Tổng thống Putin cảnh báo hậu quả nếu phương Tây áp trần giá dầu

Ông Putin cho biết các nỗ lực nhằm áp trần giá dầu của Nga của phương Tây sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng quốc tế.

Điện Kremlin hôm 24/11 cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani, chúc mừng ông Al-Sudani đảm nhận vai trò thủ tướng.

Trong cuộc điện đàm này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo việc Mỹ và đồng minh áp trần giá dầu Nga sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mối quan hệ trong nền kinh tế thị trường.

"Vấn đề được đề cập tới tại cuộc điện đàm trong bối cảnh một số quốc gia phương Tây muốn thông qua các hạn chế về giá đối với sản phẩm dầu thô từ Nga, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng hành động này đi ngược với quy tắc của quan hệ kinh tế thị trường và sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng quốc tế", tuyên bố của Điện Kremlin cho biết.

tong thong putin canh cao

Tổng thống Vladimir Putin.

Nga và Iraq đều là những nhà sản xuất dầu lớn và là thành viên thỏa thuận OPEC+, thỏa thuận đặt ra mức sản lượng dầu nhằm quản lý giá trên thế giới. Theo Điện Kremlin, hai lãnh đạo cũng đánh giá tích cực về công việc của hai nước trong khuôn khổ OPEC+ giúp "ổn định thị trường dầu mỏ thế giới".

Trước đó, vào hôm 23/11, đại diện của các quốc gia tại Liên minh châu Âu (EU) đã không thể nhất trí về việc áp trần giá dầu của Nga.

Theo đó, đại diện của 27 quốc gia EU đã gặp mặt tại thủ đô Brussel, Bỉ để bàn luận về đề xuất áp trần giá dầu Nga ở mức 65-75 USD/thùng của nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới G7.

"Các thành viên trong khối vẫn còn những bất đồng liên quan đến mức giá trần được áp dụng. Chúng tôi cần phải thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương giữa các thành viên", một nhà ngoại giao của EU cho biết.

Ba Lan, Lithuania và Estonia cho rằng mức giá 65-70 USD/thùng vẫn sẽ giúp Nga thu được khoản lợi nhuận lớn khi giá thành sản xuất chỉ ở mức 20 USD/thùng.

Trong khi đó, Cyprus, Hy Lạp và Malta cho rằng mức giá trần đó quá thấp, đồng thời yêu cầu phải bồi thường cho khoản lỗ của doanh nghiệp hoặc cần thêm thời gian để điều chỉnh. Ngành vận tải biển của các nước này có thể thua lỗ nếu dầu Nga bị cản trở.

Bộ Tài chính Mỹ đầu tuần này cũng xác nhận Washington và các đồng minh đang lên kế hoạch chốt giá trần đối với dầu Nga trong "vài ngày tới", khi họ tìm cách cắt đứt nguồn tài trợ quan trọng cho Moscow.

Giá trần sẽ là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/12, cấm các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu Nga được bán trên mức giá cố định.

Đáp trả lại động thái mới nhất của G7 và EU, Nga tuyên bố không cung cấp dầu, khí đốt cho những nước áp giá trần. Tuy nhiên, Moscow sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi phân tích các số liệu được thảo luận ở châu Âu.

Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2 và đến nay cuộc chiến này chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong khoảng thời gian đó, Nga đã tuyên bố sáp nhập bốn vùng của Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia) vào lãnh thổ Nga bất chấp sự phản đối của Ukraine và các nước phương Tây.

Mới nhất, phía Ukraine cáo buộc Nga tấn công tên lửa trên khắp Ukraine vào ngày 23/11, khiến 10 người thiệt mạng, buộc các nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa cũng như cắt nguồn cung cấp điện, nước ở nhiều nơi.

"Chúng tôi đã hứng 70 quả tên lửa hôm nay. Các tên lửa đều nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng tôi. Bệnh viện, trường học, giao thông, các khu dân cư đều bị ảnh hưởng" - ông Zelensky nói hôm 23/11.

Linh Chi (T/h)