Tổng nợ xấu của BIDV tăng 50% sau 9 tháng đầu năm 2023

Luỹ kế 9 tháng, nợ nghi ngờ của BIDV tăng mạnh 239% từ 2.693 tỷ đồng lên 9.138 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 41% lên 4.446 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - HoSE: BID) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III và luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần sụt giảm 2% từ 14.098 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trướcvề mức 13.783 tỷ đồng.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng thể hiện sự chông chênh khi tăng giảm bất nhất. Theo đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 22% lên 1.764 tỷ đồng; lãi thuần kinh doanh ngoái hối tăng 110% lên 1.682 tỷ đồnghay lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gấp 20 lần đạt 114 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động khác sụt giảm 30% so cùng kỳ về mức 741 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng ghi nhận khoản lỗ gần 295 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 51 tỷ đồng.

Trong kỳ, dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV ở mức 5.949,6 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lãi trước thuế quý III/2023 của BIDV sụt giảm 11,7% xuống 5.893 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm về mức 4.728 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của BIDV ghi nhận ở mức 41.266 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với 9 tháng đầu năm năm 2022.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng có sự chuyển dịch khi lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh leo thang từ mức âm 62 tỷ đồng lên 293 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 56% lên gần 3.140 tỷ đồng. Song lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV vẫn giảm 5% so với cùng kỳ về mức 35.172 tỷ đồng.

Nhờ giảm 20% chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng về mức 15.409 tỷ đồng, BIDV báo lãi trước thuế tăng 11,8% lên 19.763 tỷ đồng; lãi sau thuế tương ứng tăng 10% lên 15.477 tỷ đồng.

Năm 2023, BIDV đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng từ 10 - 15% so với năm 2022, ứng với từ 25.360 tỷ đồng đến 26.520 tỷ đồng, tùy thuộc vào diễn biến thị trường, năng lực của ngân hàng và sự phê duyệt cơ các Cơ quan Nhà nước. Như vậy, sau 9 tháng, ngân hàng đã hoàn thành khoảng 75% kế hoạch cả năm.

Tại thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của BIDV ghi nhận ở mức hơn 2,13 triệu tỷ đồng, gần như đi ngang so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng là 1,65 triệu tỷ đồng, chiếm 77% tổng tài sản, tăng 8,6% so với hồi đầu năm.

Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng của BIDV tăng 7% so với đầu năm lên hơn 1,58 triệu tỷ đồng. Các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 91%, còn 13.241 tỷ đồng

Về chất lượng nợ, tổng nợ xấu của BIDV sau 9 tháng đầu năm là 26.393 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng mạnh 239% từ 2.693 tỷ đồng lên 9.138 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 41% lên 4.446 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) cũng tăng nhẹ 9% lên 12.809 tỷ đồng. Do vậy, tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của BIDV từ 1,16% đầu năm lên 1,6%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BID đang dao động quanh vùng giá 41.500 đồng/cổ phiếu với thanh khoản giao dịch không ngừng tăng.

Thu Hương