Đánh vợ tử vong rồi đến công an đầu thú
Vào sáng cùng ngày, Công an TP Phú Quốc tiếp nhận Vũ Khắc Duy đến đầu thú, khai nhận hành vi giết chết vợ mình là chị Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1997, ĐKTT: thị trấn Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Duy khai nhận, vào năm 2018 có quen biết và chung sống với nhau như vợ chồng (hai người không có đăng ký kết hôn) tại tổ 5 (ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Đối tượng Vũ Khắc Duy và ngôi nhà nơi xảy ra án mạng.
Đến 17h30, ngày 5/10, hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn cự cãi. Do tức giận nên Duy đã dùng tay, chân đánh, đạp vào vùng ngực, bụng vợ mình. Ngoài ra, Duy còn dùng cây chổi quét nhà và một dụng cụ làm bếp bằng kim loại đánh nhiều cái vào người chị Nguyệt. Thấy chị Nguyệt bị ngất xỉu, Duy đưa vào phòng để nghỉ.
Đến khoảng 1h, ngày 6/10, Duy phát hiện chị Nguyệt đã tử vong nên đến Công an TP Phú Quốc để đầu thú.
Vụ xả súng tại nhà trẻ Thái Lan: Nghi phạm đã tự sát
Straitstimes đưa tin, liên quan tới vụ xả súng xảy ra tại một trung tâm chăm sóc trẻ em tại huyện Na Klang, tỉnh Nong Bua Lamphu vào chiều hôm nay (6/10), theo thông tin mới nhất từ phía cảnh sát, nghi phạm đã tự sát sau khi sát hại cả vợ và con mình.
Nghi phạm được xác định là Panya Khamrap, 34 tuổi, là cựu cảnh sát bị sa thải năm ngoái vì sử dụng ma túy. Vụ tấn công xảy ra một ngày trước khi nghi phạm hầu tòa.
Thủ phạm được xác định là xả súng Panya Khamrap, 34 tuổi. Ảnh: CIB Thailand
Phó phát ngôn cảnh sát Thái Lan - ông Archon Kraitong cho biết, ít nhất 34 người thiệt mạng sau vụ xả súng. Trong số các nạn nhân có 23 trẻ em.
Ngay khi vụ việc xảy ra, cảnh sát Thái Lan đã cử ba đội đặc nhiệm tới hiện trường. Thủ phạm được cho là mang súng và dao, xông vào nhà trẻ rồi xả súng vào những người đang ở bên trong. Các đoạn video từ hiện trường cho thấy phụ huynh của các học sinh tụ tập bên ngoài nhà trẻ và kêu khóc.
Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã được thông báo về vụ xả súng.
Bất chấp quy định kiểm soát súng đạn, các vụ xả súng vẫn xảy ra tại Thái Lan. Gần một tháng trước, hôm 14/9, một tay súng cũng đã sát hại một người và làm bị thương hai người khác tại căn cứ quân sự ở thủ đô Bangkok.
Xa hơn, hồi tháng 2/2020, 29 người thiệt mạng và 57 người bị thương trong vụ xả súng tại thành phố Nakhon Ratchasima (còn gọi là Korat), Đông Bắc Thái Lan. Nghi phạm được xác định là hạ sĩ Jakrapanth Thomma (32 tuổi), đóng quân tại một doanh trại trong vùng.
Jakrapanth đã lấy trộm súng và ít nhất 700 viên đạn trong doanh trại, sau đó bắn tử vong chỉ huy đơn vị và một số người rồi lấy xe bỏ trốn.
Động đất 3,2 độ ở Mộc Châu, gây rung chấn nhẹ
Trận động đất ở Mộc Châu, Sơn La xảy ra lúc 1 giờ 37 phút 37 giây (giờ Hà Nội) ngày 6/10, với độ lớn 3,2. Tâm chấn trận động đất ở vị trí có tọa độ 20.882 độ vĩ Bắc, 104.713 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Trận động đất xảy ra giữa đêm, gây rung chấn nhẹ, nhiều người dân sống ở vùng tâm chấn cảm nhận rõ. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, cho biết đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Tâm chấn trận động đất xảy ra rạng sáng nay ở Mộc Châu.
Trước đó, ngày 27/7/2020, Mộc Châu từng ghi nhận trận động đất mạnh 5,3 độ, gây rung chấn khắp miền Bắc, trong đó thủ đô Hà Nội cảm nhận rất rõ. Ngay sau đó là hàng chục chấn động nhỏ hơn xảy ra ở khu vực này.
Theo TS. Nguyễn Xuân Anh - Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên – Mường Lay, kéo dài khoảng 200km, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu.
Tại đây từng ghi nhận nhiều trận động có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6,9 độ tại lòng chảo Điện Biên. Năm 1983, xảy ra trận động đất 6,7 độ tại thị trấn Tuần Giáo. Năm 2001, xảy ra trận động đất 5,3 độ tại thành phố Điện Biên Phủ.
