TP.HCM có khoảng 1,2 triệu người được phép ra đường trong thời gian giãn cách xã hội

Theo thống kê, đối tượng được phép ra đường tại TP HCM duy trì những hoạt động bình thường như cung ứng mặt hàng thiết yếu… là khoảng 1,2 triệu người. Sắp tới TP sẽ nghiên cứu, rà soát lại để hạn chế người ra đường.

Báo Người lao động thông tin, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP đã có 2 đợt hỗ trợ người khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền đã chi cho các đối tượng là 913,839 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn có nhiều khoản phí khác như chi hỗ trợ cho hộ kinh doanh 12 tỉ đồng, hộ kinh doanh chợ truyền thống 26 tỉ đồng, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp cho hơn 2,3 triệu người lao động với 1,060 tỉ đồng. Hưu trí, tử tuất 187 tỉ đồng, người lao động, hướng dẫn viên… khoảng 147 tỉ đồng. Hộ nghèo, cận nghèo 43.000 hộ chiếm 80% số hộ nghèo đang triển khai là 47,5 tỉ đồng.

Theo ông Dương Anh Đức, đối với người có tài khoản sẽ được chuyển vào tài khoản còn với người không có tài khoản sẽ được trao tận tay.

Về tình trạng người dân ra đường đông hơn so với trước, ông Dương Anh Đức cho biết tại TP có hơn 10 triệu dân và theo thống kê của Công an TP với hơn 3 triệu người tạm trú. Như vậy tổng dân số của TP là 13 triệu người.

"Thời gian qua, TP ban hành nhiều quy định hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết, theo thống kê, ước tính đối tượng được ra đường duy trì những hoạt động bình thường như cung ứng mặt hàng thiết yếu,… là khoảng 1,2 triệu người được phép. Thực tế qua kiểm tra, kiểm soát, hiện đa số đối tượng được phép lưu thông, còn lại 1 số ít ra đường không đúng quy định. Mỗi ngày công an TP kiểm soát 200.000 phương tiện, trong đó 100.000 người sử dụng phương tiện cá nhân, 1.500 trường hợp bị xử phạt, buộc quay đầu xe là 3.200 trường hợp" - ông Dương Anh Đức nói.

Theo TTXVN, về lý do người dân ra đường tăng lên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM cho rằng, có 3 nguyên nhân khiến đường phố trở nên đông đúc hơn trong những ngày gần đây.

Đầu tiên là do một số hoạt động trước đây cấm, nhưng từ 16/8, TP bắt buộc phải mở ra để đảm bảo duy trì nhu cầu cuộc sống cơ bản như dịch vụ bảo trì hạ tầng kỹ thuật, tòa nhà chung cư, máy lạnh, thoát nước, cấp nước… nên lượng người ra đường đông hơn.

ttxvn-chot-kiem-soat-1629415784.jpg
Chốt kiểm tra phương tiện giao thông trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình). Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, các địa phương rào chắn lại các tuyến đường nhánh và chỉ duy trì các tuyến đường chính để thuận tiện cho công tác kiểm soát.

Ông Dương Anh Đức chia sẻ bản thân ông đi về cũng phải đi đường vòng, mất thêm 10-15 phút so với trước đây. Do vậy, dù quy mô số người ra đường vẫn như cũ, nhưng số tuyến đường có thể lưu thông giảm đi, nên có cảm giác đông hơn.

Ngoài ra, mỗi ngày có khoảng 200.000 người đi tiêm vaccine, có ngày lên đến hơn 300.000 người.

“Đây là công tác quận trọng nên không thể dừng, nếu người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch thì sẽ không tạo ra mối nguy cơ lớn,” ông Dương Anh Đức nói.

Về tình hình ùn tắc ở các chốt kiểm soát, theo ông Dương Anh Đức, ngay trong sáng 19/8, Công an TP.HC đã tổ chức cuộc họp, rà soát các đối tượng được phép hoạt động (gồm 17 nhóm đối tượng) để có quy định cụ thể hơn, trong đó nếu trường hợp không cần thiết thì sẽ hạn chế ra đường để thực hiện mục tiêu giãn cách.

Về công tác điều trị Covid-19 hiện nay, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, Thành phố đang triển khai chiến lược chăm sóc điều trị tại nhà cho người mắc Covid-19.

Thành phố đang chuẩn bị 389 trạm y tế lưu động, phù hợp với số lượng người F0 tại nhà.

Để giảm thiểu tỷ lệ tử vong, ngành Y tế đã cụ thể hóa chủ trương của bộ Y tế về việc điều trị các F0 trong thời gian sắp tới, trong đó tính đến phương án triển khai trạm y tế lưu động.

Về số ca nhiễm trong cộng đồng tăng, ông Nguyễn Hồng Tâm cho rằng nguyên nhân do người dân chủ động đi tới các cơ sở xét nghiệm. Ngoài ra, việc tuân thủ giãn cách tại một số địa phương còn chưa nghiêm ngặt.

Nhằm kiểm soát nguồn lây, tiến tới làm sạch vùng xanh, theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Thành phố cần tiến hành xét nghiệm quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm hơn. Vì vậy, kế hoạch xét nghiệm sắp tới có thay đổi, sẽ tăng số mẫu xét nghiệm.

Về năng lực tiêm vaccine, theo sở Y tế TP.HCM, trong ngày 18/8, thành phố đã tiêm cho 138.667 người.

Tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định. Tính từ khi bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết ngày 18/8, thành phố đã đã tiêm được 5.064.448 người.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng vaccine Covid-19, sáng 19/8 đã có 71,42% người từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (dân số từ 18 tuổi trở lên tại thành phố hơn 6,9 triệu người).