Ngày 29/7, Công an TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan này đã khởi tố 27 người trong vụ án T421 - đường dây mua bán hóa đơn thuế GTGT lớn nhất từ trước nay trên địa bàn.
Trước đó, ngày 30/5, Công an TP.Thanh Hoá đã bắt giữ 8 người (7 nữ, 1 nam) để điều tra về tội Mua bán trái phép hóa đơn thuế giá trị gia tăng. Đường dây này do Hoàng Thị Hạnh (SN 1967), trú phường An Hưng, TP.Thanh Hóa cầm đầu.
Hạnh trước đây có một doanh nghiệp, nhưng làm ăn thua lỗ phá sản. Từ tháng 8/2020 đến nay, người phụ nữ này đã cấu kết với những người khác thành lập 14 công ty ma như: Công ty TNHH thương mại vận tải 56 có địa chỉ ở xã Đông Anh, huyện Đông Sơn; Công ty TNHH DVTM tổng hợp Phong Thủy có địa chỉ ở phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa; Công ty TNHH MTV Anh Khánh ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa...
Các trinh sát phát hiện, các doanh nghiệp này không có hoạt động kinh doanh thực tế, không có nhà kho, bến bãi, phương tiện sản xuất, nhân công lao động phục vụ cho việc kinh doanh. Bản thân các đối tượng vừa là giám đốc, vừa là kế toán, thông qua các mối quan hệ xã hội để tìm khách hàng và bán hóa đơn cho các công ty có nhu cầu mua hóa đơn để kê khai báo cáo thuế, xuất hóa đơn GTGT không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo với giá giao động từ 2-8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trong hóa đơn.
Để qua mắt ngành chức năng, các công ty "ma" này vẫn làm báo cáo tài chính, báo cáo thuế, có các giấy tờ như hợp đồng kinh tế, hợp đồng nguyên tắc, phiếu thu - chi để tránh cơ quan thuế kiểm tra nhưng thực chất là giấy tờ khống.
Từ thời điểm tháng 8/2020 đến khi bị bóc gỡ, các doanh nghiệp này đã phát hành và bán 15 nghìn số hóa đơn cho khoảng 1 nghìn doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… với tổng số tiền giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo công an, các đối tượng có thủ đoạn hết sức tinh vi. Chúng mượn giấy tờ CMND, CCCD, hợp đồng thuê nhà…của người thân, bạn bè, chủ cho thuê nhà để đăng ký thành lập doanh nghiệp; hoặc tìm cách mua lại công ty phá sản, công ty đã tạm dừng hoạt động nhưng có mã số thuế tồn tại trên hệ thống từ 3 năm trở lên…
Tạo chứng từ thanh toán không sử dụng tiền mặt, các đối tượng mạo danh chủ doanh nghiệp lập, ký hồ sơ mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng để chuyển khoản, tạo chứng từ thanh toán cho số hóa đơn mua, bán trái phép có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên. Hợp lý hóa hồ sơ, chứng từ như hợp đồng kinh tế, ủy nhiệm chi, chứng từ ngân hàng gần như là đầy đủ không phát hiện được hành vi mua bán hóa đơn, tìm mọi lý do để che dấu vết tại ngân hàng, thuê người khác rút tiền, chuyển tiền tại ngân hàng, thường xuyên thay đổi số điện thoại hoặc liên lạc qua mạng xã hội gây khó khăn cho công tác điều tra…
Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa nhận định, đây là vụ án mua bán trái phép hóa đơn lớn nhất từ trước đến nay, gây thất thoát tiền thuế cho Nhà nước hơn 200 tỷ đồng.
Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu về hóa đơn của các doanh nghiệp rất lớn. Họ chọn cách mua hóa đơn để hạch toán cân đối giữa thuế đầu vào và thuế đầu ra, hạn chế số thuế GTGT phải nộp, hợp thức hóa quá trình sản xuất kinh doanh có gian lận đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thi công xây lắp công trình, vận tải..
Ngoài ra, lợi dụng sự thông thoáng của Luật Quản lý thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư nên nhiều đối tượng đăng ký thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán hóa đơn GTGT, trốn thuế, làm bình phong che đậy các hành vi vi phạm pháp luật khác. Công tác kê khai, quản lý thuế, quản lý sử dụng hóa đơn, kiểm tra doanh nghiệp, giao dịch tại ngân hàng... còn một số điểm thiếu chặt chẽ và bất cập; chế tài xử lý hình sự đối với tội phạm mua bán hóa đơn còn thấp và chưa đủ tính răn đe…
Lương Diễn - Người Đưa Tin Pháp Luật