Làm việc sát sao với Bộ GD&ĐT
Đại diện Hội đồng Anh Việt Nam cho biết kể từ khi nhận được hướng dẫn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho việc tổ chức kỳ thi IELTS, cụ thể là hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại thông tư số 11/2022/BGDĐT (ban hành ngày 26/7/2022), đơn vị này đã sớm thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ.
Hội đồng Anh Việt Nam cũng khẳng định đã hoàn thiện hồ sơ như hướng dẫn và nộp lên Bộ GD&ĐT từ cuối tháng 8/2022. Đến nửa cuối tháng 9, Hội đồng Anh nhận được phản hồi từ Bộ GD&ĐT yêu cầu bổ sung một số nội dung về tổ chức thi. Dự kiến vào thứ 2 tới đây (14/11), Hội đồng Anh sẽ gửi lại Bộ GD&ĐT hồ sơ đã bổ sung theo yêu cầu.
"Chúng tôi đang làm việc rất sát sao với Bộ GD&ĐT theo hướng dẫn mới và hy vọng sẽ sớm được tiếp tục tổ chức kỳ thi IELTS ở Việt Nam", đại diện Hội đồng Anh Việt Nam cho biết. Vị này cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ phía Bộ GD&ĐT để tiếp tục duy trì những giá trị và chuẩn mực của kỳ thi IELTS tại Việt Nam.
IDP Việt Nam đã phối hợp với Bộ GD&ĐT từ nhiều tháng qua. Đến nay, IDP cho biết vẫn đang và sẽ tiếp tục làm việc cùng Bộ GD&ĐT để "giải quyết các câu hỏi liên quan đến vấn đề cấp phép".
Bà Nguyễn Hồng, đại diện IDP Việt Nam cho biết, nguyên nhân hoãn thi xuất phát từ vấn đề giấy phép tổ chức thi. Điều này ảnh hưởng đến hầu hết kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở Việt Nam. Việc IDP tổ chức thi lại còn phụ thuộc vào sự phê duyệt của Bộ GDĐT. Hiện, tổ chức này đang làm việc với Bộ để đưa hoạt động tổ chức thi trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể. “Hiện IDP đã và đang liên hệ với những thí sinh đăng ký thi IELTS vào những ngày trùng giai đoạn tạm hoãn để hỗ trợ thí sinh đổi ngày thi miễn phí”, bà Hồng nói.
Về phía Bộ GD&ĐT, Cục Quản lý chất lượng cho biết, sẽ ưu tiên tập trung xử lý, nhanh chóng phê duyệt cho các cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ (đặc biệt là chứng chỉ IELTS, TOEFL) trong một vài ngày tới. Bộ GDĐT đề nghị các cơ sở khẩn trương hoàn thành hồ sơ theo quy định.
Sẽ đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết
Hiện nay nhiều thí sinh đăng ký thi IELTS với mục đích tốt nghiệp đại học, xét tuyển sinh đại học hoặc nộp hồ sơ du học, nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Việc hoãn thi sẽ phần nào ảnh hưởng đến các kế hoạch của các thí sinh này, nên Bộ GD&ĐT cần tập trung nguồn lực hỗ trợ giải quyết cho các đơn vị, tổ chức thi để các kỳ thi sớm được tổ chức trở lại. Điều này cũng đặt ra vấn đề là Bộ GD&ĐT nói riêng cũng như các cơ quan chức năng khác khi triển khai một chính sách mới cần tăng cường công tác truyền thông, định hướng chính sách ngay từ khi nghiên cứu, xây dựng dự thảo thông tư và trong quá trình thông tư chưa có hiệu lực để các cá nhân, tổ chức chịu tác động có thời gian chuẩn bị, hiểu rõ và thực hiện, tránh gây bức xúc, bị động. Đơn cử như từ tháng 6/2018, Chính phủ đã có quy định về hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt liên kết tổ chức thi. Tuy nhiên, đến ngày 26/7/2022, Bộ GD&ĐT mới ban hành thông tư 11 để thực hiện thẩm quyền được Chính phủ giao.
