Năm 2025, mức lương hưu hằng tháng của người lao động sẽ thay đổi theo quy định mới. Với những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2025, mức lương hưu vẫn được tính theo Luật BHXH năm 2014. Cụ thể, lao động nam cần 20 năm đóng BHXH để nhận mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Mỗi năm đóng thêm, họ sẽ được cộng thêm 2%, tối đa đạt 75%. Đối với lao động nữ, chỉ cần 15 năm đóng BHXH để nhận 45%, với cách tính thêm 2% mỗi năm đóng tiếp theo, tối đa cũng là 75%.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2025, người lao động nghỉ hưu sẽ áp dụng quy định mới tại Luật BHXH năm 2024. Điểm khác biệt lớn nhất là mức lương hưu cho lao động nam có thời gian đóng BHXH từ 15 đến dưới 20 năm sẽ chỉ bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Sau mỗi năm đóng thêm, mức lương sẽ tăng thêm 1%.
Về tuổi nghỉ hưu, từ năm 2025, tuổi nghỉ hưu của lao động trong điều kiện làm việc bình thường sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình. Nam giới sẽ đạt 61 tuổi 3 tháng, trong khi nữ giới là 56 tuổi 8 tháng. Lộ trình này sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng dần đến năm 2028 với nam và năm 2035 với nữ, khi tuổi nghỉ hưu lần lượt đạt 62 và 60 tuổi. Sự điều chỉnh này nhằm kéo dài thời gian tham gia BHXH và giảm áp lực tài chính lên quỹ hưu trí quốc gia.
Một thay đổi đáng chú ý khác là cách tính lương hưu cho lao động khu vực nhà nước từ ngày 1/1/2025. Lương hưu sẽ được tính dựa trên mức bình quân tiền lương đóng BHXH trong toàn bộ quá trình làm việc, thay vì chỉ tính bình quân các năm cuối như trước đây. Quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong hệ thống an sinh xã hội.
Ngoài ra, Luật BHXH sửa đổi cũng điều chỉnh độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, giảm từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi đối với người không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH. Đặc biệt, đối với người thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, độ tuổi hưởng trợ cấp sẽ giảm thêm 5 năm, xuống còn 70 tuổi. Người thụ hưởng không chỉ được nhận trợ cấp hàng tháng mà còn được ngân sách đóng bảo hiểm y tế, giúp cải thiện an sinh xã hội đáng kể.
Các thay đổi này không chỉ mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, mà còn giúp hàng trăm nghìn người cao tuổi tiếp cận chế độ trợ cấp sớm hơn. Hiện tại, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng mỗi tháng, nhưng Chính phủ sẽ định kỳ rà soát và điều chỉnh theo điều kiện kinh tế - xã hội và ngân sách.
Mức đóng BHXH bắt buộc sẽ không thay đổi nhiều đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vẫn bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Sự chuyển đổi giữa Luật BHXH năm 2014 và 2024 không làm ảnh hưởng đến cách tính mức đóng của nhóm lao động này.
Các mức trợ cấp đều được tăng lên
Một trong những điểm vượt trội của chính sách mới tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi chính là mức lương để tính trợ cấp đã được điều chỉnh. Theo đó, Nghị định số 178/2024/NĐ-CP quy định tiền trợ cấp sẽ tính theo mức lương hiện hưởng thay vì mức lương đóng bảo hiểm xã hội như quy định trước đây.
Như vậy, tiền trợ cấp sẽ là mức lương hiện hưởng bao gồm cả tiền lương và các loại loại phụ cấp nhân với số tháng hưởng trợ cấp. Các khoản trợ cấp sẽ đều cao hơn vì được tính theo mức lương hiện hưởng. Ông Nguyễn Quang Dũng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ cho biết cho biết số tiền trợ cấp sẽ rất cao so với trước đây.
Nghị định quy định nếu có tuổi đời còn từ đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm. Còn nếu có tuổi đời còn từ đủ 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với 60 tháng. Hệ số và số tháng để tính tiền trợ cấp của nhóm còn từ 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu sẽ không vượt trội như từ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu.
Đối với trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu nếu nghỉ hưu trước tuổi sẽ được hưởng toàn bộ như lương hiện hưởng của 60 tháng và còn được hưởng thêm chính sách nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ hưởng, trợ cấp số năm nghỉ sớm và trợ cấp thời gian công tác.