Ônng Xuân Anh khuyến cáo người dân nơi đây cần đề phòng các trận động đất lớn có thể xảy ra, việc xây dựng các công trình, nhà ở cần đáp ứng được yêu cầu về kháng chấn đã được Viện Vât lý địa cầu xây dựng.
Giá vàng hôm nay 6/10: Quay đầu giảm sau 2 phiên tăng phi mã
Thời điểm 8h30 sáng nay ngày 6/10 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.720 USD/ounce, tương đương với mức giá cùng giờ sáng qua. Giá vàng đang dao động trong biên độ từ 1.700 - 1.729 USD.
So với mức tăng phi mã 2 ngày trước đó, hôm nay, giá vàng đã có một phiên điều chỉnh giảm nhẹ. Sự phục hồi của chỉ số USD, cùng với sự gia tăng đáng kể của lợi suất kho bạc Mỹ là các yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường vàng.
Giá vàng cũng chịu tác động sau báo cáo việc làm của Công ty Mỹ ADP (hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và phần mềm quản lý nguồn nhân lực) được công bố. Cụ thể, báo cáo sơ bộ cho thấy đã có 208.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 9, cao hơn so với kỳ vọng là 200.000 việc làm. Báo cáo tích cực hơn so với kỳ vọng đã đẩy vàng giảm giá.
Từ giờ tới hết tuần, toàn thị trường sẽ trông đợi vào báo cáo việc làm chính thức của Mỹ sẽ được Bộ Lao động nước này công bố vào thứ Sáu tới. Dữ liệu việc làm được cải thiện sẽ thúc đẩy kỳ vọng tăng lãi suất mạnh mẽ từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đồng thời đè nặng lên vàng.
Nhà phân tích Matt Simpson của công ty môi giới ngoại hối và giao dịch kỳ hạn City Index (Anh) cho biết, vàng có thể vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng 1.735 USD/ounce trong trường hợp dữ liệu việc làm của Mỹ yếu đi.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm giá vẫn chiếm lợi thể tổng thể trong ngắn hạn nhưng tín hiệu đảo chiều đã nhen nhóm. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc 1.780 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc cũng là mức thấp nhất trong tháng 9 là 1.622,20 USD/ounce.
Giá vàng giảm nhẹ
Ở thị trường trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 65,3-66,32 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 65,5-66,4 triệu đồng/lượng, chưa đổi so với chốt phiên hôm trước.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 65,5-66,5 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên gần nhất.
NÓNG: Kết luận vụ học sinh ở Đà Nẵng hoảng loạn khi từ trường về nhà
Chiều 6-10, lãnh đạo UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chủ trì cuộc họp gồm 2 bên phụ huynh, công an phường và đại diện Phòng GD-ĐT quận Sơn Trà về việc cháu H. (học sinh lớp 1 trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh) bị bầm tím chân tay sau khi từ trường trở về nhà.
Vụ việc được xác định do hai học sinh cùng lớp ẩu đả, đánh nhau trong giờ nghỉ trưa
Kết thúc cuộc họp, ông Lê Từ Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang khẳng định nguyên nhân vụ việc không phải do giáo viên chủ nhiệm hành hung học sinh như mạng xã hội đồn đoán.
"Em này bị thương do bị bạn cùng lớp đánh trong lúc được kèm cặp, học thêm buổi trưa. Sự việc xảy ra từ chiều hôm qua (ngày 5-10). Em này chậm hơn các em học sinh trong lớp nên cô giáo chủ nhiệm giao em đó cho 1 em học sinh khác để kèm cặp thêm. Tuy nhiên, lớp 1 với nhau nên hiếu động, 2 em đã đánh nhau gây ra sự việc như trên" - lãnh đạo UBND phường Thọ Quang khẳng định.
Ông Lê Từ Hòa cho biết ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND phường đã đến trường nắm thông tin, yêu cầu cô giáo làm bản tường trình. Công an phường cũng đã xác minh, xuống nhà cả 2 em học sinh để tìm hiểu nguyên do. Qua các biện pháp nghiệp vụ, công an xác định 2 em học sinh này đánh nhau. Không có chuyện giáo viên chủ nhiệm hành hung con trẻ.
"Tôi đã đề nghị hiệu trưởng kiểm điểm vai trò giáo viên trong công tác quản lý lớp. Hiệu trưởng và ban giám hiệu rút kinh nghiệm trong việc quản lý giáo viên, cũng như là học sinh trong trường học. Kiểm điểm, phê bình nhắc nhở nghiêm túc tiếp thu và không để tái phạm" - ông Lê Từ Hòa thông tin với báo chí.
Trả lời báo chí, chị H.N.T.H (trú phường Thọ Quang), phụ huynh cháu H., cho biết mình đồng tình với kết luận nêu trên của UBND phường Thọ Quang. Ban đầu, chị H. dự kiến cho con chuyển trường nhưng sau quá trình vận động thì đã thống nhất để con tiếp tục học tại trường Nguyễn Phan Vinh.