Trước đó, nhằm bảo đảm chức năng quản lý hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được thực hiện đúng các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của người được cấp chứng chỉ và các bên liên kết, đồng thời hoàn thiện các quy định của pháp luật theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-GDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cơ sở liên kết tổ chức thi (gọi chung là các cơ sở) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thẩm định, phê duyệt. Đồng thời Bộ cũng tập trung để rút ngắn tối đa thời gian xử lý các hồ sơ này (trong vòng 20 ngày). Tuy nhiên, do hồ sơ đề nghị phê duyệt của nhiều cơ sở chưa đầy đủ nên tiến trình xử lý kéo dài khiến một số đơn vị, tổ chức chưa thể tổ chức thi, ảnh hưởng tới kế hoạch thi cử của những người có nhu cầu thi.
Kỳ thi IELTS tạm hoãn tại Việt Nam, thí sinh cần làm gì?
Những ngày qua, việc kỳ thi IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế khác tạm hoãn để hoàn thiện hồ sơ khiến không ít thí sinh có kế hoạch dự thi “đứng ngồi không yên”. Để giải quyết vấn đề trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở khẩn trương hoàn thành hồ sơ theo quy định. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT sẽ ưu tiên tập trung xử lý, nhanh chóng phê duyệt cho các cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là chứng chỉ IELTS, TOEFL trong một vài ngày tới.
Trước thông tin này, nhiều thí sinh vô cùng lo lắng vì chứng chỉ IELTS là một trong những điều kiện quan trọng để nộp hồ sơ du học hoặc giành học bổng từ các trường đại học trên thế giới.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng tư vấn du học, bà Đoàn Thị Minh Phượng, Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ, Nhà sáng lập và điều hành Tổ chức Giáo dục APUS cho biết, thí sinh cần thật sự bình tĩnh, tiếp tục ôn tập và tìm hiểu kỹ lại những yêu cầu của các trường đại học về chứng chỉ tiếng Anh.
Trong trường hợp một chứng chỉ bị dừng, thí sinh có thể chuyển qua ôn tập và thi chứng chỉ tương đương. Ví dụ, chứng chỉ IELTS bị dừng thời gian dài thì thí sinh có thể chuyển qua ôn TOEFL hoặc Duolingo. Đây là 2 kỳ thi kiểm tra khả năng ngôn ngữ phổ biến khác thay thế cho IELTS khi nộp hồ sơ vào đại học Mỹ.
Một cách khác được bà Phượng chỉ ra là sử dụng điểm các bài thi chuẩn hóa khác như SAT, ACT, APs hoặc đạt được điểm số cao ở một số môn học giúp chứng minh khả năng tiếng Anh tốt cũng có thể giúp thí sinh được miễn điểm IELTS, TOEFL hoặc Duolingo.
“Để chắc chắn, thí sinh nên kiểm tra lại với từng trường dự kiến nộp hồ sơ để biết trường có chính sách nào phù hợp với mình. Nếu thí sinh đến từ các quốc gia nói tiếng Anh hoặc có thời gian học trong môi trường thuần túy sử dụng tiếng Anh trong khoảng từ 2-3 năm có thể được một số trường cân nhắc miễn IELTS (hoặc các kỳ thi tương đương). Thí sinh cần trao đổi với bộ phận tuyển sinh của trường mình dự nộp để nhận chỉ dẫn về việc này”, bà Phượng cho hay.
IELTS là viết tắt của International English Language Testing System, tạm dịch là hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế. Bài thi IELTS gồm bốn kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc và Viết, phục vụ mục đích học tập, làm việc và định cư. Chứng chỉ IELTS hiện được công nhận ở hơn 11.000 cơ sở đào tạo ở 140 quốc gia. Năm 2018, kỳ thi này đã đạt mốc 3,5 triệu lượt thi trên toàn cầu. Tại Việt Nam, nhiều đại học dùng chứng chỉ này để xét tuyển đầu vào, xét công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Hai đơn vị được phép tổ chức thi IELTS ở nước ta là Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục quốc tế IDP, lệ phí thi là hơn 4,6 triệu đồng một lượt.
Trúc Chi (theo Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Đại Đoàn Kết)