Bạn đọc hỏi:
Tôi năm nay 27 tuổi, hiện là giáo viên tại một trường dân lập tại Hà Nội tại. Vợ chồng tôi có 2 bé gái. Cháu lớn 5 tuổi, cháu nhỏ 4 tuổi.
Lương của tôi 13 triệu. Chồng tôi lương khoảng 17 triệu. Anh ấy muốn nuôi một đứa. Tôi không muốn chia cắt 2 đứa nhỏ. Tôi tự tin về khả năng kinh tế của mình. Tài sản chung cũng không có nhiều ngoài căn nhà đang ở.
Lương tôi đi làm đều chuyển khoản cho chồng giữ. Anh ấy chặt chẽ trong chi tiêu nhưng không đến nỗi bủn xỉn. Bình thường cũng chăm lo cho vợ con. Nhưng, tôi muốn ly hôn do chồng tôi rất vũ phu, thường đánh đập tôi mỗi khi tức giận.
Về tài sản, căn nhà chúng tôi đang ở là do anh ấy bỏ tiền một nửa, nửa còn lại là mẹ tôi vay cho. Bây giờ anh ta đòi đuổi tôi ra khỏi nhà. Tất cả thứ đồ anh mua, tôi không được dùng. Tôi thấy mệt mỏi quá vì công việc ở trường cũng rất áp lực.
Vì vậy, tôi muốn nhờ chuyên gia tư vấn các thủ tục pháp lý về hôn nhân để giành quyền nuôi 2 con. Tôi muốn giải quyết nhanh gọn. Rất mong nhận được lời tư vấn từ các chuyên gia để tôi có được hướng đi đúng ạ.
Luật sư trả lời:
Theo như câu hỏi của bạn thì có 3 vấn đề cần giải quyết:
1. Vấn đề ly hôn: Nếu cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được hoặc có một trong những căn cứ khác cho rằng cuộc hôn nhân không thể kéo dài thì Toà án sẽ xem xét và giải quyết cho ly hôn. Thủ tục ly hôn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ trong đó có:
- Đơn ly hôn (theo mẫu xin tại Toà)
- Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
- Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu
- Giấy khai sinh của con
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản.
Hồ sơ xin ly hôn nộp tại Toà án nhân dân quận, huyện nơi bị đơn có hộ khẩu thường trú hoặc cư trú
2. Về quyền nuôi con: Theo quy định khi ly hôn vợ chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thể thoả thuận được thì có thể yêu cầu Toà án xem xét quyết định. Theo Khoản 2, 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
- “2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- 3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, để giành quyền nuôi cả 2 con thì cần phải chứng minh với Tòa án khả năng của mình về việc có thể nuôi dưỡng và chăm sóc cả hai con như: tình hình sức khỏe, điều kiện về chỗ ở, việc làm, thu nhập hàng tháng, điều kiện chăm sóc, giáo dục…Bên cạnh đó, bạn cũng cần chứng minh được rằng người chồng không nuôi dạy con tốt vì không quan tâm, chăm sóc con, không có thời gian hoặc có những hành vi bạo lực….
Tòa án xem xét đến các yếu tố sau đây để đưa ra quyết định:
- Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên dành cho con, yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
- Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn… của cha mẹ.
3. Về chia tài sản khi ly hôn
Việc phân chia tài sản khi ly hôn được quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 theo đó việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được sẽ giải quyết theo quy định. Khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình quy định:
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Nếu sau khi ly hôn vợ chồng có tài sản chung nếu không có thỏa thuân thì tòa sẽ chia theo công sức đóng góp, tạo lập nên khối tài sản chung này, nếu không xác định được thì tòa án sẽ chia đôi.
Luật sư Hà Thị Lan Hương
(Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ)