Thời gian gần đây, việc Bộ GD&ĐT siết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khiến nhiều học sinh và phụ huynh lo lắng khi kỳ thi đã đến, bỏ ra số tiền và thời gian không nhỏ, nhưng lại nhận được thông báo hoãn vô thời hạn. Đâu là nguyên nhân dẫn đến kết quả này, nhiều ý kiến cho rằng quyết định của Bộ GD&ĐT đã quá đột ngột này gây ảnh hưởng không nhỏ đến thí sinh.
Bên cạnh đó, cũng có những nghi ngại về sự thiếu minh bạch của các kỳ thi cấp chứng chỉ quốc tế. Việc này không phải không có cơ sở, khi Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết “bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập”.
Những dấu hiệu tiêu cực được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhắc đến như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....
“Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc.
Người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ, đặc biệt gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Bộ GD&ĐT kiểm tra phải chăng là do có gian lận ?
Trao đổi với Người Đưa Tin, Thầy Nguyễn Khắc Ngọc - giáo viên luyện thi môn Hóa, Hệ thống Giáo dục HOCMAI đánh giá: “Thông tư 11 về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có từ cuối tháng 7, đã có khoảng thời gian dài để các cơ sở chịu tác động chuẩn bị hồ sơ. Tuy nhiên trong việc này cần có sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và các cơ sở tổ chức thi”.
Thầy Ngọc cho rằng cần làm tốt hơn nữa công tác công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để các cơ sở tổ chức thi có thể chuẩn bị bổ sung các điều kiện. Cùng với đó là những đối tượng bị chịu ảnh hưởng như học sinh, phụ huynh nắm được tình hình và chủ động trong kế hoạch học và thi.
Trước băn khoăn, hoạt động kiểm tra lần này xuất phát từ một số nghi vấn trong quá trình liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và và ngoài nước đã phản ánh như thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ... Thầy Nguyễn Khắc Ngọc bày tỏ quan điểm: “Tôi cũng đặt ra một số nghi vấn về điểm trong các kỳ thi IELTS”.
Ở đây, thầy Ngọc lý giải trong những năm gần đây phổ điểm IELTS tăng lên rất nhanh chóng.
“Điều này có thể dễ dàng nhận thấy thông qua kỳ thi xét tuyển đại học. Các trường top đầu như Trường Đại học Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân những năm đầu xét tuyển chỉ tầm khoảng 6.0. Nhưng đến năm nay ở những ngành hot thí sinh được 7.0 vẫn cảm thấy chưa an tâm, rõ ràng đã có sự thăng tiến vượt bậc trong kỳ thi cấp chứng chỉ IELTS”, thầy Ngọc bày tỏ.
Ngoài nguyên nhân thể hiện rõ nhất do sự đầu tư của xã hội để học IELST rất lớn, số lượng trung tâm và giáo viên chất lượng tăng lên, phụ huynh sẵn sàng chi trả cho việc học Tiếng Anh từ rất sớm... Nhưng theo thầy Ngọc: “Nếu kỳ thi do Hội đồng Anh hay IDP tổ chức chắc chắn sẽ được đảm bảo. Nhưng vì có những đơn vị liên kết, nhất là các địa phương thì trong quy trình đấy có đảm bảo chặt chẽ công bằng hay không thì rõ ràng đang có sự nghi vấn của dư luận.
Tôi cũng đặt câu hỏi về việc này, liệu có dấu hiệu gì khiến cho Bộ GD&ĐT phải đặt ra yêu cầu với các đơn vị liên kết ở các địa phương hay không?”
Các tổ chức ở Việt Nam không được ra đề thi
Trước nhưng băn khoăn trên, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với cô Nguyễn Thanh Nguyệt Minh, Head Teacher Trung tâm IPPEdu Tp.HCM, người đã tốt nghiệp thạc sĩ của Đại học Warwick (Anh) để hiểu rõ hơn quy trình ra đề thi hiện nay.
Trước tiên, nói về tính minh bạch, cô Nguyệt Minh giải thích: “Trên thực tế, thi IELTS mới chỉ rộ lên trong 12 năm trở lại đây, trước đó người ta ưa chuộng TOEFL iBT. Nguyên nhân là bởi IELTS được các tổ chức quốc tế, người học chấp nhận bởi tính ứng dụng, phổ biến và độ tin cậy cao”.
Đề thi IELTS do Cambridge là đơn vị làm ra và có quy chuẩn rất chặt chẽ về khâu làm và giám sát đề. Ở Việt Nam, Hội đồng Anh và IDP chỉ là những đơn vị tổ chức thi - “có nghĩa là bản thân họ cũng không phải người ra đề mà là Cambridge, khi đề được gửi đề về Việt Nam quy trình rất chặt chẽ. Họ đếm rất kỹ các mã đề và chỉ gần ngày thi nhân viên của Hội đồng Anh và IDP mới được báo sẽ dùng mã đề nào”, cô Nguyệt Minh nói về quy trình.
Đối với trường hợp lộ đề từ các nước có khung giờ thi trước Việt Nam (như Trung Quốc) và có nguy cơ tuồn đề, Cambridge sẽ có động thái xem xét có nguy cơ, nếu có ở Hội đồng Anh và IDP luôn có đề dự phòng và được sử dụng ngay lập tức.
Ngoài ra, việc “thăng hạng” IELTS của các em thí sinh, dưới góc độ là người giảng dạy cô Nguyệt Minh cho rằng nền tảng tiếng Anh của nhiều thí sinh hiện nay tốt hơn trước kia. Cùng với đó, kỳ thi IELTS hiện nay được nhiều người tham gia và mức độ phổ biến rộng rãi hơn vì vậy sẽ có nhiều điểm cao hơn.
“Bản thân hiện nay giáo viên có nhiều cách dạy cho học sinh dễ được điểm cao. Trong suốt quá trình ôn thi cho các em tôi đánh giá đề thi càng ngày sẽ khó hơn, chấm thi khắt khe nhất ở phần nghe và đọc. Những bạn ở mức 5.0 và 5.5 khó để đạt được điểm cao”, cô Minh Nguyệt cho biết.
Chứng chỉ nội địa khó lên ngôi?
Khi câu hỏi về tính minh bạch được đưa ra, nhiều người cũng cho rằng tại Việt Nam cũng có chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP (Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc), nhưng trên thực tế là không được sử dụng rộng rãi. Ngay trong việc xét tuyển đại học có rất ít thậm chí không có trường nào lựa chọn chứng chỉ này.
Về việc này, cô Minh Nguyệt đánh giá: “Điều để người học và các tổ chức chấp nhận một chứng chỉ phụ thuộc vào nó do ai làm ra và ai sẽ đảm bảo quy chuẩn. VSTEP do Bộ GD&ĐT đưa ra vì vậy Bộ phải có những khung văn bản hoặc trình bày được chất lượng, độ tin cậy của bài test ở mức độ nào”.
Thực tế IELTS những năm gần đây không được lựa chọn bởi các sinh viên đại học, vì để ra trường các bạn có thể thi những chứng chỉ VNU-EPT (kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh của ĐHQG với giá thành rẻ và không quá khó. IELTS chỉ phổ biến với những người trong giới học thuật và du học.
“Đây là quy luật cung – cầu, các trường và học sinh sẽ dùng những bằng của Việt Nam chỉ khi nào bằng đó chứng minh được thực sự hiệu quả, tin tưởng.
Bằng trong nước hiện nay Bộ GD&ĐT chưa có lộ trình để đưa nó vào trong những ứng dụng cụ thể như IELTS và không được sử dụng được cho môi trường quốc tế, không có được chuẩn quốc tế. Về mặt thương hiệu hoàn toàn cũng không có, không cảm nhận sự tin tưởng”, cô Minh Nguyệt chỉ ra nguyên nhân chứng chỉ Việt Nam không được chọn lựa.
Dưới góc độ chuyên môn, cô giáo cũng cho rằng việc có đến 6 bài thi tương ứng ở các mức khác nhau sẽ gây rối và khó khăn cho người học và người dạy, chính vì điều này người ta lựa chọn một bài thi IELTS có tính phổ biến hơn.