Tò mò loại hạt đắt nhất Việt Nam, dù bé xíu nhưng "đắt hơn vàng" 240 triệu đồng/kg

Một loại hạt nhỏ xíu "đắt hơn vàng" ở Việt Nam, có khi giá lên tới 240 triệu đồng/kg. Do đắt đỏ nên có người không dám mua cân mà chỉ đếm hạt tính tiền.

Việt Nam đang sở hữu loại sâm quý nhất thế giới

Từng là loại cây mọc hoang dại trên dãy núi Ngọc Linh thuộc địa phận của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum... sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học phát hiện và xác định là một trong 5 loại nhân sâm tốt nhất thế giới. Ngày nay nhiều người coi sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý, được mệnh danh là nhân sâm Việt Nam.

Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax vietnamensis, thuộc họ Cuồng cuồng (Araliaceae). Loại sâm này còn được biết đến với những tên gọi như sâm Việt Nam, Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con, một số nơi gọi với tên cây thuốc giấu,…

Loại sâm này có phần rễ nhiều đốt, cong ngoằn ngoèo, màu nâu hoặc vàng xám. Trên thân nổi rõ những vết vân ngang chia phần thân rễ thành nhiều đốt, đặc biệt xuất hiện nhiều sẹo.

Để tìm được loại sâm quý, nhiều người tìm ở vùng Trung Trung Bộ Việt Nam, tập trung ở các huyện như Đăk Tô và Tu Mơ Rông thuộc tỉnh Kon Tum, huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Đáng chú ý, loại sâm này mọc dày thành đám dưới tán rừng, gần nơi suối ẩm, trên đất nhiều mùn.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thân rễ và thân củ của sâm Ngọc Linh có chứa đến 52 hợp chất Saponin và là một trong những loại sâm có hàm lượng Saponin nhiều nhất thế giới.

Vì vậy, giá của sâm Ngọc Linh dao động từ 90-300 triệu đồng/kg. Thậm chí, những củ sâm có trọng lượng lớn được tìm thấy trong tự nhiên được lùng mua với giá lên đến hàng tỷ đồng.

Đời sống - Tò mò loại hạt đắt nhất Việt Nam, dù bé xíu nhưng 'đắt hơn vàng' 240 triệu đồng/kg

Sâm Ngọc Linh quý hiếm và đắt đỏ. Ảnh minh họa.

Loại hạt quý hiếm ở Việt Nam, giá lên tới 240 triệu đồng/kg

Không chỉ củ, lá, quả, hạt sâm ngọc linh cũng vô cùng tốt. Cụ thể, lá sâm Ngọc Linh cũng chứa tới 16 hợp chất Saponin, 17 acid amin và 20 khoáng chất vi lượng nên được săn lùng ráo riết với giá từ 10-12 triệu đồng/kg lá tươi và 150 triệu đồng/kg lá khô.

Những năm trở lại đây hạt sâm Ngọc Linh cũng trở thành loại hạt đắt nhất Việt Nam khi có giá đắt hơn vàng, lên đến 110-120 nghìn đồng/hạt. Trung bình, cứ khoảng trên 2.000 hạt sẽ được 1kg. Như vậy, 1kg hạt sâm Ngọc Linh sẽ có giá từ 220-240 triệu đồng.

Do có giá trị dinh dưỡng cao và giá thành "khủng" nên hạt sâm Ngọc Linh được làm giả và được giao bán trên các chợ online và các trang thương mại điện tử, hạt sâm Ngọc Linh bất ngờ được rao bán với giá rẻ chưa từng có, chỉ từ 5-10 nghìn đồng/hạt.

“Hạt sâm Ngọc Linh giá chỉ 100 nghìn đồng 20 hạt. Nếu khách mua số lượng lớn, giá chỉ 2,5 triệu đồng/kg. Hạt đã sấy khô, về chỉ việc gieo xuống là tỷ lệ mọc mầm 100%”, một người bán hạt sâm Ngọc Linh trên chợ online rao.

