Thêm 6 người ở Tây Ninh bị ngộ độc khi ăn nấm rừng

Các nạn nhân vào rừng hái nấm trứng gà, trứng ngỗng về ăn. Trong quá trình hái có xen lẫn vài loại nấm có màu đen xám không rõ tên, có hình dáng tương đương.

Mới đây, bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận 6 trường hợp ngộ độc thực phẩm nghi do ăn nấm rừng.

Các nạn nhân đều ngụ xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, gồm: H. (31 tuổi), T. (35 tuổi), B. (42 tuổi), L. (28 tuổi), T. (26 tuổi) và G. (64 tuổi).

Thông tin ban đầu, ngày 6/6, các nạn nhân đã vào rừng trên địa bàn huyện Dương Minh Châu hái nấm trứng gà, trứng ngỗng, trong đó có cả loại nấm có màu đen xám (không rõ chủng loại), rồi chế biến cho gia đình, bạn bè cùng ăn. Đến khoảng 1h ngày 7/6, các trường hợp trên xuất hiện dấu hiệu nôn ói, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy nhiều lần nên gia đình đưa vào trung tâm y tế huyện cấp cứu, hiện sức khỏe 6 người đã ổn định, trong đó có 2 người được cho về nhà theo dõi.

Ngày 8/6, TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, 3 trường hợp ngộ độc nấm chuyển từ Tây Ninh lên là người trong một gia đình (gồm chồng, vợ và con gái); trong đó người chồng là anh C.H.H. (44 tuổi) đã tử vong, người vợ là chị Kh.T.H.T. (44 tuổi) đang nguy kịch.

Trước đó, ngày 7/6 cũng có 3 trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn nấm rừng (chưa rõ chủng loại) xảy ra trên địa bàn xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Cả 3 người có triệu chứng nôn ói nên tự mua thuốc uống nhưng không bớt nên được người thân đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cách xử trí khi bị ngộ độc nấm

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm, phải gây nôn cho bệnh nhân rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời: rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm. Những người cùng ăn nấm cũng cần được đưa đên cơ sở y tế dù chưa có triệu chứng.

Khi tới bệnh viện, người dân cần mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại để sơ bộ xác định loài nấm.

Lưu ý, cần xác định thời gian từ lúc ăn nấm tới khi bắt đầu có triệu chứng ngộ độc. Nếu dưới 6 tiếng, người dân có thể điều trị ở y tế cơ sở. Tuy nhiên nếu hơn 6 tiếng, bệnh nhân cần được chuyển ngay lên bệnh viện tuyến tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu.

Để tránh bị ngộ độc nấm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc. Chỉ sử dụng nấm khi biết chắc chắn đó là loại ăn được.

Bên cạnh đó, không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc.

Những cây nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay bởi nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Đặc biệt, không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.

Trúc Chi (theo Zing, SGGP)