“Sóng gió” năm Rồng dần qua
Khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm Giáp Thìn (24/01/2025), VN-Index dừng chân ở mức 1.265,05 điểm, tăng 5% so với mức 1.202,05 điểm ghi nhận phiên khai xuân (15/02/2024). Mức tăng khiêm tốn này phản ánh một thực tế rằng thị trường chứng khoán đã trải qua một năm đầy thách thức.
Khởi đầu với kỳ vọng về một năm “Rồng gặp Mây”nhưng thị trường chứng khoán không thể bứt phá mà liên tục “sideway”, cứ “bước tới nghìn ba là… mất đà”. Theo các chuyên gia, việc VN-Index mãi quanh quẩn ở vùng 1.200 điểm một phần bắt nguồn từ tính chu kỳ “nặng nề” của phần lớn các cổ phiếu niêm yết, mà điển hình là bất động sản – nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhưng đang chịu nhiều khó khăn. Cùng với đó là tính biến động mạnh khi cấu trúc thị trường có tới hơn 90% là nhà đầu tư các nhân, vốn rất dễ bị tác động về mặt tâm lý.
Từ bên ngoài, áp lực tỷ giá cùng xu hướng dòng vốn toàn cầu “chảy” về thị trường Mỹ kèm theo nỗi hụt hẫng khi thị trường tiếp tục trễ hẹn với câu chuyện nâng hạng, đã tạo nên đợt rút vốn mạnh khỏi Việt Nam. Năm Giáp Thìn, khoảng 3,5 tỷ USD đã bị khối ngoại rút ròng khỏi thị trường – con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Áp lực bán ròng từ khối ngoại khiến dòng tiền nội sau thời gian dài “gồng gánh” thị trường cũng trở nên “chán chường”. Thanh khoản thị trường chứng khoán liên tục suy kiệt. Phiên giao dịch mùng 10 tháng Chạp năm Giáp Thìn (9/1/2025), với tâm lý “nghỉ Tết sớm” của nhà đầu tư nội, khối lượng khớp lệnh trên cả ba sàn đạt 8.700 tỷ đồng, xuống mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm tính từ tháng 3/2023 (tức tháng 2 năm Quý Mão).
Dẫu vậy, ánh sáng đã ló dạng ngay trước thềm năm mới Ất Tỵ. Hai phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, VN-Index đã vượt qua đường xu hướng dài hạn, phát đi những tín hiệu tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản, cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong tâm lý của nhà đầu tư.
Nhìn lại, thị trường chứng khoán năm Giáp Thìn không chỉ phủ gam màu ảm đạm. Giới quan sát và phân tích đều thống nhất quan điểm rằng, Điểm sáng lớn nhất chính là những thay đổi trong khung pháp lý. Sự ra đời của Thông tư 68, Luật Chứng khoán sửa đổi và dự thảo Nghị định 155 là những cột mốc quan trọng, được đánh giá như động lực để thị trường tăng tốc. Các quy định mới này không chỉ tháo gỡ những rào cản lâu nay mà còn đặt nền móng cho sự minh bạch và vận hành hiệu quả của thị trường trong tương lai.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán năm Giáp Thìn không chỉ toàn những gam màu buồn. Dưới góc nhìn của TS. Hồ Sỹ Hoà, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty CP Chứng khoán DNSE năm 2024 là năm “bản lề” cho nâng hạng thị trường vào năm 2025, đánh dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Với sự ra đời của Thông tư 68, Luật Chứng khoán sửa đổi và dự thảo Nghị định 155, ngành Chúng khoán khép lại năm 2024 để lại dấu ấn như một năm “tăng tốc” trong việc điều chỉnh khung pháp lý, để thị trường chứng khoán bước vào năm 2025 kỳ vọng rực rỡ hơn.
Chờ đón sự “lột xác” trong năm Rắn
Bàn về triển vọng của thị trường chứng khoán năm Rắn, các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng câu chuyện nâng hạng là một trong những “chất xúc tác” quan trọng để thị trường “lột xác”, chuyển mình.
Theo ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank, thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay sẽ có bước ngoặt rất quan trọng về câu chuyện nâng hạng, qua đó hút được dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài và kích hoạt dòng tiền nội. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, VN-Index có thể chỉ mất khoảng 3 tháng để vượt qua mốc 1.300 điểm và chạm ngưỡng 1.400 điểm trong giai đoạn cuối năm 2025, đầu năm 2026 (tức là trong năm Ất Tỵ).
Tương tự, các chuyên gia từ Dragon Capital cũng đánh giá cao khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo dự báo, có đến 70% khả năng thị trường sẽ được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi vào tháng 3/2025. Khi việc nâng hạng trở thành hiện thực và hệ thống KRX chính thức đi vào hoạt động, thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới, tạo nền tảng tốt hơn cho sự phát triển.
Dựa trên các yếu tố này, Dragon Capital kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 15% - 17% theo kịch bản cơ sở. Ước tính, VN-Index có thể đạt vùng 1.414 - 1.439 điểm vào cuối năm. Trong bối cảnh đó, các ngành như ngân hàng, bán lẻ, thép và công nghiệp được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất, trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn.
TS. Hồ Sỹ Hoà từ công ty chứng khoán DNSE cho rằng nếu thị trường chứng khoán được FTSE Russell đánh giá tính cực dựa trên trải nghiệm của các nhà đầu tư quốc tế, khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam là khá cao. Khi đó, thị trường Việt Nam có thể “chào đón” sự trở lại của khối ngoại với khoảng 1 tỷ USD bị động và 5 tỷ USD từ quỹ đầu tư chủ động.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng nhấn mạnh rằng, năm 2025 vẫn sẽ là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán. Kinh tế thế giới bước vào một chu kỳ mới, với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ (giảm lãi suất), khi tân Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức. Điều này sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến các thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho hay, việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ làm tăng khả năng tiếp cận đối với nhóm nhà đầu tư nước ngoài, nâng quy mô thị trường và cơ cấu dòng vốn. Tuy nhiên, ngoài yếu tố nâng hạng, thị trường chứng khoán cũng sẽ chịu sự chi phối của các yếu tố vĩ mô khác như rủi ro xung đột, căng thẳng địa chính trị, các chính sách kinh tế mới của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, sự biến động mạnh của các thị trường đầu tư khác (vàng, tiền ảo,…) cũng như các chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam.
“Về lý thuyết, sự thay đổi đột ngột là hoàn toàn có thể, đặc biệt là khi một sự kiện “thiên nga đen” nào đó xảy ra trên thế giới hay tại Việt Nam, khiến xu thế tăng trưởng kinh tế đảo chiều hoặc sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, với trọng số là tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 duy trì ở mức 6,5 - 7%, theo tôi, xác suất thị trường đột ngột thay đổi xu hướng là không cao”, ông Hoàng đánh giá.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 7 - 7,5%, thậm chí cao hơn trong năm 2025, sẽ là bệ đỡ vững chắc cho thị trường chứng khoán phát triển.