Không chỉ vậy, trên các trang thương mại điện tử, hạt sâm Ngọc Linh cũng được rao bán với giá rất rẻ, sẵn hàng từ 5-10kg. Khi được hỏi, người bán nào cũng cam kết hàng chuẩn 100% nhưng làm cách nào để biết hàng chuẩn hay không thì lại không trả lời được.

Đời sống - Tò mò loại hạt đắt nhất Việt Nam, dù bé xíu nhưng 'đắt hơn vàng' 240 triệu đồng/kg (Hình 2).

Do hạt sâm đắt đỏ nên người dân bảo vệ kỹ càng.

Ở Việt Nam hạt sâm Ngọc Linh siêu hiếm, giá lên tới 240 triệu đồng/kg. Trong khi trên thị trường, hàng Trung Quốc đổ bộ giá chỉ 2,3 triệu đồng/kg được nhiều người mua về ngâm rượu.

Đáng chú ý, loại hạt sâm Ngọc Linh được nhiều đầu mối rao bán giá chỉ 2,6 triệu đồng/kg với hàng nguyên bông, hạt rời giá 2,3 triệu đồng/kg. Một số đầu mối bán theo hạt, giá 3.000 đồng/hạt.

Không chỉ vậy, một trang chuyên về cây giống ở Hà Nội quảng cáo bán sâm Ngọc Linh theo hạt, cho hay, khách đặt mua combo 50 hạt hoặc 100 hạt sẽ được tặng sách hướng dẫn gieo trồng. Riêng combo 100 hạt sẽ được tặng thêm 10 hạt sâm. Giá bán là 3.000 đồng/hạt.

Để tăng độ uy tín, chuyên trang cây giống này còn đăng tải hình ảnh các nhà vườn trồng sâm nổi tiếng tại Quảng Nam và Kon Tum. Đồng thời, nhận ship hàng toàn quốc và nhấn mạnh khách lấy sỉ sẽ có giá hấp dẫn hơn.

Đời sống - Tò mò loại hạt đắt nhất Việt Nam, dù bé xíu nhưng 'đắt hơn vàng' 240 triệu đồng/kg (Hình 3).

Cây sâm Ngọc Linh có quả màu đỏ đốm đen bắt mắt.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Anh Nguyễn Văn Tùng - đầu mối bán dược liệu tại Thường Tín, Hà Nội khẳng định, hạt sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum có giá siêu đắt đỏ, hàng khan hiếm chứ không rẻ và số lượng nhiều như những người rao bán trên "chợ mạng" hiện nay.

"Các loại sâm Ngọc Linh, lá sâm và hạt sâm bán trên mạng xã hội với giá rẻ đa phần đều là giống sâm Ngọc Linh trồng ở Trung Quốc", anh Tùng nói.

Trao đổi với Vietnamnet, chị Nguyễn Thị Hồng Thương, trú tại xã Trà cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam cho biết, giá hạt sâm Ngọc Linh tại vườn nhà chị hiện tại là 110-130 nghìn đồng/hạt mà không đủ hàng để bán.

“Mỗi cây sâm Ngọc Linh trồng 4 năm mới ra hoa và đậu quả, mỗi cây chỉ cho một nhánh, rất ít cây cho 2-3 nhánh mà mỗi nhánh cho đúng 1 bông. Có cây thì cho vài chục hạt, có cây chỉ vài hạt, thậm chí là không có hạt”, chị Thương phân tích.

Bên cạnh đó, hầu hết người trồng sâm ở vùng núi Ngọc Linh đều sẽ giữ lại hạt để ươm cây chứ rất ít người bán. Vì vậy, loại hạt này lúc nào cũng khan hiếm và “cháy hàng”, không có để rao bán với giá “rẻ như cho” trên các chợ online.

Loại quả đắt đỏ hiếm có này khi chín có chấm đen không đều trên đỉnh quả. Phần thịt quả mỏng, có vị hơi đắng nhân nhẩn như khổ qua, ngọt thanh như mật rất dễ chịu. Còn hạt sâm giả được bán theo giá “siêu rẻ” có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc chỉ là hạt dổi hoặc hạt cam thảo, rất cứng, có chấm đen trên đỉnh và vỏ rất dày.

