Chiều ngày 27/1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) thông báo kết luận thanh tra việc sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội, mua sắm vật tư y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn năm 2014-2018 tại bộ Y tế và 7 bệnh viện gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, Viện K, Nhi Trung ương, Trung ương Huế, Thống Nhất.
Đồng thời, TTCP cũng kiểm tra, xác minh một số gói thầu mua sắm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Mắt trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM…
Trong thông báo kết luận của TTCP, có đến 7 vụ việc sai phạm nghiêm trọng nên chuyển sang CQĐT- bộ Công an tiếp tục xác minh làm rõ dấu hiệu sai phạm hình sự, gồm: việc cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế trái quy định có dấu hiệu lợi ích nhóm ở Vụ Trang thiết bị và công trình y tế tại bộ Y tế; hồ sơ về hai gói thầu đấu thầu tập trung năm 2017 tại Trung tâm Mua sắm tập trung quốc gia liên quan đến Liên danh Công ty UNI - Văn Lang; hồ sơ việc thực hiện liên doanh, liên kết đối với 11 máy liên doanh, liên kết, máy đặt tại Bệnh viện Bạch Mai; thông tin việc mua sắm robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố Hà Nội; thông tin việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế liên quan hơn mười gói thầu năm 2018, 2019 tại Bệnh viện Tim Hà Nội; việc thực hiện gói thầu "Cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị…" của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM; việc đấu thầu mua sắm thiết bị đối với 2 gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị xạ trị tại Bệnh viện K.
Đáng chú ý, tại Bệnh viện Bạch Mai, quá trình liên doanh, liên kết lắp đặt 11 máy (gồm hệ thống chụp cắt lớp, robot phẫu thuật, máy nội soi...) bị xác định có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị làm rõ việc mua sắm robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và giải pháp PACS tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội Hà Nội. Cụ thể, hợp đồng giữa Ban Quản lý với nhà thầu là Công ty Công nghệ y tế BMS, Công ty xuất nhập khẩu thiết bị y tế Đại Phát có giá trị hơn 38,7 tỷ đồng. Giá này được cho là "quá cao" so với 10,9 tỷ đồng của hệ thống tương tự được đưa vào liên doanh tại Bệnh viện Bạch Mai.
TTCP cũng đề nghị điều tra việc thực hiện gói thầu "Cung cấp lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh" được đầu tư cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Tại Bệnh viện K, TTCP xác định hợp đồng đặt 2 máy xạ trị và tổ chức đấu thầu với hóa chất chỉ sử dụng cho máy là "không đảm bảo tính công bằng, minh bạch". Quy định đấu thầu có điều kiện đơn vị trúng phải cung cấp máy kèm hóa chất, vật tư của gói thầu là trái Nghị định 63/2014.
Ngoài ra, TTCP cho rằng việc liên kết thiết bị phục vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện còn nhiều sai phạm như sử dụng nhà, tài sản để góp vốn nhưng không có phê duyệt của Bộ trưởng Y tế; không xác định giá trị đất đai, nhà cửa theo giá trị trường khi góp vốn.
Việc xác định chi phí khấu hao cũng chưa đúng quy định; giá dịch vụ khám bệnh bằng thiết bị liên doanh còn cao hơn giá dịch vụ Bảo hiểm Y tế hoặc không kê khai giá theo quy định.
Thanh tra Chính phủ đề nghị bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện hủy hoặc điều chỉnh các hợp đồng liên doanh như trên, xác định lại giá khám chữa nhằm tránh gây ảnh hưởng tới bệnh nhân.