Tình trạng dọa sảy và cách chăm sóc bà bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ

Doạ sảy là hiện tượng thường xảy ra ở những giai đoạn đầu thai kỳ khiến nhiều thai phụ hoang mang.

Chị Nguyễn Thuỷ Tiên (22 tuổi, Nghệ An) chia sẻ vẫn chưa hết hoang mang khi gặp tình trạng dọa sảy (tụ dịch màng nuôi) ở tuần thứ 9 thai kỳ. Trước đó, cơ thể hoàn toàn bình thường không có hiện tượng gì khác chỉ khi đi vệ sinh có phát hiện dịch nâu chứa nhiều chất nhờn ở đáy quần, sau đó người nhà đưa đến bệnh viện tư siêu âm và được bác sĩ kê thuốc uống cùng đặt vùng kín trong suốt 5 tuần để giữ thai.

“Tôi gặp tình trạng dọa sảy thời điểm thai khoảng tuần thứ 9. Chiều hôm đó xem phim xong tôi vẫn cảm thấy hoàn toàn bình thường đến lúc đi vệ sinh thì nhìn thấy ở đáy quần trong có dịch nâu chứa nhiều chất nhờn. Đến tối, tôi được gia đình đưa đến phòng khám tư siêu âm vì vội không kịp vào viện thì được chẩn đoán là bị doạ sảy (tụ dịch màng nuôi), sau đó bác sĩ đã kê đơn thuốc uống và đặt vùng kín để giữ thai trong suốt 5 tuần”, chị Tiên kể.

Có rất nhiều trường hợp, thai phụ gặp các hiện tượng giống như doạ sảy ở giai đoạn đầu khi thai đang làm tổ trong tử cung cũng có thể gây chảy máu khiến không ít các mẹ bầu hoang mang.

Ở tuần thứ 6, chị Ngọc Hiền (22 tuổi, Hưng Yên) cũng gặp tình trạng ra máu, sau khi đến bệnh viện được bác sĩ chẩn đoán chảy máu do thai đang làm tổ trong buồng tử cung đó là hiện tượng bình thường ở những tuần đầu thì chị mới yên tâm.

“Tôi bị ra dịch hồng có tia máu ở tuần thứ 6 vì lần đầu mang thai nên tôi thấy hoang mang và đã đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi siêu âm bác sĩ giải thích rằng do thai làm tổ sâu trong buồng tử cung gây chảy máu, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường ở giai đoạn đầu thai kỳ”, chị Hiền nói.

doa say                                Tình trạng doạ sảy ở thai phụ đầu thai kỳ. Ảnh minh hoạ: Vinmec

Tỷ lệ sảy thai đối với các trường hợp dọa sảy đến 40%, trong đó phụ nữ lớn tuổi là đối tượng dễ sảy thai hơn cả, thường gặp trong giai đoạn thai nhi dưới 20 tuần tuổi.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hưng chuyên khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Phúc Yên, khi bị chậm kinh, đau bụng, ra máu nên đến cơ sở y tế bác sĩ sẽ siêu âm thăm khám, chẩn đoán thai phụ bị dọa sảy sẽ được kê thuốc uống, trong thời gian này thai phụ cần nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động.

Tuy nhiên, thai phụ gặp các hiện tượng trên mà siêu âm không thấy túi thai trong buồng tử cung cần làm xét nghiệm nồng độ Beta HCG nếu lớn hơn 1500 IU/L thì có thể là chửa ngoài lúc này bác sĩ sẽ đưa ra phương án để xử lý tránh gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Dọa sảy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng cũng có trường hợp không có nguyên nhân xảy ra hoàn toàn tự nhiên sau khi trứng đã thụ tinh chưa thể dính chắc vào thành tử cung.

Đối với thai phụ từng gặp các vấn đề về nội tiết, đã có tiền xử bệnh lý về thai lưu, thai sảy cần phải làm các xét nghiệm kiểm tra để có thể dự phòng điều trị phòng ngừa sớm tình trạng dọa sảy.

“Doạ sảy thai khá nghiêm trọng khi mà đã có triệu chứng rất có nguy cơ sảy và có rất nhiều nguyên nhân một trong các nguyên nhân đó các vấn đề về nội tiết, đã có tiền xử bệnh lý về thai lưu, thai sảy rồi thì nên làm xét nghiệm các yếu tố về đông máu, cầm máu và kháng đông hoặc xét nghiệm về phospholipid để phát hiện những vấn đề kịp thời có thể dự phòng điều trị được, còn 40% không nguyên nhân thì khó xác định là tại sao”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.

Thai phụ trong 3 tháng đầu thai kỳ, khi bắt đầu chậm kinh và phát hiện đã có thai trong tuần đầu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sản để xác định thai đã vào trong buồng tử cung hay vẫn ở ngoài.

Chăm sóc thai nhi trong vòng 3 tháng đầu, thai phụ cần cẩn thận trong việc chọn các loại thực phẩm sạch, làm việc nhẹ nhàng không hoạt động mạnh, việc quan hệ vợ chồng nên hạn chế tối thiểu. Ngoài ra, gia đình đóng góp vai trò vô cùng quan trọng trong việc ổn định tinh thần của thai phụ, giúp thai nhi phát triển khoẻ mạnh.