Đời sống - Tò mò loại hạt đắt nhất Việt Nam, dù bé xíu nhưng 'đắt hơn vàng' 240 triệu đồng/kg (Hình 4).

Sâm Ngọc Linh quý và đắt đỏ nên việc mua bán hạt sâm Ngọc Linh không chỉ tính theo kg nặng mà đếm hạt hoặc bán theo lon. 

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin, bình quân mỗi cây sâm ra hoa kết trái đến khi chín cho khoảng 30 đến 40 hạt. Mỗi lon hạt tương đương khoảng 1.000 hạt, cách đây 2 năm có giá hơn 40 triệu đồng, còn hiện nay hạt giống sâm được bà con bán tính theo hạt, mỗi hạt giống sâm có giá trên 100 nghìn đồng.

Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Sâm Sâm Group, cho biết, sâm Ngọc Linh trồng khoảng 3-4 năm cây mới ra hoa và đậu quả. Khi đến mùa (tháng 7 đến tháng 9 Dương lịch), mỗi nhánh cây sẽ có một bông hoa. Tuy nhiên, cây sâm Ngọc Linh thường chỉ có một nhánh, rất ít cây có 2-3 nhánh. Thế nên, lượng hạt thu được lại càng ít.

Đời sống - Tò mò loại hạt đắt nhất Việt Nam, dù bé xíu nhưng 'đắt hơn vàng' 240 triệu đồng/kg (Hình 5).

Người dân thu hoạch hạt sâm.

Biết được lợi ích "vàng" của sâm Ngọc Linh nên hiện nay các hộ gia đình và doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh thường chờ cây ra hoa, đậu quả để khai thác hạt làm giống.

Đáng chú ý, một bông có thể cho trung bình 20 hạt, khoảng 2.000 hạt được 1kg. Trên thị trường, giá hạt vô cùng đắt đỏ, lên tới 240 triệu đồng/kg. Vậy nên, mùa hoa người dân thường dùng lưới bọc hoa bảo vệ hạt để thu hoạch làm giống.

Công dụng của sâm Ngọc Linh, không phải ai cũng biết

TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc Tp.HCM từng chia sẻ với báo Thanh Niên, sâm Ngọc Linh cũng giống như các loại sâm khác, thành phần chính là chất saponin. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh có ưu thế hơn các loại sâm khác ở chỗ: Có hàm lượng saponin cao và các khoáng chất hiếm để bổ sung tốt cho cơ thể. Chính vì có các khoáng chất hiếm nên sâm Ngọc Linh kén chỗ trồng (chỉ ở một số huyện tại Quảng Nam, Kon Tum).

Đặc biệt rễ của củ sâm Ngọc Linh ngắn, không hút được các khoáng chất, nhưng khi trồng trong tán rừng thì các cây cổ thụ hút chất đó vào lá cây, lá cây rụng xuống tạo lớp mùn để sâm Ngọc Linh hút vào.

Sâm Ngọc Linh trong đông y nằm trong nhóm thuốc bổ khí. Công dụng chính của sâm Ngọc Linh là bổ dưỡng và an thần, tỉnh táo. Nếu những người hay buồn ngủ uống vào sẽ tỉnh táo, người bị ức chế uống vào sẽ dễ ngủ. Sâm này rất tốt cho người mệt mỏi, dễ ra mồ hôi.

Bác sĩ Lan cũng khuyến cáo, sản lượng sâm Ngọc Linh rất ít nhưng giá trị cao nên cũng có trường hợp mua, uống không phải sâm Ngọc Linh thật.

- Thứ nhất là mua phải loại sâm ngọc linh thật nhưng bị chiết hết hoạt chất (mua phải "xác sâm").

- Thứ hai là mua phải một loại củ khác giả sâm (chẳng hạn như củ cải hoặc củ khác dẫn đến nguy cơ ngộ độc bởi một củ lạ nào đó).

- Thứ ba, nếu mua phải loại rượu ngâm không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo thì nguy cơ càng cao.

Trúc Chi (t/h)