Tư vấn pháp luật: Sử dụng công cụ định vị theo dõi chồng có phạm luật?

Việc gắn thiết bị theo dõi người khác là trái Hiến pháp, dù là chồng của mình.

Luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty Luật FANCI, Hà Nội) cho hay, dù quan hệ vợ chồng, đối phương cũng không có quyền xâm phạm những quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư cả mỗi cá nhân, được pháp luật quy định.

Trong đời sống vợ chồng, pháp luật chỉ điều chỉnh quyền và nghĩa vụ chung của hai người trong quan hệ hôn nhân như: Con chung, tài sản chung, nợ chung và một số vấn đề khác. Còn bản thân mỗi người đều có quyền riêng về nhân thân, danh dự, sức khoẻ và đời sống riêng tư.

tu van phap luat su dung cong cu dinh vi theo doi chong co pham luat

Hình minh họa.

Quyền này là bất khả xâm phạm được nhà nước bảo vệ tuyệt đối và được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.... được pháp luật bảo đảm an toàn".
Điều 38, Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định: "Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".
Nếu lần đầu gắn thiết bị theo dõi đã bị xử phạt mà còn tái phạm thì hành vi lần hai rất có thể đủ cấu thành tội Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác, quy định tại điều 159 Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt 3 tháng đến 3 năm tù.
Việt Hương (T/h)