Tiết giảm 7 lần chi phí bán hàng, Sao Ta vẫn kinh doanh đi lùi

6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Sao Ta đạt 2.041 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 128 tỷ; tương đương 34% kế hoạch doanh thu và 32% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN; HoSE: FMC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.032 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. 

Trong quý, giá vốn hàng bán của công ty có sự tiết giảm nhưng do mức giảm của doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp vẫn thấp hơn 47% so với quý II/2022, đạt 87 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sao Ta ghi nhận 11,9 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.

Sau thuế, công ty báo lãi 71 tỷ đồng, giảm 35% so với quý II/2022.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận trong quý giảm, Thực phẩm Sao Ta cho biết, chủ yếu là do sụt giảm về doanh số bán hàng. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Sao Ta đạt hơn 2.041 tỷ đồng, giảm 25%; lợi nhuận trước thuế đạt 128 tỷ, giảm hơn 21% so với cùng kỳ. 

Chi tiết hơn, doanh thu từ bán thủy sản vẫn chiếm đa số trong cơ cấu doanh thu với 1.955 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, doanh thu ở mảng này của Sao Ta đã giảm hơn 26%.

Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí trong nửa đầu năm 2023 đã phần đều được tiết giảm, đáng chú ý nhất là chi phí bán hàng. Theo đó, chi phí bán hàng trong 6 tháng đầu năm đạt 14 tỷ đồng, giảm tới 7 lần so với cùng kỳ.

Nguyên nhân giảm mạnh là do chi phí vận chuyển được tiết kiệm hơn 70%, còn 28 tỷ đồng; chi phí thuế chống bán phá giá cũng giảm mạnh từ 22 tỷ đồng xuống còn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận thêm 47 tỷ đồng khoản hoàn phí thuế chống bán phá giá trong 6 tháng đầu năm.

Năm 2023, Sao Ta đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 5.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, công ty thực hiện hơn 34% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận đề ra cả năm.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Sao Ta đạt 3.201 tỷ đồng, tăng 7% so với số đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm đa số với 61%, tương đương 1.966 tỷ đồng. 

Chỉ số hàng tồn kho đạt 1.286 tỷ đồng, tăng 38% so với số đầu kỳ, đa số là thành phẩm, hàng gửi đi bán và nguyên vật liệu.

Tính đến cuối tháng 6/2023, dư nợ của Sao Ta đạt 1.145 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Theo đó, công ty ghi nhận khoản vay ngân hàng ngắn hạn là 886 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm. Đây là các khoản vay ngoại tệ bằng USD của Sao Ta tại 3 ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank và VIB.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khai thác 1,93 triệu tấn, tăng 0,2% tăng (trong đó khai thác biển 1,85 triệu tấn, tăng 0,1%). Nuôi trồng 2,34 triệu tấn, tăng 3% (trong đó cá tra 789.300 tấn, tăng 2,2%; tôm sú 119.300 tấn, 1,2%; tôm thẻ 315.200 tấn, tăng 5,2%).

Về cơ cấu thị trường, Trung Quốc & Hong Kong là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với 716 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với 713 triệu USD, giảm 11%; Mỹ với 706 triệu USD, giảm 46%.

PV