Thiếu đơn hàng, sản xuất công nghiệp sụt giảm

Những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu đã phản chiếu khá rõ nét trong kết quả sản xuất công nghiệp quý I/2023.

Nhiều ngành chủ lực suy giảm

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 do Tổng cục Thống kê công bố, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,38%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm.

Tính chung quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

Trong đó, ngành khai khoáng giảm 4,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 2,8%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,3%), làm giảm 1,6 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8%), làm giảm 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,4%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất quý I/2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước, gồm: giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,5%; phương tiện vận tải khác giảm 11,9%; giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 10,3%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 8,7%; xe có động cơ giảm 8,2%; trang phục giảm 7,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 6,9%.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất của một số ngành tăng là đồ uống tăng 27,3%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 19,4%; khai thác quặng kim loại tăng 14%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,6%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 7,2%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước.

Một số địa phương có chỉ số sản xuất đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước như ô tô giảm 17,8%; thép thanh, thép góc giảm 15,8%; xe máy giảm 13,8%; linh kiện điện thoại giảm 13,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên và điện thoại di động cùng giảm 13,1%; quần áo mặc thường giảm 10,2%; xi măng giảm 9,9%; phân Urê giảm 6,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 6,1%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước: Bia tăng 27,8%; xăng, dầu tăng 20,6%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 10,8%; sắt, thép thô tăng 9,2%; đường kính tăng 6,6%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2023 tăng 20,9% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,6%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 4,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 17,7%). Tỉ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2023 là 81,1%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và giảm 1,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,3% và giảm 1,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1% và giảm 2,6%.

Loạt nguyên nhân tác động

Theo Tổng cục Thống kê, sự sụt giảm của sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm 2023 là do chịu tác động từ cả nguyên nhân bên trong và bên ngoài.

Cụ thể, cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng và logistics toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn chưa nới lỏng, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô - Thiếu đơn hàng, sản xuất công nghiệp sụt giảm

Nhiều nguyên nhân tiêu cực khiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2023 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn nữa, việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia có những mặt hàng xuất khẩu tương đồng, trong đó có Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, sức mua dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất. Sự thiếu hỗ trợ giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất hay liên kết giữa thị trường nội địa và khu vực sản xuất yếu.

Các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Sức ép lạm phát, lãi suất gia tăng cũng đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ. Mặt khác, thói quen tiêu dùng trong thời kỳ Covid-19 của một bộ phận người dân vẫn được duy trì đến thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình cũng giảm nhiều do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước Tết.