Trường hợp nào đến Đà Nẵng sẽ bị cách ly?

Nhiều người đặt câu hỏi, đến TP.Đà Nẵng thời điểm này có nằm trong diện cách ly hay không? Cơ quan chức năng đã có những hướng dẫn cụ thể.

Mỗi trường hợp được quy định khác nhau

Ngày 6/2, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, đã có chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19. Điểm đáng lưu ý, chính quyền TP.Đà Nẵng quy định rõ đối tượng bị cách ly y tế.

Theo đó, địa phương này sẽ áp dụng các biện pháp cách ly y tế đối với từng trường hợp cụ thể.

Đà Nẵng sẽ cách ly y tế tập trung đủ 21 ngày, tính từ ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây hoặc ngày rời khỏi địa phương, đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (F1); người từng đi đến, trở về từ thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); người từng đi đến, về từ các khu vực đang bị phong tỏa trên cả nước (áp dụng đến khi khu vực hết phong tỏa). 

Tin nhanh - Trường hợp nào đến Đà Nẵng sẽ bị cách ly?

Ông Lê Trung Chinh. 

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng sẽ tổ chức cách ly y tế tại nhà đủ 21 ngày với các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với F1). 

Nếu kết quả xét nghiệm PCR của F1 âm tính với SARS-CoV-2 thì F2 được kết thúc cách ly; người từng đi đến, về từ tỉnh Hải Dương (trừ thành phố Chí Linh), tỉnh Quảng Ninh (trừ sân bay Vân Đồn); người từng đi đến, trở về từ các quận, huyện có trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng của Hà Nội; người từng đi đến, trở về từ các các xã, phường có ghi nhận trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng trên cả nước; người đã từng đến, đi về từ các địa điểm trong khoảng thời gian bộ Y tế thông báo khẩn nhưng không phải là người tiếp xúc gần (F1). 

Đồng thời, sẽ có một số nhóm đối tượng được theo dõi sức khỏe tại nhà đủ 21 ngày (chủ động khai báo với chính quyền) với người đã từng đi đến, về từ các quận, huyện chưa có ca bệnh của Hà Nội; người đã từng đi đến, về từ các xã, phường chưa có ca bệnh thuộc các tỉnh, thành phố đang có ca bệnh; người nghi ngờ là F1, F2.  

Tất cả trường hợp cách ly y tế (tập trung hoặc tại nhà) đều lấy mẫu xét nghiệm 3 lần: lần 1 vào ngày phát hiện, lần 2 vào ngày thứ 14, lần 3 vào ngày thứ 21 kể từ ngày rời khỏi địa phương hoặc ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây.  

Với người về từ vùng dịch tính từ ngày rời khỏi địa phương hoặc ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây đến ngày phát hiện trên 12 ngày sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 2 lần: lần 1 vào ngày phát hiện, lần 2 vào ngày thứ 21 kể từ ngày rời khỏi.  

Nếu từ ngày rời khỏi địa phương hoặc ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây đến lúc phát hiện trên 18 ngày thì Đà Nẵng sẽ lấy mẫu 1 lần vào ngày phát hiện.

Tăng cường xử phạt không đeo khẩu trang

Ông Chinh cũng yêu cầu sở Y tế TP.Đà Nẵng cập nhật, thông báo các ổ dịch, vùng dịch tại các địa phương trên cả nước; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.

Ngành y phải nâng cao cấp độ, kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện. Chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang phục, hóa chất, vật tư… sẵn sàng đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ.

Tin nhanh - Trường hợp nào đến Đà Nẵng sẽ bị cách ly? (Hình 2).

Người dân tại bến xe TP.Đà Nẵng.

Ngoài ra, sở Y tế cần chỉ đạo trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, lập danh sách để xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng; kịp thời xử lý theo quy định nếu phát hiện trường hợp mắc Covid-19.

Trong khi đó, Công an TP.Đà Nẵng được chỉ đạo chủ trì, phối hợp với sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng quy trình, quy chế phối hợp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra, vào thành phố, sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe, tham mưu UBND Thành phố này ban hành Quyết định thành lập chốt kiểm dịch.

Công an phải tăng cường công tác phối hợp với ngành y tế và chính quyền địa phương trong việc xác minh, điều tra, phát hiện và xử lý các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, kể cả các trường hợp từ các địa phương khác đến lưu trú tại TP.Đà Nẵng.

Ngành công an tăng cường giám sát việc thực hiện cách ly y tế và có biện pháp xử lý các trường hợp không chấp hành cách ly y tế. Đồng thời, đơn vị này phối hợp tăng cường xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang; vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, sở Tư pháp TP.Đà Nẵng ra thông báo áp dụng mức phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, nhằm tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, hành vi không đeo khẩu trang tại nơi công cộng trong tình hình hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hành vi này thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. 

Cụ thể, với hành vi không đeo khẩu trang tại nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Mức phạt này ghi rõ đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế.