Trải nghiệm lội rừng ngập mặn bắt ba khía trong đêm ở Cần Giờ

Với đèn pin, dao gỗ và can nhựa, đêm xuống, người dân ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) lội rừng đước bắt ba khía kiếm tiền mưu sinh.
 
Chiều tối mỗi ngày, khoảng 10 người xuống ghe ở bến đò xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ (TP.HCM) để vào rừng đước bắt ba khía (người địa phương gọi là con nha). Theo họ, ba khía dùng để làm các loại mắm bởi thịt thơm và ngọt. 

"Tôi làm nghề này hơn 5 năm rồi, hầu như ngày nào cũng đi, có ngày bắt được 15 đến 20kg, giá mỗi kg hơn 50.000 đồng. Nghe thì ngon ăn nhưng nghề cũng cực lắm vì làm đêm vất vả, nguy hiểm, thu nhập chỉ đủ sống", ông Nguyễn Văn Nghĩa (38 tuổi) chia sẻ.

Chiều tối mỗi ngày, khoảng 10 người xuống ghe ở bến đò xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ (TP.HCM) để vào rừng đước bắt ba khía (người địa phương gọi là con nha). Theo họ, ba khía dùng để làm các loại mắm bởi thịt thơm và ngọt. 

"Tôi làm nghề này hơn 5 năm rồi, hầu như ngày nào cũng đi, có ngày bắt được 15 đến 20kg, giá mỗi kg hơn 50.000 đồng. Nghe thì ngon ăn nhưng nghề cũng cực lắm vì làm đêm vất vả, nguy hiểm, thu nhập chỉ đủ sống", ông Nguyễn Văn Nghĩa (38 tuổi) chia sẻ.

"Con ba khía ở rừng ngập mặn Cần Giờ gồm rất nhiều loại như càng đỏ, càng xanh và càng tím. Thịt nó cũng ngon, săn chắc hơn so với ở nơi khác nên giá bán cũng cao hơn chút đỉnh", ông Nguyễn Văn Minh (40 tuổi), hành nghề hơn 10 năm, giải thích.

Ngoài đèn pin, can nhựa đựng ba khía, mỗi người thợ còn mang theo con dao gỗ. "Đất rừng sình lầy nên dùng dao này đào xới rất tiện", ông Minh nói.

Họ phải khom người luồn qua những gốc cây đước để tìm ba khía. "Làm nghề này khổ nhất vào mùa mưa. Nước ngập đến cổ, chưa kể vắt, muỗi rừng và rắn độc nhiều vô kể", ông Minh cho hay.

 
"Ba khía thường lẩn trong sình lầy hoặc leo trên cây đước. Ở Cần Giờ, ba khía mùa nào cũng có, nhưng nhiều nhất là mùa nước lên vào khoảng tháng 8 và 9 hàng năm", ông Minh cho biết.
 
 
Sau 3-4 giờ lội sình, khi ba khía đã đầy thùng, họ trở lại sông dầm mình dưới nước để giũ sạch bùn đất.

Để giữ sức làm việc trong rừng, những người bắt ba khía làm việc theo hai ca từ 19h đến 23h và từ 2h đến 5h. Mỗi người có khoảng 1-2 tiếng tranh thủ chợp mắt hoặc ăn đêm trên chiếc ghe đậu ở bìa rừng để lấy sức làm việc.

 

Ngoài bắt ba khía, họ còn bắt thêm cua cá để kiếm thêm. "Loài cua rừng này bán 300.000 đồng một kg. Tất nhiên, may mắn mới gặp", ông Nguyễn Anh Tuấn (38 tuổi) khoe.

 
Đến gần sáng, mọi người bắt đầu thu gom ba khía, cua, cá bắt được cho vào bao lưới để chuẩn bị trở về kịp bán cho thương lái.

 

Khi ghe vừa cập bến đò Tam Thôn Hiệp, ba khía được phân loại cân bán cho các chủ vựa hải sản. "Nếu chăm chỉ, một người có thể kiếm được một đến hai triệu đồng mỗi chuyến. Nói chung đủ tiền trang trải gia đình, cho các con ăn học, chứ không ai làm giàu được với cái nghề lấm lem bùn đất này", ông Minh nói.

Theo Dân Việt