoạt của cả cô và trò trường mầm non Vũ Công. Tại trường có những học sinh ăn bán trú, nguồn nước sạch bị ô nhiễm, nhà trường đã phải dùng biện pháp mua phèn về khử cùng với đó là 2-3 ngày thau bể một lần. “Sau dịch Covid-19, các con quay lại trường học, tuy nhiên tình trạng mất nước thời gian gần đây diễn ra thường xuyên, khiến nhà trường phải mua nước bình ở ngoài rất tốn kém. Tôi đề nghị chính quyền có thể vào cuộc giải quyết vụ việc nhanh chóng giúp người dân. Nhu cầu sử dụng tại trường mầm non rất lớn, mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh của các con đều tại trường, nên lượng nước sử dụng rất lớn. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì rất đáng lo ngại”, cô Nguyễn Thị Nga nói với PV.
Chính quyền bất lực… Công ty bảo do sự cố
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Anh Phương, Chủ tịch UBND xã Vũ Công. Ông Phương xác nhận trên địa bàn vừa qua có xảy ra tình trạng nước sạch do công ty Bitexco Nam Long cung cấp bị nhiễm bẩn nghiêm trọng, áp lực nước yếu và đặc biệt là tình trạng hàng trăm hộ dân không có nước sạch để sử dụng hơn 1 tháng nay.
"Tuy nhiên, sau khi bàn giao lại dự án từ năm 2014, chính quyền không phải là đơn vị chủ quản mà chỉ là đại diện hợp pháp của người dân nên không thể tham gia ý kiến về việc này", ông Phương thông tin.
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Vũ Đức Thắng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long giải thích: Nước bẩn tại các xã thuộc huyện Kiến Hưng là do sự cố nhà máy thủy điện sông Đà xả đáy, nên đơn vị xử lý không kịp và mực nước thấp đi nên mới để xảy ra tình trạng mất nước. “Công ty chúng tôi đã cho xử lý sự cố ngay, hiện tại nước đã ổn định trở lại, chúng tôi đã có lắp thêm hệ thống máy lọc” – Ông Thắng cho hay.
Tuy nhiên, PV đặt thêm câu hỏi rằng hiện tại vẫn còn nhiều hộ dân vẫn xảy ra tình trạng nước đục và có cặn, vị đại diện công ty lý do thêm rằng do các địa phương làm đường nên vỡ đường ống, công ty đang cho người đi sửa chữa, và tìm biện pháp khắc phục ngay.
Trả lời PV, ông Phạm Văn Dụng, Giám sở NN&PTNT Thái Bình cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc mất nước, đơn vị đã trực tiếp xuống nhà máy xử lý nước của công ty Bitexco Nam Long. Phía Sở đã yêu cầu công ty này phải có biện pháp trước mắt là đóng mở các van nước của những hộ dân ở cuối đường ống, mặc dù trước kia đã nâng đường ống lên tuy nhiên áp suất vẫn nhỏ, áp lực yếu. Trước kia, quy mô của trạm chỉ phục vụ cho 2 xã, tuy nhiên Sở đã đề xuất nâng lên 5 xã nên việc đáp ứng có phần quá tải.
“Vê biện pháp lâu dài, chúng tôi đang đề nghị cấp trên nâng công suất của trạm lên 2.300m3, đến 20/7 công ty phải hoàn thiện việc này. Chúng tôi đã trình văn bản lên UBND tỉnh nhưng vẫn chưa nhận được phản hổi”, ông Dụng nói.
Về việc nước bị vẩn đục, ông Dụng cho biết, khi đi kiểm tra, đơn vị không ghi nhận được tình trạng vẩn đục, chỉ có việc mất nước.
Cần đảm bảo quyền lợi của người dân
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng tổng cục Môi trường cho biết: Vấn đề nước sinh hoạt tại nông thôn hiện nay có đơn vị cung cấp nước sạch cho các hộ dân quản lý, có nhiều nơi dự án nước sạch thuộc sở NN&PTNT hoặc do chính quyền quản lý.
“Tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay rất phổ biến, người dân phản ánh nhiều những vẫn không nhận được lời giải đáp hợp lý. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đồng hành cùng người dân trong việc tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm nguồn nước. Kể cả khi dự án này không thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương thì với vai trò quản lý Nhà nước ở địa phương, chính quyền cũng cần lên tiếng vì quyền lợi của người dân”, ông Hoàng Dương Tùng cho hay.
Ngoài ra, ông Tùng nhận định: Người dân đang sử dụng dịch vụ thông qua hợp đồng với đơn vị cung cấp nước, nếu nước sạch không đảm bảo vệ sinh thì họ có quyền khởi kiện.
LÊ LIÊN - NGUYỄN LÂM